Thanh tra nội bộ công cụ đắc lực để nâng cao chất lượng giáo dục

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Bất di bất dịch của công tác thanh tra là thượng tôn pháp luật, nhưng điều quan trọng hơn là kỹ năng mềm để xử lý thế nào cho thấu tình đạt lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với 430 điểm cầu để tập huấn nghiệp vụ thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm. Tham dự hội nghị có 2.000 đại biểu là lãnh đạo hơn 240 các cơ sở giáo dục đại học/cao đẳng sư phạm và cán bộ thanh tra nội bộ của trường.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của công tác thanh tra nội bộ cơ sở giáo dục đào tạo. Đây là công cụ đắc lực của lãnh đạo nhà trường, giúp tầm soát thường xuyên, sớm phát hiện vấn đề để xử lý và quản lý, quản trị nhà trường tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Thanh tra nội bộ công cụ đắc lực để nâng cao chất lượng giáo dục - 1

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị tập huấn. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Hội nghị tập huấn với số lượng trường đại học và cao đẳng sư phạm tham gia tăng hơn 100 đơn vị so với năm trước; số Hiệu trưởng/Hiệu phó, Giám đốc/Phó Giám đốc cơ sở giáo dục cao gấp đôi so với năm 2020.

Điều này, theo Thứ trưởng, đã cho thấy nhận thức về công tác thanh tra nội bộ của tự thân cơ sở giáo dục, của lãnh đạo trường đại học/cao đẳng sư phạm đã nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong bối cảnh tự chủ đại học. Đây cũng thể hiện được phần nào những hiệu quả quan trọng, thiết thực, mà công tác thanh tra nội bộ đã mang lại cho cơ sở giáo dục, từ đó thúc đẩy sự quan tâm, nhận thức đầy đủ của cán bộ quản lý, nhà trường và hoạt động thanh tra này.

Thanh tra nội bộ, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, vừa là công việc dễ làm nhưng đồng thời cũng rất khó. Dễ là cán bộ thanh tra có thể biết chính xác tính chất vụ việc vì diễn ra trong phạm vi không gian, thời gian, địa điểm, con người họ đã quen thuộc. Nhưng đây cũng chính là cái khó cho cán bộ thanh tra nội bộ trong đề xuất, xử lý vấn đề.

"Bất di bất dịch của công tác thanh tra là thượng tôn pháp luật, nhưng điều quan trọng hơn là kỹ năng mềm để xử lý thế nào cho thấu tình đạt lý. Để làm được điều này thì người làm công tác thanh tra phải có năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, cái tâm trong sáng và biết dựa vào tập thể. Các nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra… phải nhằm vào công việc, vì mục tiêu giúp công việc chung được tốt hơn", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo trong công tác tổ chức, đặc biệt là tài liệu tập huấn được xây dựng rất khoa học, công phu, Thứ trưởng đề nghị thành viên tham dự nghiêm túc nghiên cứu, thực hiện đầy đủ chương trình và tích cực lắng nghe, trao đổi để nắm bắt được tốt nhất, nhiều nhất các nội dung tập huấn.

Việc tập huấn không chỉ là truyền đạt một chiều mà báo cáo viên cần khích lệ, động viên đại biểu tham dự trao đổi, phản ánh lại những thuận lợi, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về thanh tra nội bộ.

Đây vừa là dịp hướng dẫn chuyên môn, nhưng đồng thời cũng để khảo sát, cập nhật thêm thông tin, từ đó có sự chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản, quy định (nếu cần thiết) để phù hợp, hiệu quả hơn với yêu cầu thực tế. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm