Thầy cô chở đất về làm vườn rau cải thiện bữa ăn cho học sinh

(Dân trí) - Không chỉ nắn nót từng con chữ, dạy từng phép tính cho các em học sinh, những giáo viên ở vùng cao thuộc trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch (Quảng Bình) còn chở đất cách trường nhiều cây số về trồng rau sạch cho các em ăn…

Phải vất vả lắm chúng tôi mới đến được trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch, nơi cái chữ được đưa đến với con em đồng bào Ma Coong, Bru - Vân Kiều.

Vườn rau sạch của thầy cô và các em học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

Từ cải thiện bữa ăn…

Với dân tộc thiểu số vùng cao, có lẽ cái đói, cái nghèo luôn là nỗi lo thường trực, hiểu được điều này, các cán bộ, thầy cô giáo trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch ngoài việc đưa con chữ đến với con em còn có nhiệm vụ là làm thế nào để đảm bảo bữa ăn hằng ngày cho học sinh để các em có thể yên tâm học tập tại trường.

Với số tiền ít ỏi chưa đầy 1 triệu đồng/tháng cho mọi chi phí của một em học sinh học tập tại trường, các thầy cô giáo ở đây đã phải nỗ lực lao động, cùng các em tăng gia sản xuất, trồng rau trong khuôn viên trường để tiết kiệm chi phí và cải thiện bữa ăn.

Thầy và trò trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch đang chăm sóc vườn rau sạch một cách rất tỉ mỉ và chu đáo
Thầy và trò trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch đang chăm sóc vườn rau sạch một cách rất tỉ mỉ và chu đáo

Đưa chúng tôi đi thăm vườn rau sạch, thầy Nguyễn Tuấn Nam, Hiệu phó nhà trường tự hào giới thiệu về vườn rau bán trú mà thầy trò đã bỏ ra bao công sức để xây dựng. Nhìn vườn rau xanh mướt trong nắng sớm vùng cao, mới hiểu được thầy trò đã cố gắng duy trì mầm xanh ở đây như thế nào.

Trò chuyện với chúng tôi, thầy Nam tâm sự, những năm trước, nhà trường không có đất để làm rau, việc tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú rất khó khăn, lương thực, thực phẩm đều phải đặt mua của dân bản hoặc mua từ dưới xuôi mang lên.

“Khu vực nhà trường chủ yếu là đất sỏi đá khô cằn, không thể trồng được cây gì, thầy và trò đã phải chở đất cách đó hàng cây số về để làm vườn rau. Để có được vườn rau để cải thiện bữa ăn cho thầy trò như ngày hôm nay đúng là rất vất vả. Cả tháng trời miệt mài, không quản mưa nắng, thầy trò tập trung cày xới, cải tạo đất, rào vườn, cán bộ, giáo viên và học sinh phải vào từng nhà dân xin phân chuồng về cải tạo đất”, thầy Nam kể lại những ngày tháng vất vả cùng vườn rau.

Thầy Nam cũng cho biết, sắp tới trường sẽ huy động lực lượng tiếp tục chở đất về và mở rộng diện tích, trồng nhiều loại rau và cây củ quả hơn. Khi đó, nguồn lương thực như rau củ quả sẽ được đảm bảo cho cả trường.

… đến rèn luyện kỷ năng sống cho học sinh

Vườn rau không đơn thuần là chỉ để đảm bảo cho các em học sinh dân tộc có thức ăn lâu dài mà còn là để rèn cho các em về kỹ năng sống qua việc chăm sóc vườn rau, học sinh được rèn luyện kỹ năng sản xuất, thực hành lao động. Tạo tinh thần đoàn kết trong lao động sản xuất cũng như gắn kết tình thầy trò.

Rời vườn rau, thầy Nam dẫn chúng tôi vào nhà ăn của trường. Với những dãy bàn ăn trải dài, học sinh ra vào tấp nập nhưng rất có quy củ. Được chứng kiến cảnh học sinh bán trú của trường quây quần ăn uống bên nhau, những mâm cơm có đầy đủ rau, củ, thịt cá… nhìn các em vui vẻ ăn ngon lành, chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng.

Vườn rau xanh mướt đã cải thiện đáng kể bữa ăn cho thầy cô và các em học sinh vùng cao
Vườn rau xanh mướt đã cải thiện đáng kể bữa ăn cho thầy cô và các em học sinh vùng cao

Những nỗ lực của thầy và trò trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch thời gian qua đã mang nhiều chuyển biến tích cực, và có lẽ niềm vui lớn nhất của các thầy cô nơi vùng cao này chính là được chứng kiến con em dân tộc được ăn những bữa cơm ngon, và học tập thật tốt để trong tương lai sẽ xây dựng những bản nghèo ngày một vươn lên.

Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục các trường học ở vùng cao, bên cạnh sự nỗ lực của các thầy cô giáo và học sinh, vẫn rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đây chính là tiền đề để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn.

Tiến Thành - Đặng Tài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm