Thanh Hóa, Tuyên Quang thí điểm mô hình tư vấn tâm lý học đường
(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học tại 6 tỉnh thành, trong đó có Thanh Hóa và Tuyên Quang.
Thời gian thí điểm thực hiện mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học là 6 tháng, từ tháng 2 tới tháng 8 tại 6 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình và Thanh Hóa.
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) của 6 tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn 3 cơ sở giáo dục phổ thông ở 3 cấp học. Mỗi cơ sở giáo dục lựa chọn 1 cán bộ, giáo viên phụ trách, thực hiện hoạt động tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ và bảo vệ học sinh.
Theo kế hoạch, vào tháng 6 tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện công tác này.
Bộ cũng sẽ tổ chức khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thí điểm và xây dựng báo cáo kết quả để làm căn cứ nhân rộng mô hình ra các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Mô hình tư vấn tâm lý học đường đã được Bộ GD&ĐT chỉ đạo triển khai tại các địa phương vài năm nay nhằm hỗ trợ tích cực cho học sinh trong các vấn đề tâm lý cũng như ngăn ngừa bạo lực học đường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn liên quan tới kinh phí và trình độ năng lực chuyên môn.
Trước đó, năm 2017, Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
Tháng 11/2023, Bộ ban hành tài liệu truyền thông về sức khỏe tâm thần của học sinh phổ thông. Bộ tài liệu này gồm 73 trang với 3 chương.
Trong đó, chương 1 là thông tin về sự phát triển của trẻ em và học sinh trên các phương diện cảm xúc và nhận thức xã hội; chương 2 là các giải pháp nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, nhân viên y tế trường học, phụ huynh; chương 3 là một số vấn đề thường gặp về sức khỏe tâm thần của học sinh như căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm, các vấn đề về hành vi chống đối, về sử dụng chất gây nghiện…
Bộ yêu cầu các đơn vị đăng tải tài liệu này trên cổng thông tin điện tử của tất cả cơ sở giáo dục, đồng thời khai thác, sử dụng tài liệu để tổ chức và triển khai một số giải pháp nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh trong trường học.
Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ về việc sửa Thông tư 16, nội dung quy định các vị trí việc làm trong nhà trường, để bổ sung thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường.