“Thần đồng thơ” bàn về nét chữ - nét người

Chữa nét chữ câu văn là chữa tính người. Việc uốn nắn các em phải bắt đầu từ những việc cụ thể, trong đó có cả việc rèn từng nét chữ.

Nhiều bậc phụ huynh học sinh bây giờ cứ kêu con em mình viết chữ quá xấu. Những con chữ mà ngay đến cả người viết ra chúng cũng không đọc nổi. Ngày xưa, hồi chúng tôi đi học, các thày cô rèn chữ rất kỹ. Một nhà thơ nổi tiếng, cũng từng là một thày giáo đã nhiều năm đứng trên bục giảng tâm niệm:

Khi chấm bài thấy hiện lên tâm hồn và nét mặt

Chữa nét chữ câu văn là chữa tính người.

Có lẽ cũng vì thế mà các thày cô xưa chấm bài rất kỹ. Học trò được uốn nắn chăm chút chu đáo. Việc chăm chút đầu tiên là chăm chút nét chữ. Học sinh chỉ được dùng bút máy, bút bi khi đã lên cấp Ba ( tương tự Trung học phổ thông bây giờ), hoặc khi vào Đại học, nghĩa là khi đã viết thạo. Còn khi mới bắt đầu vào học, đặc biệt là cấp I, (Bậc Tiểu học) từ lớp 1 đến lớp 4, học trò cấm không được dùng bút máy, bút bi, bởi viết những loại bút ấy, nét nào cũng giống nét nào, trông lại hoá vô cảm. Học trò chỉ được dùng một loại bút, là bút dông, loại bút có quản, có ngòi, chấm mực, nên nét thanh, nét đậm rất phân minh, mềm mại và uyển chuyển. Thày sao thì trò vậy. Trò giỏi cũng vì có những ông thày mẫu mực. Không phải chỉ kiến thức, tính nết, nhân cách, học sinh còn mang cả nét chữ của thày đi theo trọn đời mình. Ngày nào, học sinh cũng có giờ Tập viết. Rồi cao hơn nữa, có giờ Chính tả. Thày đọc cho học sinh chép. Thì cũng vẫn cứ là tập viết đó thôi. Hỗ trợ cho việc luyện chữ, rèn chữ ấy, hàng tháng, nhà trường còn tổ chức thi Vở sạch chữ đẹp. Những cuốn vở sạch, chữ đẹp đoạt giải còn được mang đi triển lãm, rồi đưa vào Phòng truyền thống nhà trường.

“Thần đồng thơ” bàn về nét chữ - nét người
 
Bây giờ không còn cái mỹ tục đó nữa. Nếu có tổ chức thi thì người ta cũng chỉ thi Tin học, thi sử dụng Computer, rồi thi Học sinh Thanh lịch, một dạng Hoa hậu học đường. Điều đó cũng cần thiết, nhằm tôn vinh trí tuệ và cái đẹp. Nhưng cũng không phải vì thế mà bỏ đi truyền thống đã trở thành mỹ tục của tuổi học trò: Thi Viết đẹp. Thi Vở sạch, chữ đẹp.

Còn nhớ những năm trước đây, chúng ta bắt đầu cải cách giáo dục. Điều đáng tiếc là Bộ Giáo dục lại thay bộ chữ rất đẹp đã trở thành truyền thống bằng lối viết rất xấu, lại bớt nét, nên trông những con chữ rất cẩu thả và quấy quá. Một cuộc cải cách khá tốn kém mà rồi rốt cuộc lại làm hỏng đến mấy  thế hệ học sinh. Đấy  là việc làm sai lầm, cũng là một trong những tác nhân đẩy học sinh đến tình trạng viết chữ rất xấu. Cũng may mà ta còn kịp chấn chỉnh. Nghĩa là trở lại với cách viết ngày xưa. Có lần, nhân cuộc gặp vui, tôi nói với một đồng chí có chức sắc trong ngành Giáo dục: “Hay là ta lại làm một cuộc Cải cách mới, nghĩa là trở về với vẻ đẹp ngày xưa. Rồi nhân đó, ta cũng nên thay lại tên gọi của các trường: Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông…bằng những cái tên cũ: Trường cấp I, Cấp II, Cấp III, vừa gọn, vừa giản dị lại thuần Việt”. Đồng chí cán bộ bảo: “Trở lại tên cũ rất hay. Trong thâm tâm, tôi cũng muốn như thế. Nhưng khổ nỗi, chúng ta đã cải cách thế rồi, giờ thay đi đổi lại, tốn kém lắm. Chỉ tính sơ sơ những thứ sơ đẳng nhất, như thay hàng vạn con dấu, hàng vạn tấm biển trường, cũng đủ mất vài tỷ rồi!”.

Bây giờ chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, hiện đại với tốc độ phát triển công nghệ như bão lốc. Nhiều người đã viết bằng Computer. Đọc sách điện tử. Rồi dần dần, Computer sẽ thay thế cho các loại giấy bút. Chính vì vậy, việc rèn luyện cho học sinh viết chữ đẹp là vô hạn cấp thiết. Cần phải khôi phục lại những vẻ đẹp đã trở thành mỹ tục mà chúng ta đã từng có trong những năm trước đây. Buổi sáng đầu tuần chào cờ. Thày hiệu trưởng tuyên dương những em học giỏi, những em viết chữ đẹp, những em làm được việc tốt, nhặt được của rơi trả lại người mất.

Không nên coi thường những việc làm cụ thể như thế. Bởi đó là vẻ đẹp thường ngày. Cần phải quan tâm hơn đến con em chúng ta. Việc uốn nắn các em phải bắt đầu từ những việc cụ thể, trong đó có cả việc rèn từng nét chữ. Đời sống càng văn minh hiện đại lại càng phải chú ý đến những việc tưởng như là rất nhỏ nhặt. Phải xem việc viết chữ xấu của học sinh cũng là việc cần chú ý uốn nắn, chấn chỉnh. Nếu không, e rằng sẽ đến ngày, con em chúng ta không còn biết viết nữa. Lúc ấy, học trò chỉ còn thành thạo mỗi một thao tác, là bấm ngón tay xuống bàn phím. Điều ấy ai dám bảo không phải là một thảm hoạ?.

Theo Trần Đăng Khoa
VOV Online