Thanh tra giáo dục như tiêm vắc-xin, cần phải nhắc lại
(Dân trí) - Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Việc thực hiện tái thanh tra có thể giống như việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, cần phải tiêm nhắc lại”.
Trao đổi với Dân trí tại hội nghị giáo dục đại học (GDĐH) về công tác thanh tra năm 2013, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: “Trong năm 2013, toàn ngành GD-ĐT tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật GDĐH, tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng trong tất cả các khâu hoạt động GDĐH; giữ vững nguyên tắc, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động giáo dục đào tạo, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sự việc thực hiện cam kết đảm bảo chất lượng của các trường trong toàn hệ thống đúng như tinh thần Kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012”.
Về vấn đề công tác giám sát sau thanh tra, tái thanh tra năm 2013 sẽ thực hiện như thế nào, ông Bằng cho hay, những trường bị đình chỉ tuyển sinh năm trước năm nay đã khắc phục những sai phạm và được Bộ cho phép tuyển sinh trở lại. Công tác thanh tra đã làm thay đổi nhận thức của các trường. Do vậy, việc thực hiện tái thanh tra có thể giống như việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, cần phải tiêm nhắc lại Bộ sẽ thực hiện tái thanh tra và không chỉ dừng ở việc phạt hành chính mà sẽ không được giao tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ sẽ áp đặt, chỉ giao chỉ tiêu tối thiểu - ông Bằng khẳng định.
Được biết, tuyển sinh năm 2012, một số trường không chuẩn bị đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường theo Nghị quyết số 50 của Quốc hội khóa XII, nên bị đình chỉ tuyển sinh, trong đó có 2 trường đại học và 1 trường cao đẳng bị đình chỉ tuyển sinh. Đồng thời bộ cũng đã đình chỉ tuyển sinh 12 ngành của 4 trường.
Ông Bằng cho biết, năm qua Bộ đã có những giải pháp mới là kiến nghị các bộ ngành, địa phương xử lý kỷ luật 8 hiệu trưởng trường có sai phạm. Tuy giải pháp mới này có thể chưa vào hệ thống 100% nhưng chắc chắn có tác động tốt tới các trường. Thể hiện rõ nhất là qua việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013, các trường đã không dám xác định vống chỉ tiêu như các năm trước.
Theo thông báo mới của Bộ GD-ĐT, kết quả thanh tra 30 trường ĐH, CĐ trên cả nước (16 trường công lập, 14 trường ngoài công lập), cho thấy: 5 trường không đạt cả 2 tiêu chí về giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng; 13 trường không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên; 5 trường xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh; 16 trường xác định chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã xem xét và đề nghị các Bộ chủ quản các trường có hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách đối với hiệu trưởng những trường vi phạm này. Đồng thời, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường tuyển sinh vượt từ 5% trở lên chỉ tiêu năm 2012 và trong năm 2013, sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với 17 trường.
Theo quy định, những trường, những ngành sau 3 năm thành lập mà không tuyển được thì sẽ dừng tuyển sinh hoặc tiếp tục như thế nữa sẽ đóng cửa. Ông Bằng cho hay, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cũng chưa đề nghị đóng cửa trường nào.
Năm học 2012 - 2013 là năm học đầu tiên thực hiện Luật GDĐH với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện toàn hệ thống. Đổi mới căn bản là làm thay đổi một cách căn cơ trong cách nghĩ, cách làm. Sự thành công của công cuộc đổi mới phụ thuộc vào sự cố gắng, nỗ lực liêc tục của toàn ngành giáo dục với phương châm lấy chất lượng đào tạo làm tiêu chí hàng đầu trong mọi hành động từ cơ quan quản lý nhà nước đến từng cơ sở GDĐH.
Hồng Hạnh