TPHCM:

Thầy trò quận 3 “phát hoảng” với đề thi văn lớp 8

Nội dung phần 2 của đề ngữ văn lớp 8 theo một GV, được lấy nguyên văn nội dung trong bộ đề thi chuyên văn Olympic 30/4 hằng năm dành cho học sinh giỏi văn từ lớp 10 trở lên.

Sáng 15-12, nhiều học sinh và thậm chí cả các giáo viên dạy ngữ văn khối THCS tại quận 3, TP.HCM cũng phải phát hoảng khi đề thi môn ngữ văn lớp 8 được phát ra. Đây là đề kiểm tra học kỳ 1 năm học 2017-2018 do phòng GD-ĐT quận 3 ra đề.

Đề thi học kỳ 1 năm học 2017-2018 môn ngữ văn khối 8 có ba phần. Trong đó, phần 2 là phần khiến thầy trò cảm thấy khó hiểu vì khá quá sức với các em lớp 8, cũng như không nằm trong chương trình các em học.

Cụ thể, ở phần hai này, đề đưa ra đoạn trích của nhà văn Nguyễn Khải:

“Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần. Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,… chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng“. (Nguyễn Khải)

Sau đó, đề yêu cầu học sinh viết văn bản nghị luận khoảng 1 trang giấy thi trình bày suy nghĩ về những điều gợi lên từ nội dung trên.


Nội dung phần 2 của đề ngữ văn lớp 8 khiến thầy trò hoang mang.

Nội dung phần 2 của đề ngữ văn lớp 8 khiến thầy trò hoang mang.

Ngay sau khi rời phòng thi, nhiều học sinh tỏ ra hoang mang vì đề ra quá mông lung và quá sức khiến các em không hiểu và không biết phải làm thế nào.

Như em HV - HS lớp 8, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 cho biết em thấy phần 2 của đề thi khó hiểu quá, không biết đề nói về vấn đề gì là chính. Em chưa thấy và chưa biết đến dạng đề này trong quá trình học nên không biết làm thế nào là đúng. Đã vậy, đề còn yêu cầu viết cả một trang giấy mà em không biết viết làm sao.

Các học sinh cũng tranh luận với nhau, cho là đề này viết về tính tự lập, em thì nói viết về tính giản dị, em khác thì nói là bàn về nhân cách!

Khi đề này được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều về đề thi này. Hầu hết các ý kiến từ phụ huynh đều cho rằng đề quá khó hiểu và phức tạp. Nội dung quá tầm với HS lớp 8, nó phù hợp với HS chuyên của THPT hơn.

Một giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS ở quận 3, cho rằng cô rất bất ngờ với đề văn lớp 8 năm nay vì đề rất mơ hồ, không rõ nghĩa.

Đáng nói, theo cô, nội dung phần 2 của đề ngữ văn lớp 8 được lấy nguyên văn nội dung trong bộ đề thi chuyên văn Olympic 30/4 hằng năm dành cho học sinh giỏi văn từ lớp 10 trở lên. Trong khi các em thi học kỳ đề này mới là HS lớp 8 thì làm sao các em làm. Hơn nữa, đây là dạng đề nghị luận nhưng nguyên trong học kỳ 1, các em không học về nghị luận tư tưởng, đạo lý hay đời sống gì cả.

Theo cô, hầu như năm nào cũng ra dạng đề nghị luận như vậy với lớp 8. Có thể các em không học nhưng việc ra đề nghị luận như vậy thì cũng tạm chấp nhận vì để các em làm quen với lớp 9. Tuy nhiên, với lớp 8 như các em thì nên ra dạng đề thật nhẹ để các em làm quen, nội dung phải gần gũi để các em nhận diện ra được vấn đề.

“Chứ với đề này, ngay cả giáo viên như mình ngồi nghĩ thật là lâu cũng không biết làm được gì. Mà ngay vào đoạn trích đã đề cập đến vấn đề của “thanh niên” trong khi các em lớp 8 chỉ mới là thiếu niên thì làm sao các em làm. Nếu có thì các em cũng chỉ làm qua loa thôi. Đằng này, với yêu cầu dạng đề này, đòi hỏi HS phải có kiến thức xã hội thật rộng. Đồng thời phải nắm chắc kỹ năng làm bài nghị luận xã hội và phải đào sâu các lớp ngôn từ mới tư duy được” - cô giáo này bày tỏ.


Nội dung đề của khối THPT chuyên được sử dụng vào đề lớp 8 tại quận 3.

Nội dung đề của khối THPT chuyên được sử dụng vào đề lớp 8 tại quận 3.

Ngoài ra, theo cô, không chỉ đề ngữ văn lớp 8 mà đề ngữ văn lớp 9 cũng có một lỗi gây khó cho HS và khiến các giáo viên đọc vào cảm thấy rất khó chịu.

Cụ thể, ở phần 1 chiếm 3 điểm của đề ngữ văn lớp 9 có trích một đoạn trích trong sách giáo khoa môn giáo dục công dân lớp 7, để trong ngoặc kép đàng hoàng nhưng đề lại yêu cầu HS sửa lỗi chính tả trong đoạn trích này. Theo cô, như thế là khó chấp nhận vì đề đã ghi rất rõ là đoạn trích này được trích từ sách giáo khoa thì đương nhiên phải chính xác vì sách giáo khoa là pháp lệnh. Nhưng người ra đề lại cố tình để sai lỗi chính tả và yêu cầu HS phải điều chỉnh lỗi dùng từ sai.

Chúng tôi đang liên hệ Phòng GD&ĐT quận 3 (đơn vị ra đề) để làm rõ thêm vấn đề này.

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM