Thầy giáo rụng rời khi trò nhắn: “Em trên sân thượng, em muốn nhảy xuống!”

Hoài Nam

(Dân trí) - Đêm khuya, cậu học trò nhắn tin cho thầy. Em nói, mình đang ngồi trên sân thượng tầng 3, em muốn nhảy xuống. Thầy giáo lắp bắp: "Hùng ơi, thầy đang đến!".

Chuyện về cậu học trò chỉ chờ "cơ hội để chết" được một giáo viên kiêm trợ lý thanh niên một Trường THPT ở Quận 3, TPHCM kể lại. Em là một trong rất nhiều học trò thầy để trong danh sách "cần chú ý" khi có những biểu hiện "nổi loạn" bất thường. 

Thầy trò hay chia sẻ nên thầy biết hoàn cảnh của em. Bố mẹ em hay cãi vã, thậm chí nhiều lần em chứng kiến họ chửi bới, đánh đập nhau. 

Thầy giáo rụng rời khi trò nhắn: “Em trên sân thượng, em muốn nhảy xuống!” - 1

Nhiều học trò nổi loạn như quan hệ tình dục sớm, đánh bạn... xuất phát từ những bất ổn trong gia đình (Ảnh minh họa)

Bố từ lâu cặp người này người kia, đã có lần mẹ đưa em đi đánh ghen nhưng không bắt được quả tang. Gần đây, mẹ em "ăn nem", công khai với bố việc cặp bồ...

Em lạc lõng, cô đơn ngay trong nhà, còn thấy mình như một "cục nợ" của bố mẹ. 

Em đã từng nghe bố gào với mẹ: "Không có thằng Hùng, tôi bỏ cô từ lâu rồi!". Bà mẹ thét lại: "Giá như tôi bóp nó chết ngay khi đẻ thì đời tôi không bị trói vào anh!".

Bố mẹ đi suốt, chung mái nhà nhưng mỗi người một cuộc sống riêng. Gia đình không ăn uống chung, sinh hoạt chung. Họ có chung một điểm là cùng dành cho con những lời quát mắng, thúc giục: Lo mà học đi!

Hùng chơi game, uống rượu bia, thuốc lá, có người nói cậu còn chơi bóng cười, đi bụi... đủ cả. Bố mẹ sau đủ mọi cách như đẩy cậu vào các khóa học kỹ năng, các nơi cai game..., giờ buông tay, mặc kệ. 

Có lần, sau trận cãi vã của bố mẹ, hai người bỏ đi, để mặc cậu. Đêm khuya, cậu học trò nhắn tin cho thầy: "Em đang ngồi trên sân thượng tầng 3, em muốn nhảy xuống!". Thầy giáo chỉ kịp nhắn lại: "Hùng ơi, thầy đang đến!", rồi phi đến ngay trong đêm. 

Hùng nằm xoài trên sân thượng, mùi cồn nồng nặc. Quanh em là một chai rượu trắng, mấy cái ly nằm lăn lóc. Đến lúc này, thầy giáo mới biết, trên tay, chân cậu học trò chi chít các vết cắt do em tự làm đau mình. 

Trong phòng Hùng, cũng có sẵn rất nhiều thuốc ngủ em mua từ nhiều lần gom lại để... sẵn sàng uống bất cứ lúc nào. 

Thầy kể, có nhiều vấn đề của các em xuất phát từ phía gia đình, bố mẹ, thầy cô cũng không giải quyết được.

"Nhiều lúc, em ước được nghe bố mẹ hỏi: "Con ổn không?" thay vì chỉ thúc giục và la mắng chuyện học hành" - tâm sự của một nữ sinh nghiện game nhiều năm, từng bỏ nhà đi bụi đang cai nghiện một cơ sở ở TPHCM 

"Có khi, trao đổi với bố mẹ các em thì tình hình càng trầm trọng hơn khi bố mẹ quay sang chửi mắng, trách móc các em. Tôi chỉ biết động viên học trò và cầu mong các em đừng làm điều gì đó dại dột", thầy tâm sự. 

Phó Phòng Giáo dục tại một quận ở TPHCM kể, ông từng bàng hoàng, sửng sốt khi biết có trường hợp học trò bị mẹ đặt tên cho là... Nguyễn Thù Hận. Người mẹ oán hận người bố sau mối tình dang dở và "khắc cốt ghi tâm" mối thù đó lên chính tên của đứa con. 

Đứa trẻ từ bé đến lớn, đi học, giao tiếp với mọi người xung quanh trong nỗi tủi hờn tận cùng. Ngày bé em ở với bà ngoại, sau lớn mẹ mới đưa về nhà. Em khép kín, ít khi mở lời, không bạn bè... 

Đến trường, một đứa trẻ bị bạn bè kỳ thị đã khổ sở thế nào. Thì đây, ngoài sự kỳ thị của người xung quanh, bản thân em tự kỳ thị chính mình.  

Đến tận năm em học cuối cấp 2, một giáo viên mới làm mọi cách tác động, yêu cầu người mẹ đổi tên cho em. Em có một cái tên mới nhưng những gì đã "khắc" vào tâm trí em thì có lẽ không bao giờ tan biến đi được. 

Trước nhiều vấn đề ở trường học, nhiều biểu hiện nổi loạn của học sinh ngày nay như quan hệ tình dục sớm, gây hấn, bạo lực, rượu chè, thuốc lá, chửi thề hay stress, trầm cảm..., các chuyên viên tâm lý trường học khẳng định phần lớn bắt nguồn từ vấn đề gia đình, từ chính bố mẹ. 

Nhiều phụ huynh đã hoàn toàn khước từ việc nuôi dạy con. Khi giáo viên cần tìm gặp phụ huynh để trao đổi, có những người nói luôn: "Nhà tôi không có thời gian, cô muốn làm gì với nó thì làm". 

Thầy giáo rụng rời khi trò nhắn: “Em trên sân thượng, em muốn nhảy xuống!” - 2
Thầy giáo rụng rời khi trò nhắn: “Em trên sân thượng, em muốn nhảy xuống!” - 3

Trên các diễn đàn, nhiều bạn trẻ chia sẻ việc tự rạch tay hay dự định tự vẫn phần lớn xuất phát từ nguyên nhân trong gia đình.

Có trường hợp, phụ huynh chọn cách "đẩy" hẳn con vào một trường nội trú, vứt hết trách nhiệm giáo dục con cho người khác, mình chỉ đóng tiền.  

Ngoài những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trong nhà mình, ngay khi có bố mẹ bên cạnh, nhiều học trò đau khổ, bế tắc vì sự đòi hỏi, áp đặt một cách khắc nghiệt từ bố mẹ. 

Không ít giáo viên bày tỏ, nỗi sợ lớn nhất của họ là học trò có thể làm điều dại dột mà mình không kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các em. 

Nhiều đứa trẻ bị từ chối ngay trong gia đình, bởi chính bố mẹ. Nhiều em có những vết dao lam tự rạch chằng chịt trên người, nhiều em lần nghĩ đến cái chết, hoặc tự tử hụt không ít lần. 

Không ít đứa trẻ tuyên bố: Chết không sợ, chỉ sợ bị bố mẹ quay lưng!

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết, trong quá trình tư vấn, nghiên cứu bà thấy rõ, tỷ lệ tự tử ở trẻ mới lớn ngày càng tăng. Bà gặp nhiều ca rất đau lòng, trong đó xuất phát từ những xung đột giữa cha mẹ, con cái. 

Theo bà, khó khăn, áp lực lớn nhất hiện nay trong giáo dục con trẻ là nhiều gia đình không phải là "tổ ấm" để giúp em các trưởng thành, lớn lên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm