Khổ học thành tài:

Thành công không cứ phải đại học!

(Dân trí) - Tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Duy Chung chưa biết chọn lối rẽ nào cho cuộc đời mình, nhưng anh nghĩ không nhất thiết phải vào đại học mới có thể thành công trong cuộc sống. Anh quyết định chọn học nghề cơ khí tại trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội.

Và nghề cơ khí chính là điểm tựa để cho Nguyễn Duy Chung bước đến thành công trong lĩnh vực chế tạo máy sản xuất bánh kẹo, máy dệt cho bà con trong xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Tây) khi ở tuổi 25.

 

Không chỉ đại học

 

Có nghề trong tay chẳng lẽ mình lại phải phiêu bạt để kiếm sống trong khi chính những người dân làng nghề bánh kẹo, nghề dệt quê mình đang phải ngày đêm đầu tắt mặt tối để tìm cách sửa chữa những chiếc máy dệt, máy làm bánh kẹo mang nhãn hiệu Trung Quốc. Chung quyết định lập nghiệp ngay trên chính quê hương bằng nghề cơ khí mà mình đã học được.

 

Anh bàn với gia đình vay mượn tiền mở xưởng cơ khí mang tên Sơn Chung khi ở tuổi 20.

 

Sinh ra và lớn lên tại làng chuyên sản xuất bánh kẹo, anh hiểu khó khăn của những người thợ mỗi khi máy hỏng hóc. Nhu cầu thị trường ngày một đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao, mẫu mã đẹp để cạnh tranh được đòi hỏi phải cải tiến dây chuyền máy. Anh hiểu được những băn khoăn lo lắng của người dân nên nghĩ cách gì để cải tiến những chiếc máy đang sử dụng thành những chiếc máy đa năng có thể tạo thành dây chuyền máy đặc biệt tiện lợi và hiệu quả kinh tế cao.

 

Ngày đêm anh mày mò tháo ra tháo vào những chiếc máy cũ đã bị hỏng, cứ thế tháo ra lắp vào loay hoay hết ngày này đến ngày khác. Mọi người trong gia đình thấy anh còn ít tuổi, chưa có kinh nghiệm nên đã khuyên anh tính cách khác nhưng Chung không thể từ bỏ ước mơ trong thất bại được.

 

Anh nhận gia công cơ khí những chi tiết như vỏ, thân và sửa một số loại máy: máy định hình các sản phẩm bánh kẹo, máy đột viên cứng các hình thù, máy dệt kim... Buổi đầu, mọi người dân trong làng chẳng mấy ai tin rằng anh có thể sửa được những chiếc máy ấy. Nhưng nghĩ đến những chiếc máy mua từ Trung Quốc đã quá cũ nên mọi người đưa cho anh sửa được thì tốt.

 

Nhận hàng mà không làm được sau này sẽ chẳng ai tin mình nữa, lâu thì lâu anh cũng quyết tìm cho bằng được nguyên nhân gây hỏng của từng dòng máy. Miệt mài, anh gầy sọp người đi trông thấy. Cuối cùng bài học cũng được rút ra từ chính những cố gắng ấy. Và liên tiếp anh công bố những chiếc máy làm lợi nhiều về kinh tế cho dân làng làm nghề và nhiều vùng lân cận.

 

Sáng kiến chế tạo máy của anh thợ trẻ

 

Cho đến bây giờ anh vẫn không tin rằng ở cái tuổi của mình mà đã dám nghĩ, dám làm những điều tưởng chừng không thể. Từng chiếc máy do anh cải tiến, chế tạo mới đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất được mọi người ghi nhận là một thực tế chứng minh cho những cố gắng của anh.

 

Từ một người thợ cơ khí, nay xưởng của anh đã thu hút được những kỹ sư và thợ lành nghề. Từ khi thành lập, năm 2000 cho đến nay anh cho ra đời hàng trăm chiếc máy các loại. Trong số đó anh tâm đắc nhất chính là máy sản xuất đột dập và côn lăn vuốt tự động. Chiếc máy này nhãn hiệu Trung Quốc với giá bán 180 triệu đồng/chiếc. Nhưng với lợi thế sản xuất trong nước, anh đã giảm mức giá xuống chỉ còn là 60 triệu đồng/ chiếc.

 

Anh gây dựng lòng tin với khách hàng bằng cách mang máy đến nhà lắp đặt và chạy thử đến khi khách hài lòng. Dần quen với các máy móc cùng loại, anh sang Trung Quốc tham quan dây chuyền, thăm nhà máy chế tạo các sản phẩm máy đang có trên thị trường. Khi trở về anh áp dụng vào phương thức sản xuất của quê hương để chế tạo sao cho phù hợp.

 

Chung đã bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo dây chuyền kẹo cứng (gồm đầu đột, bộ côn lăn, bộ vuốt tự động) - một trong những dây truyền đòi hỏi những công nghệ cao, nhiều chi tiết phức tạp. Anh hiểu ra máy của Trung Quốc chạy bằng bạc nên rất nhanh hỏng vòng bạc và anh đã thay bằng hệ thống vòng bi. Đầu chày, anh thay thế bằng thép C45 được nhiệt luyện nên có độ bền cao…

 

Cứ thế, các loại máy như máy định hình viên kẹo cứng; máy côn lăn phá; máy vuốt dây tự động; máy quay bi lạc; dây chuyền máy kẹo mềm; máy nhào trộn bột các loại; máy dệt… anh đều lần lượt sản xuất thành công theo đơn đặt hàng.

 

“Mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho địa phương, tất cả mới chỉ là bước đầu. Trong kế hoạch, mình sẽ giải phóng tối đa sức lao động bằng các máy móc thích hợp. Để làm được mình phải nhờ nhiều vào sự góp ý của mọi người” - Chung tâm sự.

 

Hiện Chung đang có kế hoạch thuê 2.000m2 đất của UBND xã La Phù để mở xưởng, tiến tới sản xuất đại trà và thu hút lượng lớn lao động tại địa phương. Với tinh thần ham học hỏi, ý chí quyết tâm cao, chàng thanh niên tuổi 8X này đã làm được điều mà nhiều người dân quê anh mong mỏi.

 

Bài, ảnh: Hoàng Yến