Thầy giáo gần 30 năm “ươm chữ” nơi vùng cao heo hút
(Dân trí) - Gần 30 năm gắn bó với vùng cao, thầy giáo Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) coi trường như là nhà, coi đồng nghiệp, học sinh như người thân của mình.
Bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện vùng biên Quan Sơn (Thanh Hóa) vốn là vùng đất heo hút, khó khăn, đói nghèo bủa vây. Nơi đây xưa kia cái gọi là con chữ như một điều xa xỉ với hầu hết người dân nghèo.
Nhưng cũng chính ở nơi đó, có những thầy cô giáo miền xuôi dành cả tuổi thanh xuân của mình nguyện gắn bó với vùng cao, miệt mài “ươm chữ” nơi miền biên viễn.
Đã gần như toàn bộ sự nghiệp gắn bó với những đứa trẻ vùng cao huyện Quan Sơn, thầy Chung Trường Thành (SN 1974) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) coi đây như quê hương thứ hai của mình.
Thầy Thành quê ở huyện miền xuôi Hậu Lộc (Thanh Hóa), cách nơi thầy đang công tác hơn 200km. Ra trường tháng 9/1993, thầy Thành lên công tác ở xã Tam Thanh của huyện Quan Sơn 6 năm. Tiếp đó, thầy chuyển đến dạy học tại xã Sơn Thủy 13 năm.
Những năm tháng công tác ở huyện Quan Sơn, thầy Thành đã băng rừng, lội suối đến gieo chữ cho học sinh nghèo ở những vùng khó khăn nhất của huyện vùng biên này. Từ tháng 3/2016, thầy Thành lên xã Na Mèo công tác đến nay.
Trong sự nghiệp trồng người của mình, thầy Thành đã có thâm niên 27 năm gắn bó với huyện miền núi Quan Sơn. “Thời gian đầu, tôi công tác tại xã Tam Thanh là một xã vùng sâu, phòng học kiên cố chưa có toàn tranh tre nứa lá.
Ngày đó điện cũng chưa có, đường đi lại chỉ là một lối mòn giữa rừng. Có những bản đi bộ đến trường còn hạnh phúc hơn đi xe máy, không phải lo trời mưa trơn trượt”, thầy Thành nhớ lại.
Không chỉ xã Tam Thanh mà những địa phương nơi thầy Thành đặt chân đến đều là những địa bàn còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của huyện miền núi Quan Sơn.
Chia sẻ về lý do khiến thầy giáo gắn bó với vùng cao gần như đã cả cuộc đời công tác của mình, thầy Thành chỉ mỉm cười nói: “Tôi cũng không nghĩ mình công tác ở đây lâu đến vậy”.
Vợ thầy Thành sau 11 năm công tác ở huyện Quan Sơn đã chuyển về quê, cũng từ đó, chỉ một mình thầy ở lại công tác. Một năm 365 ngày nhưng thầy Thành ở trường là chính, coi trường như gia đình, như là nhà của mình.
Trong câu chuyện của mình, thầy Thành cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi sau bao nhiêu cố gắng, ngôi trường nơi thầy công tác đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1. Đó là công sức bao năm cố gắng, xây dựng không chỉ của thầy Thành mà cả tập thể giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường.
Hiện tại Trường tiểu học Na Mèo có tổng 395 học sinh chia làm 21 lớp, chủ yếu các em học sinh nơi đây là người dân tộc Thái và H'Mông.
Để đảm bảo công tác giảng dạy cho các em, 31 cán bộ giáo viên của nhà trường không chỉ dạy trên lớp mà còn khéo về công tác dân vận. Bởi hầu hết phụ huynh của các em từ sáng đến tối lên nương lên rẫy nên không có thời gian chăm lo con cái, nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng.
Không yêu vùng cao thì không thể nào gắn bó lâu đến như vậy, với thầy Thành, Na Mèo như là quê hương thứ hai của mình, không phải nơi sinh ra nhưng là nơi thầy trưởng thành.
Người dân nơi đây tuy còn nghèo nhưng cũng dần quan tâm hơn việc học của con em. Hiện cơ sở vật chất dạy học của nhà trường tạm ổn, đáp ứng được yêu cầu tối thiểu trong công tác giảng dạy, nhất là chương trình sách giáo khoa mới.
Tuy nhiên nhà trường cũng còn nhiều khó khăn khi các em học sinh ở các bản chưa thạo tiếng phổ thông, vốn từ tiếng Việt không có, trong khi đó một số giáo viên chưa hiểu tiếng bản địa. Thương học trò nghèo nên thầy cô giáo thường dạy thêm không thu tiền.
“Hàng chục năm qua nếu không có tình yêu với vùng cao thì có lẽ chúng tôi không thể nào công tác đến tận bây giờ. Nhiều người dân còn vui tính gọi chúng tôi bằng “ông giáo, bà giáo”.
Có những thế hệ học trò cũ sau khi ra trường lại quay về đây làm đồng nghiệp của mình. Đây cũng là niềm ao ước, niềm tin mà chúng tôi mong muốn nhất của sự nghiệp trồng người”, thầy Thành chia sẻ.
Duy Tuyên