Thí sinh chấp nhận học ngành trái ngược sở thích để vào đại học
(Dân trí) - Sau khi rớt xét tuyển đợt 1, tại nhiều trường ĐH ở TPHCM những ngày qua có khá đông thí sinh đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung. Với mong muốn kiếm một suất vào đại học, có những thí sinh đành đăng ký vào ngành trái ngược hẳn với sở thích.
Trường mừng vì thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển đông
Những ngày qua tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM, lượng thí sinh đến đăng ký xét tuyển bổ sung tương đối đông. Điều kiện xét tuyển của trường là tổng điểm không thấp hơn 17 với hệ đại trà và 16 với hệ chất lượng cao nên có nhiều thí sinh có mức điểm khá cao đến xét tuyển.
Thí sinh Nguyễn Ngọc H., ở Đồng Nai cho biết “em đạt tổng điểm khối B đạt 23,75 điểm nhưng đợt xét tuyển 1 em thiếu 0,25 điểm nên bị rớt ngành Y học cổ truyền của trường ĐH Y dược TPHCM”. Đến trường ĐH Công nghiệp, thí sinh này chọn đăng ký xét tuyển vào ngành Kế toán với mức điểm khối A của mình đạt là 23,35 điểm. Đồng thời, H. cũng sẽ xét tiếp nguyện vọng vào ngành Y học dự phòng của trường ĐH Y dược.
Thí sinh Ngọc H cũng chia sẻ “khi biết trường ĐH Y dược hạ điểm sàn xét tuyển xuống hơn 3 điểm so với điểm chuẩn em nuôi hi vọng có thể trúng tuyển. Còn ngành Kế toán là dự phòng nếu vẫn rớt trường Y dược sẽ học tạm một năm để năm sau thi lại”.
Cũng tại trường này, thí sinh Nguyễn Văn Đ.(quê Lâm Đồng) đạt 21 điểm nhưng rớt ĐH Bách khoa TPHCM và trường Sĩ quan lục quân ở đợt 1 nên quyết định nộp hồ sơ vào ngành Điện – Điện tử của trường ĐH Công nghiệp. Theo thí sinh này, sau khi rà một vòng thì thấy trường này vẫn còn chỉ tiêu mà ngành mình yêu thích nên đến đăng ký.
Trong khi đó, một số thí sinh đạt mức điểm 18-19 điểm nhắm khó trúng tuyển vào hệ đại trà nên nộp đơn xét tuyển vào hệ chất lượng cao vì điểm sàn xét thấp hơn. Thí sinh Đinh Ngọc T. cho biết mình đạt 18,25 điểm nhưng xét vào hệ chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin cho chắc ăn dù biết rằng học phí sẽ cao.
Tại nhiều trường khác, số lượng thí sinh đến đăng ký xét tuyển cũng suýt soát với chỉ tiêu tuyển. Theo Ths Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, chỉ tiêu của trường trong đợt xét tuyển bổ sung là 400, nhưng lượng hồ sơ đăng ký của thí sinh cũng được khoảng 300. Đây là tín hiệu khả quan trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu vì thời gian xét tuyển bổ sung vẫn còn nhiều ngày.
Còn tại trường ĐH Mở TP HCM cũng đã có hơn 500 thí sinh đến xét tuyển bổ sung. Trong khi đó trường chỉ tuyển 380 chỉ tiêu bổ sung nên cũng yên tâm được phần nào. Tuy nhiên theo một chuyên gia về tuyển sinh cho rằng do mỗi thí sinh vẫn được đăng ký hai trường nên tỷ lệ ảo vẫn còn rất cao và có thể rơi vào bất cứ trường ở top nào.
Nhiều trường tiếp tục công bố xét tuyển bổ sung
Theo ghi nhận, đến nay có thêm nhiều trường ĐH tại TPHCM cũng công bố xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu khá lớn. Trong đó, hầu hết các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng công bố xét tuyển bổ sung. Cụ thể như trường ĐH Quốc tế tuyển 505 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo với điểm nhận hồ sơ 17-22 điểm. Riêng 200 chỉ tiêu cho chương trình liên kết cấp bằng, điểm nhận hồ sơ là từ 15. Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng tuyển bổ sung 240 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo với điều kiện thí sinh đạt 18 -20 điểm, tùy ngành.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển 330 chỉ tiêu đại học chính quy: Toán học, Vật lý học, Hải dương học, Địa chất học... 120 chỉ tiêu đại học chính quy chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết ở ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học, Công nghệ thông tin.
Riêng khoa Y – ĐH QG TP.HCM tuyển thêm 50 chỉ tiêu ngành Dược học theo tổ hợp xét tuyển Toán, Hóa, Sinh với yêu cầu đạt 21,5 điểm trở lên.
Trường ĐH Ngân hàng TPHCM xét tuyển 350 chỉ tiêu bổ sung cho các ngành. Trong đó, nhóm ngành kinh tế, kinh doanh tuyển 300 chỉ tiêu và ngành ngôn ngữ Anh tuyển 50 chỉ tiêu với điểm nhận hồ sơ là 17. Trường ĐH Kiến trúc xét tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo tại TPHCM và Cần Thơ
Lê Phương
(lephuong@dantri.com.vn)