Sóc Trăng:

Thầy giáo gần 40 năm gắn bó với giáo dục vùng dân tộc Khmer

(Dân trí) - Gần 40 năm “cháy” hết mình cho sự nghiệp trồng người, thầy Đào Phụ (Hiệu trưởng trường Tiểu học An Ninh D, xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục Sóc Trăng và được đánh giá là một trong những nhà giáo tiêu biểu của tỉnh này trong những năm qua.

Năm 1979, thầy Đào Phụ theo gia đình từ tỉnh Hà Tĩnh vào tỉnh Sóc Trăng và gắn bó với vùng đất này cho đến hôm nay. Lúc mới vào, thầy xin vào công tác tại Ban Giáo dục bà mẹ trẻ em (nay là Phòng GD&ĐT) huyện Mỹ Tú. Năm 1982, thầy theo học chuyên ngành Xã hội của trường CĐSP Hậu Giang theo diện đào tạo cấp tốc. Sau khi tốt nghiệp, thầy được phân công về giảng dạy tại trường PTCS An Ninh B của huyện Mỹ Tú.

"Sau 3 năm ở trường này, tôi được điều động về trường PTCS An Ninh C giữ chức vụ Hiệu trưởng. Đến năm 1991 lại được điều trở về trường PTCS An Ninh B giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng cho đến năm 2009. Từ năm 2009, tôi được điều động về giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học An Ninh D cho đến bây giờ”, thầy Phụ kể.

Thầy giáo Đào Phụ.
Thầy giáo Đào Phụ.

Theo lời kể của thầy Đào Phụ, những năm mới từ Hà Tĩnh vào Sóc Trăng, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn khi vợ thầy cũng là người công tác trong ngành giáo dục Mỹ Tú. Lương nhà giáo bấy giờ đã thấp lại luôn luôn trễ. Vì thế, để nuôi nghề tay phải, hết giờ dạy, vợ chồng thầy trở thành… nông dân nuôi gà vịt, mượn đất làm lúa để có thêm thu nhập, nuôi các con ăn học.

“Thật hạnh phúc khi bà con nông dân hiểu nỗi vất vả của vợ chồng tôi nên nhiều người kêu cho mượn đất sản xuất. Nhờ vậy mà chúng tôi trụ được với nghề cho đến hôm nay. Nếu không có bà con giúp đỡ thì không biết thế nào nữa”, thầy tâm sự.

Thầy Phụ nói: “Những trường tôi công tác đều thuộc vùng sâu, khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Lúc đó vất vả lắm. Mình khó, nhiều gia đình nông dân khác còn khó hơn, các em học sinh cũng vì thế mà thiệt thòi trong học tập. Vì thế, chúng tôi động viên nhau bám trụ với nghề cho đến bây giờ, coi như cơ bản mình đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Gần 40 năm gắn bó với nghề giáo, công tác ở 3 trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, thầy Đào Phụ đã có nhiều đóng góp cho nhà trường, đưa các trường này ngày càng phát triển về mọi mặt, được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia.

Tôi hỏi thầy Phụ trong gần 40 năm công tác ở 3 trường, thầy có ấn tượng về trường nào thì thầy cho biết: “Với tôi, được gắn bó với sự nghiệp trồng người là niềm vui, niềm hạnh phúc. Về trường nào, tôi cũng được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh yêu thương, tin tưởng, mến mộ.

Trong 3 trường thì tôi gắn bó lâu nhất với trường PTCS An Ninh B (từ năm 1991-2009 và sau đó trường được tách cấp thành trường THCS An Hiệp và Tiểu học An Hiệp A). Tôi được phân công giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hiệp A. Lúc đó, trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phòng học chủ yếu là tạm bợ, mái lợp bằng fibro xi măng, vách bằng cây lá, trang thiết bị dạy học không nhiều, học sinh chủ yếu là người dân tộc Khmer nên việc học các em chưa thật chú ý đến. Xác định trách nhiệm của mình là phải làm sao dạy cho các em tiến bộ, đạt kết quả cao trong học tập nên tôi và tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường đã tìm mọi biện pháp để đưa các em đến trường, duy trì sĩ số, đổi mới phương pháp giảng dạy, gây hứng thú học tập cho các em, tạo niềm tin trong phụ huynh. Kết quả, năm 2008, trường Tiểu học An Hiệp A được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Ngày đón bằng công nhận, thầy trò, phụ huynh ai cũng rơi nước mắt”.

Năm 2009, thầy Đào Phụ được cấp trên điều động về giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Tiểu học An Ninh D (xã An Ninh, huyện Châu Thành). Về trường, thầy đã chú trọng tập trung xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ một đơn vị khó khăn về mọi mặt, trường Tiểu học An Ninh D đã vượt lên trở thành một trong những đơn vị có nhiều thành tích nổi bật của huyện, của tỉnh. Năm 2015, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, đồng thời cũng là trường Tiểu học đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận đạt cấp độ 3 về công tác kiểm định chất lượng giáo dục trường học.

Là người “thuyền trưởng”, thầy Đào Phụ luôn nêu cao tấm gương tự học, tự sáng tạo, luôn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành tấm gương để các giáo viên, nhân viên noi theo. Thầy là thành viên của tổ mạng lưới của Phòng GD&ĐT huyện, thường xuyên tham gia làm giám khảo trong các kỳ thi giáo viên giỏi, thanh tra chuyên môn của ngành. Thầy cũng luôn đổi mới, cải tiến công tác quản lý, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân trong việc tự học, tự rèn, nắm bắt kịp thời, hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học mới, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Kết quả, chất lượng giáo dục của trường ngày càng được nâng cao, số lượng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh hoàn thành lớp học, cấp học tăng lên và giảm số học sinh bỏ học. Nhiều học sinh của trường tham gia và đạt giải trong các kỳ thi như Thi giải Toán, tiếng Việt, tiếng Anh trên Internet; Thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh; Thi Ý tưởng tuổi thơ; Thi chiếc ôtô mơ ước,…

Xác định chất lượng, hiệu quả giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của trường nên thầy bàn với lãnh đạo trường tạo điều kiện cho giáo viên của trường được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức nhiều phong trào thi đua trong giáo viên và học sinh. Đến nay, chất lượng giáo viên của trường đã được nâng lên rõ rệt khi có đến 96,6% giáo viên có trình độ đạt trên chuẩn.

Bên cạnh đó, thầy Đào Phụ cũng phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh tìm nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động của trường như đưa giáo viên đi giao lưu, học hỏi với các trường trong và ngoài huyện, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Thầy Phụ trong một lần kiểm tra kiến thức học sinh.
Thầy Phụ trong một lần kiểm tra kiến thức học sinh.

Cô Lâm Ngọc Hoa Lan (giáo viên dạy môn tiếng Anh) cho biết: “Thầy Đào Phụ là người rất nhiệt tình với các phong trào của nhà trường. Thầy rất quan tâm đến việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho giáo viên chúng tôi, tạo mọi điều kiện để giáo viên được theo học các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Đồng thời thầy cũng luôn gần gũi, tìm hiểu và lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người để có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Thầy là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo”.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành nhận xét: “Thầy Đào Phụ là người có tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết với nghề, luôn phấn đấu trong chuyên môn cũng như công tác quản lý để đưa phong trào của nhà trường ngày càng phát triển. Thầy là một cán bộ quản lý tiêu biểu của ngành giáo dục huyện Châu Thành cũng như của ngành giáo dục Sóc Trăng”.

Với những thành tích đã đạt được, trường Tiểu học An Ninh D do thầy Đào Phụ làm Hiệu trưởng liên tục nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, được nhận cờ thi đua dẫn đầu khối Tiểu học,…

Với thầy Đào Phụ, sau gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thầy đã hơn 15 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, của các Ban ngành tỉnh. Đặc biệt, năm 2016, thầy là một trong 2 nhà giáo tiêu biểu của ngành GD&ĐT Sóc Trăng được tham dự Lễ tuyên dương 252 nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm 2015-2016 và phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội.

Cao Xuân Lương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm