Thầy giáo xứ Thanh xác lập kỷ lục từ 100 chiếc thẻ giấy học lịch sử

Hạnh Linh

(Dân trí) - Bộ thẻ giấy về 100 nhân vật lịch sử Việt Nam giúp các học sinh tư duy, tiếp thu kiến thức môn lịch sử một cách dễ dàng, không nhàm chán.

Hai năm tâm huyết làm nên kỷ lục

Thầy Dương Trung Hiếu, giáo viên bộ môn lịch sử Trường THPT Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Giáo viên đầu tiên lên ý tưởng thực hiện bộ thẻ giấy 100 nhân vật lịch sử Việt Nam" bằng phương pháp sơ đồ tư duy và ứng dụng trong việc giảng dạy, thực hành ghi nhớ môn lịch sử.

Thầy giáo Hiếu cho biết, bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ xác lập kỷ lục Việt Nam về một lĩnh vực cụ thể nào. Trong quá trình giảng dạy, nhận thấy nhiều học sinh cho rằng môn lịch sử khô khan, nhiều sự kiện, mốc thời gian, khó ghi nhớ.

Thầy giáo xứ Thanh xác lập kỷ lục từ 100 chiếc thẻ giấy học lịch sử - 1

Thầy Hiếu bên bộ thẻ giấy 100 nhân vật lịch sử Việt Nam (Ảnh: Hạnh Linh).

Môn lịch sử còn bao gồm cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn, dễ nhớ, dễ thuộc…

Là một người giảng dạy môn lịch sử, thầy Hiếu luôn đau đáu tìm ra phương pháp học lịch sử thật đặc biệt.

Năm 2020, thầy Hiếu bắt đầu lên ý tưởng sẽ dạy lịch sử bằng phương pháp sơ đồ tư duy, liên tưởng hình ảnh, câu chuyện, trận đánh. "Tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định làm những chiếc thẻ học lịch sử bằng giấy", thầy Hiếu tâm sự.

Bắt tay vào thực hiện bộ thẻ, thầy Hiếu đã xem rất nhiều tài liệu, đọc thêm sách để hệ thống hóa kiến thức cơ bản, sau đó cô đọng thông tin và câu từ để ghi trên tấm thẻ.

Thầy giáo xứ Thanh xác lập kỷ lục từ 100 chiếc thẻ giấy học lịch sử - 2

Những chiếc thẻ học lịch sử ghi nhớ những từ khóa, giúp người học dễ nhớ (Ảnh: Hạnh Linh).

Sau gần 2 năm cùng một đồng nghiệp dạy môn mỹ thuật miệt mài cắt, vẽ, thầy Hiếu đã hoàn thiện bộ thẻ về 100 nhân vật lịch sử Việt Nam, đưa vào phục vụ giảng dạy trên lớp.

Ngoài việc tích hợp các thông tin lịch sử về 100 nhân vật, thẻ dạy do thầy Hiếu thiết kế còn giúp học sinh ghi nhớ, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy.

"Chiếc điện thoại giấy" cho những người mê lịch sử

Thầy Hiếu cho biết, bộ thẻ giấy có chiều rộng 8cm, dài 16cm, được thiết kế giống hình chiếc điện thoại thông minh với mong muốn truyền cảm hứng cho học sinh.

"Học sinh rất ham điện thoại, thay vì dùng nó để chơi game, các bạn ấy có thể cầm chiếc thẻ lịch sử, bỏ thẻ vào túi, bao áo, quần, học bất cứ lúc nào. Học thẻ cũng rèn luyện thói quen đọc sách, xa rời điện thoại", thầy Hiếu chia sẻ.

Ngoài ra, hai mặt của chiếc thẻ được in những lời vinh danh, câu hỏi gợi mở và đầy đủ thông tin cơ bản như năm sinh, quê quán, công lao, vai trò của nhân vật đối với lịch sử.

Về phương pháp học, thầy Hiếu cho hay thẻ giấy rất đơn giản nhưng hướng đến cách học mới đó là cách sử dụng từ khóa, câu chuyện lịch sử, liên tưởng hình ảnh, tư duy… từ đó giúp người học phản ứng nhanh về kiến thức.

"Cứ 3 ngày học một thẻ, một năm người học sẽ có lượng kiến thức khổng lồ", thầy Hiếu nói và cho hay bản thân rất tự hào khi được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục và được công chúng đón nhận, quan tâm.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, thầy Hiếu cho biết sẽ thực hiện việc mã quét QR để lan tỏa cách học lịch sử hay, không bị nhàm chán. "Tôi sẽ cố gắng hoàn thiện từng bước một. Hiện tại là 100 thẻ về 100 nhân vật lịch sử Việt Nam, tiếp theo là 200, 300 thẻ", thầy Hiếu nói.

Thầy giáo xứ Thanh xác lập kỷ lục từ 100 chiếc thẻ giấy học lịch sử - 3

Thầy Hiếu dạy lịch sử bằng phương pháp sơ đồ tư duy (Ảnh: Nhân Vật cung cấp).

Thầy Trịnh Xuân Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Trung, cho biết thầy Dương Trung Hiếu là một thầy giáo có đam mê lớn đối với nghề.

Thầy có nhiều đóng góp hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng môn lịch sử và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Thầy Hiếu chính là tấm gương về nỗ lực miệt mài đổi mới sáng tạo.

"Những kết quả về sự sáng tạo, nỗ lực của thầy Hiếu đã được công chúng đón nhận. Đây chính là động lực để thầy Hiếu cố gắng hơn nữa trong giảng dạy, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người, truyền động lực, tình yêu môn lịch sử cho các thế hệ học trò", thầy Thanh nói.