Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Đừng kén việc vì có bằng cấp

Là thạc sĩ, cử nhân mà chăn vịt, thả gà… có sao đâu, khi đó là công việc chân chính, có ích cho gia đình và xã hội.

Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp, ngoài chuyện “chảnh” không muốn làm các việc phổ thông vì đã có bằng cấp cao thì nhiều người rất muốn làm việc nhưng còn có tâm lý “ngại”. Họ sợ mang tiếng có bằng cấp mà phải làm những việc không phù hợp. Nhiều người chia sẻ do gia đình, họ hàng đặt quá nhiều hy vọng vào mình nên không thể đi làm những việc khác được. Vượt qua được suy nghĩ này, nhiều người sẽ tự giải thoát được cho mình.

thac si, cu nhan that nghiep: dung ken viec vi co bang cap hinh 0

 

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà (sinh năm 1983) ở thị trấn Văn Giang (Văn Giang-Hưng Yên) chọn  làm giàu bằng cách về quê chăn nuôi lợn.

Thực tế, đã có nhiều cử nhân, thạc sĩ giấu bằng cấp của mình đi để làm công nhân hoặc làm những việc không đúng với chuyên môn, ngành đào tạo của mình.

“Lý thuyết thì màu xám”, 4 năm học đại học, 2 năm thạc sĩ, các em chỉ được tiếp cận với lý thuyết suông. Nhìn vào đội ngũ giảng viên trong các trường đại học hiện nay thì thấy, nhiều người không có thực tế, ra trường thì ở lại, rồi học tiếp đến tiến sĩ… nhưng kinh nghiệm thực tế rất mỏng, không có. Chính vì thế, sản phẩm họ đào tạo ra là những sinh viên lơ ngơ, muốn dùng thì phải đào tạo lại. Nhiều em tốt nghiệp đại học, đi thử việc rồi mà kỹ năng sống rất “buồn cười”. Đến cơ quan đơn giản một câu chào cũng khó cất lên. Cả thời gian học việc thì chỉ đâu đánh đấy, chưa kể chỉ toàn làm hỏng; không có bất kỳ đề xuất nào; cơ quan có liên hoan thì chỉ biết dự còn không biết dọn dẹp cùng những người khác… đến mức tạo sự khó chịu cho những người xung quanh.

Vì sao lại có tình trạng này? Chính sự nuông chiều, đặt niềm tin thái quá của các bậc phụ huynh vào các em nên họ đã tạo ra những đứa con chỉ biết hưởng thụ, viển vông về một tương lai xán lạn mà không muốn mất mồ hôi công sức. Các em không muốn lăn lộn, không muốn “động chân, động tay”, và có thể nói là “lười lao động”, chỉ muốn hưởng thụ.

Trường cao đẳng, đại học mở ra ở khắp nơi, điều này có nghĩa mở ra nhiều lựa chọn cho các em thí sinh. Nhưng cũng giống như đi vào trong một khu chợ, đứng trước bao nhiêu mặt hàng, bạn chỉ nên chọn thứ nào phù hợp với mình và hãy là người tiêu dùng thông thái. Chọn trường, chọn nghề cũng vậy. Nếu thấy khả năng của mình không học cao, học rộng được thì nên dừng, đừng “cố đấm ăn xôi” chỉ “béo” mấy ông mở ra trường lớp mà thôi. Các cơ quan chuyên môn cần đưa ra thống kê cụ thể con số thất nghiệp ở nhóm ngành nào, trường nào (công lập hay dân lập) là nhiều nhất để định hướng cho sự lựa chọn trường lớp của các em.

Hạnh phúc nhất với mỗi người là được làm những việc theo đúng chuyên môn, sở thích của mình. Nhưng việc chọn nghề nhiều khi đâu phải do sở thích mà còn do cha mẹ lựa chọn. Chọn trường khi mới 17-18 tuổi thì sao có đủ trải nghiệm để biết sau này ra trường mình sẽ làm gì. Các em chỉ nhìn vào những chiêu PR của các trường để nuôi ước mơ sẽ vào một trường nào đó rất thời thượng cho bằng chúng, bằng bạn và để cha mẹ vui lòng. Rồi ra trường lại chỉ chăm chăm muốn ở lại thành phố. Đơn cử như ngành y, mỗi năm đào tạo ra hàng ngàn y, bác sĩ nhưng chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Các thành phố lớn thì quá tải, thừa chỉ tiêu, còn các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì không kiếm nổi người làm. Thậm chí, các bạn học cử tuyển cũng tìm cách để ở lại thành phố. Lý do thì có nhiều nhưng một phần do cách giáo dục, nhìn nhận cuộc sống của các em.

Không biết có quá chủ quan khi đưa ra nhận xét này hay không, nhưng ở phía Nam có vẻ như các bạn trẻ dễ thích nghi với các loại công việc hơn phía Bắc. Trong quá trình đi công tác, tìm hiểu, tôi đã gặp nhiều bạn tốt nghiệp đại học, thạc sĩ (thậm chí ở nước ngoài về) nhưng vẫn lăn lộn nuôi tôm, nuôi cá, làm vườn… và đã trưởng thành. Nhiều người nắm trong tay lưng vốn hàng chục tỷ đồng khi tuổi đời mới trên dưới 30. Ở ngoài Bắc cũng có những bạn trẻ như thế nhưng rất hiếm. Tất nhiên, nhiều điều kiện ở các tỉnh phía Nam khác với phía Bắc nhưng sự lăn lộn, chịu khó thì ở đâu cũng cần.

Đành rằng có việc làm vẫn hơn là thất nghiệp và thực trạng thất nghiệp hay phải làm trái ngành, trái nghề không thể nói là bình thường vì nó gây lãng phí lớn cho xã hội, làm thụt lùi sự phát triển. Như nhiều bạn đọc đã chia sẻ với VOV.VN thì đây là “lỗi hệ thống” nên cần có những giải pháp cụ thể chấn chỉnh tình trạng mất cân đối trong đào tạo và sử dụng nhân lực cho đất nước./.

Theo VOV

 

Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Đừng kén việc vì có bằng cấp - 2