Thi đánh giá năng lực: Tốn kém và "tự trói"
Ba năm liên tục Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển nhưng năm 2020 ngưng tổ chức; các trường khác tổ chức thi riêng cũng đã nhận thấy nhiều bất cập.
Theo thông báo mới nhất của Trường ĐH Luật TPHCM, năm 2020 trường thay đổi căn bản phương thức tuyển sinh. Theo đó, không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mà sẽ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh độc lập: Xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020.
Ngưng vì quá phức tạp
Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 2017, Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển, không dựa hoàn toàn vào kỳ thi đánh giá năng lực mà tùy theo tỉ trọng điểm từng thành phần hằng năm do trường quy định, quy trình xét tuyển trước tiên dựa vào kết quả học bạ sau đó xét kết hợp với kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu về điểm số mới được gọi để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.
Theo công bố hằng năm của Trường ĐH Luật TPHCM, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực bao gồm 4 nhóm kiến thức: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn…); kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.
Khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM cho biết là nhằm tìm ra những sinh viên phù hợp với ngành luật. Thế nhưng, tại hội nghị công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện Luật Giáo dục ĐH sửa đổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 17/7/2019 ở TPHCM, lãnh đạo trường bất ngờ cho biết sẽ xét lại đề án tự chủ tuyển sinh. PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết đề án tự chủ tuyển sinh thực hiện từ vài năm nay nhưng dường như làm vậy là tự trói chân mình.
Ông Hải cho hay hiện các trường ĐH sử dụng rất nhiều phương thức xét tuyển như tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển học bạ, xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trường ĐH Luật TPHCM nhiều năm nay vẫn xét từ kết quả học bạ, sau đó xét tiếp đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia rồi gọi một lượng thí sinh bước vào kỳ thi đánh giá năng lực.
"Ba năm thực hiện tự chủ tuyển sinh, trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu nhưng quy trình tuyển sinh qua nhiều công đoạn là quá phức tạp với thí sinh" - ông Hải nói.
Tự làm khó!
Trong khi đó, nhiều trường ĐH vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi này.
ĐHQG TPHCM năm nay tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường thành viên dùng kết quả xét tuyển, nhiều trường ĐH ngoài khối ĐHQG TPHCM cũng thông báo sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Trường ĐH Quốc tế (thành viên của ĐHQG TPHCM) cùng nhiều trường ĐH khác như Quốc tế Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành, Công nghệ TPHCM (HUTECH)... cũng thông báo tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng chưa nói đến đề thi có phù hợp cho việc xét tuyển vào các ngành trong trường hay không nhưng ngay từ đầu, cách tổ chức thi và xét tuyển của Trường ĐH Luật TPHCM đã bộc lộ những điểm bất cập cho chính trường. Về tổ chức thi, không giống như ĐHQG TPHCM tổ chức nhiều điểm thi, thu hút được số đông thí sinh và các thí sinh ở nhiều địa phương khác nhau, Trường ĐH Luật TPHCM chỉ tổ chức thi ở TPHCM nên có thể nhiều thí sinh có nguyện vọng thi vào trường song không có điều kiện tham gia. Về xét tuyển, điểm xét tuyển của trường gồm nhiều thành phần đã phức tạp hóa việc xét tuyển, trong khi các trường khác điểm xét tuyển theo phương thức nào chỉ có điểm của một thành phần điểm đó.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, cho rằng về tuyển sinh, nên đa dạng hóa và có nhiều thước đo để đánh giá toàn diện chứ không nên chỉ là kỳ thi kiểm tra kiến thức như kỳ thi THPT quốc gia hiện nay. Nhưng để tạo ra thước đo khác thì không dễ làm và tốn kém, có khi việc xây dựng thước đo không chuẩn lại có hại. Bất cứ trường nào, khi xây dựng thước đo cần phải có tiềm lực, không thì nên dựa vào một tổ chức chuyên nghiệp. Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TPHCM cũng xây dựng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh, kỳ thi đó giống kỳ thi THPT quốc gia nhưng cụ thể hóa hơn và trường tuyển được sinh viên phù hợp thông qua thước đo đó.
Một số chuyên gia cho rằng mục tiêu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để chọn sinh viên phù hợp với ngành luật là đúng nhưng cách làm lại vô tình tự làm khó mình. Ở Trường ĐH Luật TPHCM, nếu vẫn tổ chức thi và xét kết quả kỳ thi đó để xét tuyển, song song đó vẫn xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia thì không đến mức trường phải từ bỏ kỳ thi đánh giá năng lực.
Thi riêng để có thước đo riêng
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng nếu xác định chỉ cần xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia là đủ thì không cần tổ chức kỳ thi riêng làm gì nhưng có trường muốn có thêm những thước đo khác. Tổ chức thi đánh giá năng lực là tốn kém nhưng trường muốn chọn sinh viên theo tiêu chuẩn riêng.
Theo Huy Lân
Người Lao Động