Tham vấn tâm lý cho học sinh: Còn nhiều vướng mắc
Theo đề tài khoa học "Stress học đường và ảnh hưởng của nó đến tâm lý học sinh cuối cấp THPT" do Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ (ĐHQGHN) thực hiện, tỷ lệ học sinh THPT gặp khó khăn do áp lực thi cử, kỳ vọng của gia đình, nhận thức về hình ảnh bản thân khá lớn.
Học sinh e ngại
49,2% số học sinh (HS) được hỏi cho biết các em gặp khó khăn liên quan tới áp lực học tập, thi cử; 30,8% liên quan đến những kỳ vọng của gia đình và 43,1% liên quan đến những căng thẳng trong nhận thức về hình ảnh của bản thân. Các em rất cần được nghe những lời tư vấn của chuyên gia tâm lý để có thể tự mình vượt qua khó khăn. Nhưng, theo TS Lê Thị Minh Loan, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), hoạt động tham vấn tâm lý cho HS ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài. Các hoạt động tham vấn chủ yếu mới chỉ liên quan đến sức khỏe, tình yêu, hôn nhân, gia đình, pháp luật. Năm 1984, Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý NT được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thành lập trở thành nơi đầu tiên thực hành, phát triển nghề tham vấn, trong đó có lĩnh vực tâm lý trẻ em. Đến mãi cuối những năm 90 của thế kỷ XX mới xuất hiện nhiều trung tâm tham vấn tâm lý.
Tuy nhiên, trong các trường có phòng tham vấn tâm lý, mức độ tiếp cận với hoạt động này của HS còn khá khiêm tốn. Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học "Nghiên cứu mô hình tham vấn trên thế giới và đề xuất mô hình tham vấn ở Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ thực hiện cho thấy chỉ có 0,3% HS thường xuyên đến phòng tham vấn, số chưa bao giờ đến chiếm 93,5%. Vì sao có nhu cầu mà HS lại không tìm đến chuyên gia tâm lý? Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, HS ít đến phòng tham vấn là vì chưa dám đối diện với khó khăn, không thừa nhận mình đang gặp vấn đề về mặt tâm lý; e ngại các bạn khác nghĩ rằng mình bị "thần kinh". Một lý do khác cũng được chỉ ra là thói quen ít chia sẻ. Sự khép kín trong các mối quan hệ giao tiếp, đặc biệt là với người lạ cũng như sự ngại ngùng giãi bày với những người không quen làm cho công tác tham vấn tâm lý trở nên khó khăn.
Năng lực hạn chế
Ở Việt Nam hiện chưa có cơ sở đào tạo nhà tham vấn cho các trường học. Trong những cơ sở đào tạo tâm lý, mới chỉ một số nơi có môn học về tham vấn. Đa số người làm công tác tham vấn chỉ học qua các khóa đào tạo ngắn hạn, sau đó vừa làm việc vừa đúc rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và tự trau dồi kiến thức. Thực tế ở một số trường, người có chuyên môn về giáo dục, hay chuyên ngành khác cũng làm tham vấn tâm lý. Trong khi đó, theo TS Lê Thị Minh Loan, trên thế giới, để trở thành nhà tham vấn tối thiểu phải có bằng thạc sĩ và trải qua khoảng 600 giờ thực hành có giám sát. Ở Pháp, để có chức danh nhà tham vấn tâm lý và được hành nghề phải học 4 năm đại học, sau đó học 2 năm thạc sĩ nghề mới được cấp chứng chỉ. Ngay cả người học thạc sĩ lý thuyết cũng không được phép hành nghề. Tham vấn tâm lý là một nghề có yêu cầu cao về tố chất con người, nhất là có sự nhạy cảm, nhưng nếu không được đào tạo chuyên nghiệp sẽ mắc lỗi về chuyên môn, làm việc dựa trên cảm tính, mang tính giúp đỡ thông thường.
Nhận thức của nhà trường và xã hội về tầm quan trọng của công tác này và vị trí, vai trò, chức năng của phòng tham vấn tâm lý hiện cũng chưa đầy đủ. Đa số trường THPT hiện nay đều chưa có phòng tham vấn tâm lý, một số ít đã tổ chức mô hình này thì hoạt động mới mang tính thử nghiệm, lẻ tẻ, chưa có quy định cụ thể và thống nhất về việc thành lập phòng tham vấn tâm lý cũng như quản lý, giám sát hoạt động tham vấn. Ngay đến tên gọi cũng rất khác nhau, nơi gọi là phòng "tham vấn tâm lý", nơi khác là phòng "tham vấn học đường", có nơi là phòng "tư vấn hướng nghiệp"… Vì chưa coi trọng đúng mức nên sự đầu tư nguồn nhân lực và tài chính hoạt động này còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ các phòng tham vấn tâm lý đều rất mỏng, có nơi chỉ có một người và phải kiêm nhiệm; cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí có nơi bố trí chung với các phòng chức năng khác, hoặc đặt ở nơi có nhiều người qua lại, trong khi phòng tham vấn tâm lý đòi hỏi phải có không gian gần gũi, ấm cúng, riêng tư và bí mật để HS đến chia sẻ.
Tham vấn, trợ giúp về mặt tâm lý của học sinh THPT là nhu cầu chính đáng và cần được đáp ứng. Để hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi lệch chuẩn, thậm chí cả việc tìm đến hành động tiêu cực của HS, theo TS Lê Thị Minh Loan, điều cần nhất hiện nay là nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động tham vấn tâm lý, từ đó có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác này.