Thầy cô tiết kiệm lời khen, phung phí lời chê

Trong các buổi sinh hoạt lớp hiện nay, các thầy cô thường chê học trò nhiều hơn là khen ngợi. “Thầy cô tiết kiệm lời khen, phung phí lời chê”, ông Đặng Thiều Quang, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Lạng Giang, Bắc Giang nhận xét.

60 - 70% là “chê” học sinh

Cô Lê Thu Hiền, giáo viên Toán, Trường THCS Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho rằng: Trong giờ sinh hoạt lớp, giáo viên thường chê nhiều hơn khen, có khi chê chiếm đến 60%.

 

Thầy Bùi Trần Linh, Trường THCS Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng ước tính tỷ lệ này là 30% khen, 70% chê.
 
Tại hội thảo Triển khai xây dựng câu lạc bộ, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (5-6/11 tại Hà Nội), ông Đặng Thiều Quang lý giải, tâm lý của giáo viên là luôn sợ học sinh không đạt được như mong muốn của mình. Vì thế, giáo viên thường áp đặt tư duy của người lớn cho tư duy của trẻ, đặt ra các yêu cầu và buộc các em phải đạt được. Khi các em không đạt được thì nhiều thầy cô chỉ trích, mắng mỏ... khá gay gắt.   

 

"Thầy cô cứ nghĩ là các em không thuộc bài, không vâng lời là do ý thức kém và chống đối", ông Quang nói.

 

Theo ông Quang, nguyên nhân là ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các thầy cô tương lai chủ yếu được học kiến thức mà không được trang bị kỹ năng ứng xử, cảm thụ.
 
Thầy mà không nắm bắt được tâm lý học sinh thì rất dễ "chụp mũ" học trò mà không xem xét đến nguyên nhân của sự việc. Ông Quang đã dẫn giải một bài thơ "Trong lớp học" (*) của nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Giang để chứng minh cho điều mình nói.
 
Thầy cô tiết kiệm lời khen, phung phí lời chê - 1

Thầy cô biết khen - chê đúng mực sẽ khiến học trò hứng thú trong học tập (Ảnh minh họa: Internet)

 

Cô Lê Thu Hiền thì nhìn nhận, nguyên nhân là do tâm lý giáo viên muốn lớp tốt, đứng thứ hạng cao trong trường.

 

Nhiều học sinh không học bài, đi học muộn, hay mất trật tự làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp. Giáo viên lại bị áp lực đối với thi đua của lớp nên những học sinh mắc lỗi thường bị cô giáo "nặng lời".

 

PGS.TS Nguyễn Công Khanh (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận xét, sở dĩ chê nhiều hơn khen là do các cô đặt ra yêu cầu quá cao. Do đó, nếu học sinh chưa đạt tới thì chỉ nhìn bằng con mắt của người lớn mà không đứng ở phía học sinh để nhìn nhận.

 

“Chê” cũng phải biết cách

 

Mắng mỏ học sinh trước đông người thường có tác dụng không tốt.
 

Theo ông Khanh, về nguyên tắc, khen phải nhiều hơn chê để tạo tâm lý tích cực vì ai cũng thích khen.

 

Hoặc, nếu có chê thì phải biết chê đúng cách. Nếu cần trách phạt thì hãy chuẩn bị tâm lý cho học sinh trước, ví dụ, khen điểm tốt trước sau đó mới nhắc nhở và chê trách sau.

 

Chê thì chê hành vi, chứ không nên chê nhân cách và đặc biệt không nhắc lại những lần phạm lỗi trước đây. Khi chê phải đọc được cảm xúc trên khuôn mặt của người bị chê vì mức độ chịu đựng của mỗi người không giống nhau.

 

Ông Khanh ví dụ, có học sinh cô chỉ phê bình vài câu mặt mũi đã tái mét. Do đó, tốt nhất khi chê nên gặp riêng các em, còn khen thì trước đông người.

 

Nếu một học sinh vi phạm một lỗi nào đó nhưng không làm ảnh hưởng đến mọi người thì cô giáo nhắc nhở nhẹ nhàng và có thể bỏ qua thì học trò sẽ rất biết ơn cô giáo và cảm thấy cô tâm lý.

 

(*) Bài thơ “Trong lớp học” của thầy Phí Văn Trân - nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Bắc Giang - do ông Đặng Thiều Quang đọc trong hội thảo:

 

Trong lớp học

 

- Sao không chịu học bài?

- Thưa cô, nhà... dầu hết!

- Ngồi xuống ngay. Điểm một

 Lười học chỉ ham chơi!

 

 Có tiếng nói xa xôi:

 Làng đang mùa giáp hạt

 Sáng chờ xong buổi học

 Trưa ra đồng bắt cua.

 

 Rau má ngày một xa

 Rổ chưa đầy đã tối

 Bữa rau ăn còn đói

 Tiền đâu mua dầu đèn.

 

 Đây hai bàn tay em

 Mười ngón tay cua cắp

 Áo vá rồi lại rách

 Chân không dép sưng gai.

 

 Đâu phải em ham chơi

 Đâu phải em lười học!

 

 "Khi nhà còn đói khát

 Em khó làm trò ngoan"

 Ý nghĩ thành nước mắt

 Lặng rơi trên mặt bàn.

(Phí Văn Trân)

 

Theo Bảo Anh
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm