Thầy Cải của những học trò nghèo
(Dân trí) - Trong 97 gương mặt được tuyên dương Giáo viên trẻ tiêu biểu năm 2008 có một người hết sức quen thuộc với sinh viên TPHCM những năm đầu thế kỷ 21 - một sinh viên vượt khó, một người con chí hiếu, nay là một giáo viên tiêu biểu.
Có khó mới thấy lòng người
Nguyễn Văn Cải sinh năm 1980, giai đoạn đất nước còn hết sức khó khăn. Bản thân gia đình anh còn khó khăn hơn. Bởi người mẹ sinh ra hai chị em anh vốn bị tâm thần, anh và chị mình cũng chẳng biết cha là ai.
Có thể nói tuổi thơ của Nguyễn Văn Cải là cả một chuỗi ngày dài cơ cực. Từ năm 5 tuổi, anh đã phải đi chăn trâu cho người cậu để kiếm cơm qua ngày. Người mẹ tâm thần lúc tỉnh lúc mê. Khi tỉnh thì bà còn đi mò cua, bắt ốc kiếm gạo nuôi con. Khi mê thì bà lang thang khắp xóm, có khi trầm mình dưới rạch ruộng, bờ ao.
Người chị của anh mới học hết lớp 5 đã phải nghỉ đi làm mướn chăm lo cho gia đình. Còn Cải phải chăm mẹ, trông chừng mẹ khi bà trở bệnh đi lang thang. Cứ mở mắt ra mà không thấy mẹ trong nhà, anh phải lao bổ đi khắp xóm để tìm bà về.
Lên cấp 2, Cải đã biết vừa học vừa làm. Hai buổi làm, 1 buổi học. Cứ sáng sớm thì chạy ra đồng cấy lúa, làm cỏ; đến trưa xuống ao rửa mặt đi học, chiều tấp về tỉa đậu, hái rau; khuya mới học bài. Đến mùa thì anh nhận chăn vịt mướn, ngủ hẳn ngoài đồng. Cuộc sống vất vả đè nặng lên vai nhỏ bé của cậu học sinh vừa hơn 10 tuổi.
Nhưng có những khó khăn ấy mới thấy được nỗ lực phi thường của cậu bé Cải. Suốt thời phổ thông, Cải luôn là học sinh xuất sắc ở trường, là lớp trưởng gương mẫu. Cấp 3 anh còn là Bí thư Đoàn trường…
Và cũng vì có những khó khăn ấy Cải mới thấy được tấm lòng bao dung của mọi người xung quanh mình. Gia đình anh thường xuyên được hàng xóm hỗ trợ ký gạo, bó rau. Các đoàn thể thì hỗ trợ cho gia đình anh căn nhà tình thương. Các thầy trong trường THPT Quang Trung thì góp tiền bắt cho nhà anh cái đèn điện…
Không phụ lòng mọi người, anh không ngừng nỗ lực học tập và đạt được thành tích bất ngờ: Thủ khoa toàn huyện kỳ thi tốt nghiệp, đậu 3 trường đại học: Sư phạm TPHCM, Luật và Khoa học xã hội & Nhân văn. Khi học Đại học, anh còn làm Phó chủ tịch Hội Sinh viên trường, tham gia năng nổ hoạt động mùa hè xanh cấp thành.
Với những nỗ lực vượt khó, thành tích học tập cao, tấm lòng hiếu thảo hiếm thấy, anh được bình chọn là Gương Công dân trẻ thành phố 300 năm; Thanh niên tiên tiến TPHCM ba năm liền; Học trò giỏi hiếu thảo miền Đông Nam bộ; Một trong 50 Gương Sao tháng Giêng toàn quốc đầu tiên do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tuyên dương năm 2000; Một trong “50 Gương hiếu thời nay”…
Cho lại những gì mình đã được nhận
Trong 3 trường Cải thi đậu, anh chọn trường ĐH Sư phạm TPHCM để theo học. Một phần vì trường này miễn học phí, một phần vì anh muốn theo nghề giáo. Mong ước này đã được anh xác định từ khi học lớp 4.
Năm ấy, đã đến ngày tựu trường mà các khoản tiền trường anh không có đóng. Bạn bè đều thương vì anh học giỏi, hoà đồng. Các bạn liền đi kể với cô giáo chủ nhiệm. Cô chủ nhiệm của anh lúc ấy là cô Trần Thị Hằng, đã bỏ tiền lương ít ỏi của mình ra đóng tiền trường cho anh, mượn tập vở cho anh đi học. Trong khi nhà cô cũng nghèo khó, chồng cô thất nghiệp.
Chính nghĩa cử cao đẹp ấy của cô Hằng khiến anh thấy nghề giáo thực sự đáng ước mơ. Bởi nhờ những nhà giáo như cô mà anh “được đổi đời, được tiếp tục đến trường”. Và anh mơ ước mình có thể trở thành một nhà giáo như thế.
Ước mơ đã thành hiện thực vào năm 2002, khi anh tốt nghiệp ĐH Sư phạm. Với năng lực và thành tích của mình, nhiều nơi đã mời anh, nhưng “tôi gác lại mọi lời mời mọc để trở về trường cũ với mong muốn cùng thầy cô làm tiếp công việc ngày trước thầy cô từng làm cho mình: giúp đỡ các em nghèo”. Anh trở về dạy tại ngôi trường THPT Quang Trung, làm đồng nghiệp với thầy cô xưa.
Ngay khi về trường, anh tham mưu với thầy Hiệu trưởng thành lập ngay Hội Khuyến học (HKH). Ngày 22/12/2002, Hội Khuyến học của trường THPT Quang Trung được thành lập. Đây là HKH đầu tiên của khối trường học trên địa bàn TPHCM.
Anh cùng thầy hiệu trưởng đi khắp nơi, vận dụng mọi mối quan hệ đề tìm nguồn hỗ trợ. Từ đó đến nay, HKH của trường giúp đỡ mỗi năm trên 160 học sinh với tổng số tiền mỗi năm học trên dưới 150 triệu đồng. 7 năm qua trường đã xây 14 căn nhà tình thương dành tặng học sinh khó khăn, tặng hàng chục xe đạp và nhiều dụng cụ học tập, quần áo...
Và điều anh quan tâm hơn hết là tạo mọi điều kiện đến trường cho những học sinh khó khăn, có nguy cơ bỏ học. Anh nhớ mãi cậu học trò Trần Trung Trực mà mọi người gọi là “Trực vé số” vì một buổi học, một buổi bán vé số. Hay em Trần Thị Kim Liên, mẹ bệnh tâm thần, ba có vợ khác, 2 anh trai thất nghiệp, em trai đang đi học.
Đáng thương nhất là em Trần Thị Hồng Linh. Bố mất lúc hai chị em Linh bé xíu. Mẹ của Linh từ năm 2006 bị suy thận nặng, mỗi tuần phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Bà ngoại bị bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp... Mỗi tháng đi Chợ Rẫy điều trị 2 lần. Bác ruột của Linh sống chung với gia đình em thì bị bệnh tâm thần.
Tất cả những hoàn cảnh ấy, anh đều tìm cho các em nguồn hỗ trợ học tập cho đến khi ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Anh làm tất cả để các em được như anh hôm nay. Và vì thế, anh hết sức xứng đáng khi được TPHCM khen tặng là Giáo viên trẻ tiêu biểu của TP.
Tuy hiện nay, anh chẳng khá giả gì, nhưng đã có một vợ hai con, công việc ổn định, người mẹ tâm thần đã đỡ nhiều vì cuộc sống đủ đầy hơn… Tất cả là nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của anh.
Tuy vậy, Cải vẫn khiêm tốn bảo: “Không phủ nhận nỗ lực của bản thân, nhưng phải khẳng định là sẽ không có tôi hôm nay nếu ngày trước không có những thầy cô giáo và những tấm lòng hảo tâm. Chính sự chia sẻ đầy trách nhiệm và thấm đẫm nghĩa tình ấy là động lực lớn giúp tôi vượt qua khó khăn, đi đến tận cùng ước mơ”.
Tùng Nguyên