Thấy gì từ điểm chuẩn các trường đại học năm 2018?
(Dân trí) - Ở thời điểm hiện tại, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn. Không ngoài dự kiến, điểm chuẩn năm nay nhìn chung phân bổ đều, tính phân hóa tốt. Bên cạnh đó, điểm chuẩn của nhiều trường đại học ngoài công lập có xu hướng tăng, khẳng định vai trò bình đẳng với các trường đại học công lập. Đặc biệt, điểm chuẩn của các trường đại học ngoài công lập uy tín có mức điểm tương đương hoặc thậm chí cao hơn cả một số trường đại học công lập.
Điểm chuẩn tương đương, xóa định kiến “công lập - ngoài công lập”
Tâm lý phân biệt “trường công - trường tư” của thí sinh và phụ huynh là một thực tế phổ biến tại Việt Nam trong nhiều năm qua: nếu điểm thi không cao, thí sinh thường “chọn bừa” một ngành nào đó trong khối trường công lập để giữ “thể diện”, kể cả khi bản thân không yêu thích và thậm chí... không biết gì về ngành học đó. Chính vì vậy, điểm chuẩn của các trường công lập và ngoài công lập thường chênh lệch rõ rệt.
Tuy nhiên, thực tế này đã không còn đúng trong những năm trở lại đây. Một số trường đại học ngoài công lập thu hút đông đảo thí sinh và có điểm chuẩn tương đối cao. Trong khi nhiều trường đại học công lập “top” trên có mức điểm chuẩn năm 2018 dao động từ 18 đến 25 điểm, các trường “top” giữa từ 16 đến 20 điểm, các trường khác và các trường địa phương từ 14 đến 17 điểm thì một số trường đại học ngoài công lập có truyền thống, uy tín công bố điểm chuẩn thấp nhất không dưới 16 điểm và thậm chí có nhiều ngành điểm trúng tuyển lên đến 19 hoặc 20 điểm.
Chẳng hạn, trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) trong những năm gần nay đều có điểm chuẩn 16 - 20 điểm (điểm xét tuyển không nhân hệ số). Năm 2018, điểm chuẩn ngành Marketing của HUTECH ở mức cao, lên đến 20 điểm. Dễ nhận thấy khoảng cách giữa “công lập” và “ngoài công lập” đang dần trở nên không đáng kể. Điều này một phần là do sự đầu tư nâng cao chất lượng nghiêm túc từ phía các trường đại học ngoài công lập, giúp thí sinh, phụ huynh dần vượt khỏi định kiến “công - tư” khi chọn ngành, chọn trường. Nhiều thí sinh có học lực tốt, điểm thi cao vẫn quyết định chọn các trường ngoài công lập có đào tạo ngành yêu thích, định hướng đào tạo và môi trường học tập phù hợp với bản thân.
Đảm bảo chất lượng đầu vào - tiền đề vững vàng để đảm bảo chất lượng đào tạo
Chất lượng đầu vào không phải yếu tố duy nhất nhưng đây chính là nền tảng đầu tiên để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo đại học. Trong nhiều năm qua, điều làm nhiều phụ huynh, thí sinh e ngại ở các trường ngoài công lập thường là điểm đầu vào thấp, môi trường học tập vì thế bị ảnh hưởng, sinh viên khó có kết quả tốt khiến không ít nhà tuyển dụng thường e ngại khi tuyển chọn ứng viên từ các trường này.
Như một hệ quả, thực tế này ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định chọn trường của thí sinh - thí sinh “ngại” trường ngoài công lập chỉ vì vấn đề đầu ra sau khi tốt nghiệp. Vòng lặp này cần được phá vỡ, không chỉ bằng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo từ phía các trường, tâm thế cởi mở hơn từ phụ huynh, thí sinh mà còn bằng thái độ khách quan từ các nhà tuyển dụng. Có như thế, sự phát triển của đại học ngoài công lập nói riêng và giáo dục đại học nói chung mới có thể phát triển theo hướng bình đẳng, nâng cao tính tự chủ và đặc biệt là sự đầu tư cho đào tạo ở mỗi trường đại học.
Hẳn nhiên, để thật sự tạo được lòng tin từ phía thí sinh và cả nhà tuyển dụng, bản thân mỗi trường đại học - dù công lập hay ngoài công lập - đều phải là một “cầu nối” hiệu quả, vững chắc. Điểm đầu vào - xuất phát điểm hiện đã có, “nhiệm vụ” tiếp theo ở các trường là chất lượng đào tạo về chuyên môn, tác phong làm việc, ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng,… Trong đó, mô hình kết nối Đại học - Doanh nghiệp với tính thực tiễn cao trong chương trình đào tạo đang được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng, giỏi chuyên môn, vững kỹ năng mềm cho thị trường lao động thời hội nhập hiện nay.