Thầy, cô “đi sau”… chương trình sách giáo khoa?

Sự bảo thủ, thói quen truyền thống của giáo viên là một rào cản lớn trong đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK). Làm thế nào để khắc phục tình trạng này là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra…

SGK gần gũi, nhẹ nhàng 

Theo GS.TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) và TS Bùi Việt Phú (NXB Giáo dục Việt Nam): Việc biên soạn và phát triển SGK phổ thông phải tuân theo định hướng xây dựng CT sau năm 2015, kiến thức sẽ chú trọng vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày, chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi nhằm hình thành năng lực, giúp HS giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. 

SGK cần bảo đảm 3 chức năng: Thông tin; Hướng dẫn và Kích thích. Tùy theo SGK đa môn hay đơn môn mà lựa chọn cách trình bày cấu trúc nội dung, không nên trình bày đơn vị bài học theo tiết, mà nên theo chủ đề nội dung ứng với các tình huống tích hợp. 

Với một CT quốc gia nên có nhiều bộ SGK. Trong đó, Bộ GD-ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định SGK và cho phép sử dụng nếu bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, số bộ SGK không nên quá nhiều, có thể biên soạn theo 3 vùng: Đô thị, nông thôn và miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
 
Sức ì từ người thầy

Sức ì từ người thầy

GS.TS Mike Horsley (Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục) chia sẻ: “Về bản chất, việc giảng dạy chứa đựng yếu tố bảo thủ. Trong thực tế phương pháp giảng dạy tương đối khó thay đổi. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy cũng như sử dụng SGK thường đòi hỏi sự trợ giúp về mặt chuyên môn và các nguồn lực mới, sự hỗ trợ và đầu tư. 

Xét cho cùng thì giáo viên chính là sản phẩm của hệ thống giáo dục mà họ đang dạy, kể cả về mặt giáo trình và SGK cũng như tài liệu dạy trên lớp. Do đó, nên có nhiều đối thoại giữa giáo viên và các tác giả viết SGK để họ hiểu được cái mới”.

Ông Nguyễn Huy Đoàn (nguyên Chủ biên bộ sách Đại số nâng cao từ lớp 10 đến lớp 12) Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng tình: “Thực tế, tính bảo thủ của giáo viên còn rất nặng nề khi mà không ít giáo viên còn mang giáo án cũ ra để dạy. Chính vì tính bảo thủ nên nhiều giáo viên cứ mang nhưng nội dung quá khó, chẳng hạn ở môn Toán, để ra bài tập cho học sinh, mặc dù chương trình SGK chỉ thiết kế những nội dung phù hợp, nhẹ nhàng”. 

Về vấn đề này, GS Đinh Quang Báo, thường trực ban soạn thảo chương trình, SGK mới sau năm 2015 cho rằng, để thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy đã ăn sâu trong giáo viên hàng chục năm qua là rất khó và đòi hỏi phải có cả một quá trình. Tuy khó nhưng vẫn phải nỗ lực thực hiện vì nếu không thay đổi được giáo viên thì đổi mới giáo dục không mang lại hiệu quả mong đợi. Cũng theo GS Đinh Quang Báo, sự bảo thủ không chỉ ở giáo viên mà ở ngay những nhà biên soạn SGK và đây thực sự là một thách thức lớn.

Chính vì thế, GS Nguyễn Khắc Phi - chủ biên SGK Ngữ văn cho rằng: “Nên chọn những cử nhân sư phạm chưa có việc làm và những người có kinh nghiệm bồi dưỡng cái mới để phát triển đội ngũ giáo viên cho sự kiện “đổi mới chương trình và sách giáo khoa” sắp tới. Theo ông, những người trẻ sử dụng thành thạo vi tính sẽ dễ tiếp thu cái mới, không bảo thủ như nhiều giáo viên.

Các trường sư phạm đi chậm

Thực tế từ nhiều năm giảng dạy tại các trường đại học sư phạm, GS Nguyễn Khắc Phi nhận xét: “Các trường sư phạm đang đi chậm trong khâu đổi mới để bắt kịp chương trình, SGK. Chẳng hạn chuyện “dạy tích hợp”. 

Dự kiến năm 2016, sẽ có SGK mới thí điểm. Bậc THCS sẽ không còn các môn Lí, Hóa, Sinh dạng độc lập nữa mà chỉ còn môn Khoa học. Khi đó, dạy học phải theo chủ đề, kết hợp kiến thức liên môn. Thế nhưng, vẫn đào tạo sư phạm như hiện nay thì giáo viên làm sao hòa nhập được?.

Tuy nhiên, ở lần đổi mới này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Đổi mới quản lí, phát triển đội ngũ nhà giáo là then chốt của đổi mới nên sẽ là công việc nặng nề, lâu dài, bền bỉ, có nhiều giải pháp căn cơ. Các trường sư phạm ngay từ bây giờ cũng phải đổi mới. Nhưng khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông thì phải tiếp tục phù hợp hơn, những đổi mới chung như hiện nay cần phải đổi mới gì là đổi mới ngay, khi có chương trình phổ thông ra, các trường sư phạm chỉ việc lắp vào cho cụ thể hơn”.

Học không phải để… thi

Cùng về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Đoàn cho rằng đổi mới chương trình, SGK phải đồng bộ với đổi mới giáo viên và thi cử. “Việc thi cử nặng về ghi nhớ kiến thức cũng khiến giáo viên khó đổi mới phương pháp dạy học. Vì thế, việc đổi mới phải đồng bộ cả chương trình, phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá” - ông Đoàn chia sẻ.

Đồng tình với việc phải đổi mới đồng bộ, tuy nhiên, Giáo sư Mike lại có cái nhìn khác về vấn đề này: “Tôi nghĩ, trong tư duy của học sinh, giáo viên cũng phải thay đổi. Giáo viên muốn học sinh vượt qua kỳ thi hay có tư duy năng động. Trong tương lai, học sinh phải độc lập, không phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên và SGK. Mong muốn của người học là gì, học cho tương lai của họ hay cho mục tiêu trước mắt là vượt qua kỳ thi?”. 

Theo Uyên Na
Pháp luật Việt Nam