Thầy Vinh và cơn lũ chưa qua
Mưa đầu mùa như trút nước. Thầy vẫn đội cái nón lá cũ mèm, lội qua khoảnh sân đất lầy lội để đến trường. Như 27 năm qua…
Trường tiểu học Thạnh Hoá (huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An) chỉ có một dãy phòng dựng tạm bằng cây tạp. Bàn ghế thầy cô và học sinh được đóng bằng cây tràm. Mỗi mùa lũ, thầy trò phải bơi xuồng tới trường. Khi đứng lớp, thầy phải xăn quần tới gối lội trong dòng nước nổi. Nhiều khi, đang giờ học, đám học trò lại cười ầm vì cá nhảy cả lên bàn giáo viên… Đó là câu chuyện của 27 năm về trước - thời điểm thầy Lê Văn Vinh về đây - cùng các đồng nghiệp gieo con chữ trên vùng đất “sáu tháng đồng khô, nửa năm đạp nước”.
Thạnh Hoá là một huyện vùng sâu của tỉnh Long An, nằm trong khu vực Đồng Tháp Mười - một vùng đất kinh tế mới từng được người dân ví von là “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”. Thời ấy, phần lớn trẻ em vùng này thất học và lớn lên thường chỉ biết nối tiếp đời cha ông cày sâu cuốc bẫm hay lênh đênh trên những chiếc xuồng câu.
Vậy mà từ những năm gian khó ấy, thầy Vinh đã cùng các đồng nghiệp bám trụ ở đất lũ này. Cứ một buổi đi dạy, một buổi bơi xuồng tới nhà vận động học trò đi học. Em nào không có quần áo lành lặn đi học, thầy chắt chiu tiền lương mua quần áo đến tặng. Nhà em nào hết gạo, thầy lặng lẽ vét gạo nhà mình đem cho. Và ngược lại, nhà học sinh nào có con cá tươi, chai nước mắm ngon cũng để dành tặng thầy.
Sự tận tình của thầy đã góp phần giúp các em học sinh ham đến trường. Tình nghĩa thầy trò cũng đã giữ chân người giáo viên tiểu học ấy với ngôi trường và vùng đất nghèo khó này trong suốt 27 năm qua.
Và trong chừng ấy năm, trên vùng đất hoang sơ, đầy nước lũ, nắng và phèn chua này, thầy Vinh đã góp phần trồng lên những cây xanh, đưa bao ước mơ lớn lên, vươn xa khỏi những thửa ruộng, những khu rừng tràm…
Cơn lũ dữ chưa qua
27 năm, bao nhiêu học trò đã trưởng thành, đã đi xa cái nắng, xa những cơn lũ, và có không ít người thành đạt trong cuộc sống. Còn thầy Vinh vẫn ở lại đây, vẫn là một ông thầy giáo dạy lớp năm với tuổi đời chồng chất.
Trong mỗi giờ ra chơi, khi học sinh đang hồn nhiên nô đùa trên sân trường, thầy lại ngồi lặng lẽ. Gần đây, mái tóc người đàn ông ấy bạc nhanh, những vết chân chim trên đuôi mắt cũng nhiều hơn. 27 năm gắn bó với nghề và vượt qua những chặng đường gian khó nhất. Thế nhưng, giờ đây, khi bước qua gần tuổi 50 - cái tuổi theo lẽ thường người ta đã chuẩn bị nghỉ ngơi, chuẩn bị được an nhàn sau gần một đời tất bật, thì gánh nặng cơm áo, bệnh tật của gia đình lại nặng trên đôi vai người giáo viên ấy.
Đôi vai ấy đã gầy gò theo năm tháng nhưng giờ đây là chỗ dựa của người vợ bệnh nan y và ba đứa con. Một tháng lương của người thầy giáo 27 năm trong nghề ấy chưa mua nổi nửa toa thuốc cho vợ. Nói chi đến việc nuôi đứa con đầu đang học đại học sư phạm, nói chi đến việc chuẩn bị cho đứa con thứ hai vào đại học, và nói chi đến việc chuẩn bị cho thằng út một tương lai…
Vậy là những đồng tiền gần cả đời lao động chắt chiu phút chốc tan theo căn bệnh hiểm nghèo. Bệnh không khỏi, và những đồng lương khiêm tốn cứ như gió vào nhà trống. Và căn nhà ở thị trấn Thạnh Hoá cũng trống theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Căn nhà này nằm trong diện giải toả trắng. Và gia đình thầy cũng chưa biết sẽ về đâu.
Những đồng nghiệp ở trường tiểu học Thạnh Hoá đã kể câu chuyện về thầy Lê Văn Vinh. Còn thầy, không kể lể gì ngoài những cái lắc đầu và ánh mắt thật buồn. Thầy dặn: “Đừng kể khổ về tui nhiều quá nghe. Tui còn đứng lớp trước bao ánh mắt hồn nhiên của học trò. Và biết đâu, nhiều đồng nghiệp khác còn khổ hơn tui”. Câu nói của người thầy ấy nhắc tôi nhớ một điều: có những thứ đáng giá nhiều hơn vật chất, đó là phẩm giá của người thầy khi đứng trên bục giảng cho dù cuộc sống hôm nay và ngày mai vẫn còn ngổn ngang lo toan.
Nửa đời người, con người ấy đã chèo chống chiếc xuồng ba lá trong những cơn lũ để “trồng người” ở vùng sâu Đồng Tháp Mười. Thế nhưng, liệu thầy có còn đủ sức để chèo chống qua cơn lũ dữ ập lên số phận của gia đình?!
Theo Yến Trinh
Sài Gòn Tiếp Thị