Thí sinh bật khóc, suýt nhỡ thi tốt nghiệp vì bất ngờ đau bụng
(Dân trí) - Tại điểm thi THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang), ngay trước giờ thi, một thí sinh bất ngờ đau bụng. Em bật khóc lo lắng sợ mình không thể tham gia tiếp kì thi tốt nghiệp THPT 2020.
Suýt nhỡ thi vì nghi do ăn bún măng
Sáng nay (10/8), đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang.
6h30 sáng, nhiều thí sinh đã có mặt ở điểm thi nhanh chóng sát khuẩn, đo thân nhiệt để vào trường thi.
Tại điểm thi này, ngay trước giờ thi có một thí sinh bị đau bụng phải cần nhờ đến sự hỗ trợ của cán bộ y tế. Em bật khóc lo lắng sợ mình không thể tham gia tiếp kì thi tốt nghiệp THPT 2020.
Cụ thể, khoảng 7h sáng, sau khi giám thị gọi thí sinh vào phòng thi, em Lê Khánh Linh, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) bị đau bụng. Thí sinh được đưa xuống phòng y tế chăm sóc.
Em cho biết, sáng nay mình dậy từ 5h, ăn bún gà với măng mẹ nấu. Hơn 6h, em đến điểm thi, được một lúc thì bụng đau dữ dội.
May mắn, sau khi nghỉ ngơi, được chăm sóc y tế và thầy cô giáo, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đang kiểm tra công tác tổ chức thi tại đó động viên, Khánh Linh đã được về phòng để tiếp tục dự thi.
Theo Phó điểm trưởng điểm thi Trường THPT Ngô Sĩ Liên, Linh vốn là lớp trưởng.
Em cho biết, trong ngày khi đầu tiên, làm bài khá tốt và không quá áp lực về kỳ thi.
Năm nay, em đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Ông Mai Văn Trinh đã động viên thí sinh không nên quá lo lắng. Đến sát giờ thi, thí sinh đã đỡ cơn đau và đủ điều kiện tiếp tục tham gia kỳ thi.
Cán bộ coi thi cũng "cân não"
Trong phòng thi, thí sinh "cân não" chuẩn bị làm bài, bên ngoài phòng thi, các cán bộ coi thi phải tuân thủ nhiều giải pháp kĩ thuật để đảm bảo an toàn, tránh gian lận.
Theo quy định, trước mỗi buổi thi, đại diện cán bộ coi thi thực hiện việc bốc thăm cách đánh số báo danh chung cho tất cả các phòng thi của điểm thi, bảo đảm không trùng với cách đánh số báo danh của các buổi thi trước.
Ngoài ra, các cán bộ coi thi cũng bốc thăm số phòng thi để đảm bảo một cán bộ không coi thi quá 2 lần/một phòng thi.
Tại điểm thi Trường THPT Ngô Sĩ Liên, ngày 10/8, việc đánh số báo danh được thực hiện theo phương án thứ 5.
Nếu như mọi năm, một cách phát đề được vạch ra và bất kỳ cán bộ coi thi nào cũng phải phát theo cách đó thì từ năm 2019 đến nay, cách phát đề thi được tiến hành bốc thăm.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trước khi cắt bì/túi đề thi và phát đề thi vào đúng thời điểm ghi trong lịch thi, cán bộ coi thi (CBCT) phải cho toàn thể thí sinh trong phòng thi chứng kiến tình trạng niêm phong của bì/túi đề thi, sự phù hợp môn thi với lịch thi và lập biên bản xác nhận có chữ ký của 2 thí sinh trong phòng thi.
Ngay sau khi phát đề cho thí sinh, CBCT yêu cầu thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi: nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ, thí sinh phải lập tức báo cho CBCT để kịp thời xử lý.
Nếu không phát hiện hoặc để quá sau khi phát đề 10 phút (tính từ giờ phát đề) đối với bài thi Toán, Ngoại ngữ, 5 phút (tính từ giờ phát đề) đối với bài thi Ngữ văn và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.
Tất cả những trường hợp phát sinh về đề thi, CBCT phải báo cáo cho Trưởng Điểm thi để báo cáo Trưởng ban Coi thi ngay sau khi phát hiện.
Trong bì/túi đựng đề thi của mỗi bài thi tổ hợp có chứa bì/túi đựng đề thi của từng môn thi thành phần tương ứng. CBCT chỉ được cắt bì/túi đề thi và phát đề thi của môn thi thành phần cho thí sinh đúng thời điểm ghi trên lịch thi.
Thứ tự phát đề thi được thực hiện bằng cách bốc thăm theo một trong hai cách sau:
Cách 1. Phát theo thứ tự lần lượt từ trái sang phải, từ trên xuống dưới;
Cách 2. Phát theo thứ tự lần lượt từ phải sang trái, từ trên xuống dưới.
Khi nhận túi đề thi, CBCT (người nhận đề thi) bốc thăm cách phát đề thi. Tại phòng thi, thứ tự phát đề phải thực hiện đúng theo cách đã bốc thăm được.