Thay bóng đèn... là xã hội hóa giáo dục?

Trong buổi họp phụ huynh học sinh của lớp 3E trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Hà Nội, cô giáo đọc các khoản phí phải đóng, trong đó có khoản Xã hội hóa giáo dục. Cô giáo giải thích, xã hội hoá giáo dục thực chất là “hỗ trợ ánh sáng”, thay bóng đèn tuýp bằng bóng đèn đỏ…

Buổi họp phụ huynh của lớp 3E hôm ấy có rất nhiều chuyện lạ.

 

Theo lịch của cô giáo chủ nhiệm thì từ nay đến hết năm học, HS lớp 3E sẽ không còn một ngày nghỉ nào. Học 2 buổi/ngày. Chủ nhật là sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh của trường. Các phụ huynh còn được thông báo, từ tuần tới, cô sẽ tổ chức dạy thêm ba môn vào thứ Bảy: tiếng Việt, Toán và tiếng Anh.

 

Hai môn đầu do cô trực tiếp dạy. Tiếng Anh thì cô thuê địa điểm và “thuê thầy hộ các em”. Vị đại diện ban phụ huynh đưa một bản đánh máy, ghi tên từng em, đề nghị phụ huynh cần thì ký vào. Mà các gia đình muốn cho con học thêm, cô chủ nhiệm bảo phải làm đơn tự nguyện xin học chứ cô không ép!?

 

Ngoài chuyện học thêm là câu chuyện về các khoản thu. Tấm bảng đen trong lớp 3E ghi thông báo, phụ huynh phải nộp đầu học kỳ I năm học này, gồm 9 khoản.

 

Cụ thể: Hỗ trợ tiểu học: 40 nghìn đồng; Xây dựng: 40 nghìn đồng; BHYT: 50 nghìn đồng; BHTT: 30 nghìn đồng; Quỹ phụ huynh trường: 50 nghìn đồng; Xã hội hóa giáo dục: 50 nghìn đồng; Tin học: 24 nghìn đồng; Quỹ đội: 18 nghìn đồng; Quỹ phụ huynh lớp: 50 nghìn đồng. Cộng các khoản 352.000 đồng.

 

Nội dung của các khoản thu gây nhiều thắc mắc cho cho phụ huynh. Nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể cho các cháu thì chả ai nói làm gì. Khoản hỗ trợ tiểu học, cô giáo bảo, đó là quy định của Nhà nước, thì không phải bàn nữa. Nộp quỹ Đội cả với các cháu chưa vào Đội cũng có một phần có lý để các cháu phấn đấu.

 

Nhưng các bậc phụ huynh (có người là bố mẹ, có người là ông bà các cháu) hầu hết là viên chức, từng trải công việc mà không hiểu được việc Hỗ trợ tiểu học, Xây dựng và Xã hội hóa giáo dục khác nhau thế nào. Cô chủ nhiệm gay gắt giải thích: “Hỗ trợ tiểu học là tiền cho thầy cô đi thi giáo viên dạy giỏi, các cháu đi thi học sinh giỏi”.

 

Khi hỏi về khoản tiền xây dựng thì cô bảo, thì chẳng hạn như cửa hỏng, phải sửa. Đến khoản Xã hội hóa giáo dục, khi phụ huynh chất vấn, cô giáo chủ nhiệm bảo, ghi là ghi thế thôi, thực chất là “hỗ trợ ánh sáng”. Lớp có hai đèn tuýp, hại mắt, Sở Y tế kiểm tra bảo thế. Phải bổ sung bằng bóng đèn đỏ.

 

Nhẩm tính: Lớp 3E có 37 học sinh, số tiền Xã hội hóa giáo dục hay là “hỗ trợ ánh sáng” thu được trong học kỳ I là 1 triệu 850 nghìn đồng. Nếu đem mua bóng đèn, mỗi cái 5 nghìn đồng thì lớp 3E sẽ mắc 370 cái bóng đèn! Nếu bỏ một nửa số tiền để thay vài chục mét dây thì cũng còn hơn một trăm bóng!

 

Bị chất vấn, cô giáo cáu, bảo đấy là tiền tự nguyện đóng góp, ai khó khăn thì phụ huynh khác đóng hộ. Ai không hiểu thì hỏi ban phụ huynh cỡ toàn trường. Không hiểu nữa thì lên Ban giám hiệu!

 

Không biết, chuyện “xã hội hóa giáo dục” này là chuyện riêng của lớp 3E hay là chuyện của cả trường Tiểu học Lý Thường Kiệt? Mong Thanh tra của Sở Giáo dục Hà Nội kiểm tra gấp. Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng. Nhưng xin đừng xã hội hóa theo lối áp đặt, xã hội hóa cả phẩm chất đạo đức, xã hội hóa cả tư cách của người giáo viên, vốn là người được cả xã hội tôn vinh và quý trọng.

 

Phạm Tiến Duật

(theo Tiền Phong)