Thầy trò vùng cao “truy bài” Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
(Dân trí) - Trong chuyến công tác ở Lai Châu chiều 14/10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giao lưu với hơn 500 học sinh và giáo viên của địa phương này. Hàng loạt các câu hỏi “nóng” của giáo dục được thầy trò vùng cao đặt ra tại cuộc giao lưu.
Không có sự thay đổi đột biến trong thi cử
Mở đầu cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, em Đào Thu Thảo - học sinh (HS) Trường THPT Quyết Thắng đi thẳng vào vấn đề “sát sườn” đối với với HS lớp 12.
“Thưa Bộ trưởng, với phương án kì thi THPT quốc gia thì HS có cần học bổ sung kiến thức? Bộ GD-ĐT có định hướng HS ôn tập như thế nào hay không?” - em Đào Thu Thảo đặt câu hỏi.
Trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến kỳ thi. Tuy nhiên sẽ không có thay đổi đột biến về cách thi, cách ra đề so với năm 2014.
Trước 2014, đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ ra theo lối kiểm tra kiến thức. Quá trình ôn thi mang tính nhớ kiến thức nên dẫn đến có tình trạng học tủ, lệch tủ. Đề thi kiểm tra những gì mà HS được thầy truyền thụ ở trên lớp theo từng môn học. Quá trình ôn thi, HS phải nhớ hết kiến thức thầy giao cho. Trong quá trình thi, học sinh phải trình bày kiến thức đã học. Khi thi HS viết càng giống những gì thầy giảng, giống trong SGK đã viết thì điểm càng cao.
Từ 2014, trên cơ sở của việc đổi mới dạy và học (thi khoa học kỹ thuật, trường học mới, tích hợp liên môn) Bộ GD-ĐT đã thay đổi cách dạy thi và cách ra đề. Đề thi không kiểm tra nhớ máy móc, thuộc lòng mới làm được bài. Chẳng hạn như, ở môn Văn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014, các dữ liệu cơ bản đã được đề bài cung cấp. Bài thi kiểm tra năng lực cảm thụ, cảm xúc, rung động của tâm hồn, thẩm thấu kiến thức vào trí tuệ HS. HS có thể làm bài sáng tạo, không theo ý thầy cô dạy nhưng đúng và đủ ý, vẫn được điểm cao. Những bài thi Sử, Địa trong năm qua đã gắn với các vấn đề thời sự, gắn với những vấn đề của cuộc sống... thì yêu cầu kiến thức không phải riêng của môn Lịch sử, hoặc Địa lý.
“Cách thi như vậy nhẹ nhàng hơn, không bắt các em học thuộc quá nhiều. Cái khó là HS phải có năng lực phân tích, có sự rung động về nhận thức từ đó biến thành tình cảm, biến thành tư tưởng; Tư tưởng đó sẽ chỉ đạo hành động, năng lực làm việc của HS. Chính vì thế, các cháu không phải học thêm kiến thức nhiều nữa. Bằng kiến thức trong chương trình của lớp 12, kiến thức trong chương trình phổ thông, các cháu sẽ thi tốt kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đây” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Đi thi không chỉ có mục tiêu duy nhất là đoạt giải
Trước sự cởi mở và thân thiện của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, HS lớp 8 Trịnh Bảo Ngọc đặt câu hỏi kế tiếp: Thưa bác Bộ trưởng, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học được rất nhiều bạn quan tâm và ở vùng cao này cũng vậy. Chúng em muốn được tham gia để đạt giải thì cần phải làm như thế nào khi mà điều kiện nghiên cứu của HS vùng xuôi thuận lợi hơn? Có cách nào để giải quyết bài toán này hay không?
Vui mừng khi chứng kiến HS vùng cao cũng hào hứng với kì thi khoa học kỹ thuật, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ: “Ai đi thi cũng mong đoạt giải, tuy nhiên đoạt giải cũng không phải là mục tiêu duy nhất để đi thi. Đi thi còn là để tôi luyện, hoàn thiện năng lực của mình; rèn luyện ý chí, mục tiêu mình theo đuổi.
Đi thi đoạt giải trở về nhưng tự kiêu không phấn đấu làm theo lời thầy cô, cha mẹ nữa thì thành tích đó lại không có tác dụng tích cực. Có thể không đoạt giải nhưng đi thi còn mục đích khác lớn hơn là để học hỏi; học hỏi từ bạn bè, đội bạn trong cuộc thi mới là điều đáng để hướng tới”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS Trung học là hoạt động giáo dục mới. Hiện ngành Giáo dục đang thay đổi cách dạy, cách học đồng thời gắn các hoạt động dạy và học với các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ở các nước phát triển, HS đã làm quen với cuộc thi này từ lâu, nước ta mới triển khai nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng những khó khăn đó không hẳn là những cản trở để triển khai cuộc thi. Có những khó khăn là sự thúc đẩy để phát triển.
“Đơn cử như đề thi Hóa học Quốc tế trong kỳ thi được tổ chức tại Việt Nam vừa qua cho ta thấy rõ điều này. Đề thi được ra liên quan tới cây thanh hao đã được bàn bè quốc tế đánh giá là rất hay vì đã Việt Nam hóa một kỳ thi quốc tế và rất khoa học. Đối với học sinh quốc tế thì không thể biết được cây thanh hao, nhưng đối với HS Việt Nam thì lại không quá xa lạ...” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lấy dẫn chứng cụ thể.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng bày tỏ, trong quá trình triển khai, làm quen, phát hiện, đăng kí đề tài tham gia cuộc thi gặp khó khăn, thầy cô giáo ở trường sẽ hướng dẫn các cháu; bên cạnh đó là tự tra cứu tư liệu, trao đổi kinh nghiệm với các bạn bè, thầy cô, giáo trên mạng; Các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD-ĐT sẽ có những hướng dẫn, hỗ trợ cao nhất cho thầy và trò tại các địa phương để các cháu có thể tiếp cận cuộc thi, tiếp tục thay đổi cách học tập.
Bộ trưởng “gỡ rối” cho giáo viên
Không kém cạnh học trò, giáo viên đến từ Trường tiểu học Kim Đồng đặt câu hỏi: Mô hình trường học mới (VNEN) thì vai trò của giáo viên như thế nào? Giáo viên đánh giá học sinh như thế nào? Cô Nguyễn Thị Hương - giáo viên Trường THCS San Thàng bày tỏ sự băn khoăn về dạy học tích hợp liên môn…
Gỡ rối cho giáo viên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Vai trò của người thầy trong mô hình VNEN không còn chỉ là người đơn thuần truyền thụ kiến thức như cách dạy cũ, nghĩa là quá trình thầy dạy, trò ghi; là quá trình đơn lẻ của từng người, từng HS.
Chuyển sang cách dạy và học VNEN, các cháu học theo nhóm, nhận đề tài cô giáo giao, tự tìm hiểu, thảo luận và đưa ra phương án giải quyết. Như vậy các cháu đã làm việc tập thể, đáp án cuối cùng là sản phẩm của tập thể. Điều này rất quan trọng vì dạy kỹ năng làm việc tập thể cho trẻ từ sớm sẽ hình thành và hoàn thiện kỹ năng làm việc theo nhóm, phối hợp tập thể trong quá trình học tập và làm việc sau này.
“Hiện đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Quá trình này đòi hỏi con người phải làm việc tập thể. Do vậy người thầy phải là người cố vấn, giải thích, động viên, nhắc nhở, khuyến khích HS trong quá trình học để các cháu tự phát huy năng lực, phẩm chất của mình. Đây là việc rất khó khăn nhưng cần từng bước để thực hiện” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ.
Lý giải cho hoạt động dạy học theo chủ đề liên môn trong các trường THPT hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là một nội dung triển khai đổi mới cho chương trình, SGK hiện hành, đội ngũ giáo viên hiện hành.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích: Hình dung cốt lõi của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Đảng khóa XI là đổi mới tất cả các yếu tố, chủ thể của ngành Giáo dục; cả thầy, trò, cán bộ quản lý, nội dung chương trình, phương pháp dạy học phải dổi mới... Nghị quyết 29 đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước ở các cấp chính quyền phải thay đổi.
Thay đổi căn bản là phải thay đổi cốt lõi, chuyển dần mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của HS... Để làm việc ấy, ngành đang làm hai việc: Xây dựng chương trình - SGK mới. Trong đó chương trình sẽ tích hợp mạnh mẽ kiến thức ở các lớp dưới, dạy học phân hóa ở lớp học cao hơn. Tất cả những việc này sẽ phải biên soạn chương trình - SGK, tiếp đó là đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Với các cháu đang học theo chương trình hiện hành, SGK hiện hành sẽ được điều chỉnh dần theo chủ đề tích hợp, dạy học liên môn như hoạt động ngành hiện đang triển khai.
Nguyễn Hùng (lược ghi)