Thả lỏng tiếng Anh mầm non
Dạy và học tiếng Anh trong các trường mầm non tại TPHCM hiện mạnh ai nấy làm do các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không rõ ràng, lúc cấm lúc không.
Bà Chung Bích Phượng, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phụ trách mầm non (MN) quận Tân Phú, cho rằng hơn 10 năm qua, toàn quận chỉ có 2 trường MN tổ chức được việc dạy tiếng Anh nhưng cũng chỉ dừng lại ở hoạt động vui chơi ngoại khóa. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lúc cấm, lúc cho phép khiến các trường không dám triển khai vì sợ rủi ro.
Học càng sớm càng tốt
ThS Lê Thị Liên Hoan - nguyên Phó Phòng Giáo dục MN, Sở GD-ĐT TP HCM - cho biết trước đây, nhiều ý kiến không tán thành việc cho trẻ học ngoại ngữ từ bậc MN vì quan niệm phải nói tốt tiếng mẹ đẻ. Ngày xưa gọi là học tiếng nước ngoài trong khi bây giờ là ngôn ngữ thứ 2, hai tên gọi này hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục cho rằng học sớm ngôn ngữ thứ 2 không ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, ngược lại giúp trẻ tập trung chú ý tốt hơn trong khi học so với trẻ chỉ biết tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, ngôn ngữ thứ 2 hỗ trợ tiếng mẹ đẻ hình thành và phát triển tốt nếu được giới thiệu sớm và bằng phương pháp phù hợp. Việc học ngoại ngữ giúp trẻ diễn đạt tiếng mẹ đẻ đúng ngữ pháp, rõ ràng, mạch lạc hơn.
Nhiều lợi ích khác mà trẻ có được khi học song ngữ cũng đã được công bố như phát triển tốt hơn về kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp linh hoạt và tâm thế tự tin, kỹ năng phát âm tốt hơn. Khả năng quan sát đối chiếu, so sánh linh hoạt do trẻ luôn chuyển dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ kia bởi vì từ lúc mới sinh tới 6 tuổi là giai đoạn thích hợp nhất cho việc học song ngữ.
TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM - cho biết: Hiện nay có nhiều phương pháp dạy tiếng Anh mà phụ huynh muốn cho trẻ học. Chủ yếu là 3 cách: Cho học tiếng mẹ đẻ trước rồi học tiếng Anh, cũng có phụ huynh cho học tiếng Anh trước với mong muốn cho con mình nói tiếng Anh như “gió” bằng cách gửi con vào các trường quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ. Cách thứ ba là học song ngữ vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt. Phương pháp này được nhiều phụ huynh lựa chọn hơn. Có thể ở giai đoạn non nớt, trẻ không phân biệt được tiếng nào tiếng chính, tiếng nào tiếng phụ. Thậm chí có thể lẫn lộn nhưng chỉ trong một giai đoạn, sau này trẻ sẽ tự phân biệt được tùy vào mục tiêu của phụ huynh. Nhưng dù là phương pháp nào thì việc cho trẻ tiếp cận với ngoại ngữ càng sớm càng tốt.
Dạy theo kiểu tự phát
Có nhiều lợi ích của việc học tiếng Anh sớm nhưng hiện nay, nhiều trường MN lại không dám triển khai. Bà Chung Bích Phượng cho biết tại quận Tân Phú chỉ có Trường MN Nhiêu Lộc và MN Thủy Tiên là duy trì được hoạt động dạy tiếng Anh. Phòng GD-ĐT có chủ trương trường nào có điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và dựa theo nhu cầu phụ huynh thì cứ mạnh dạn tổ chức. Tuy nhiên, không có trường MN nào mới đăng ký. “Lý do các trường ngại triển khai là vì nếu có chuyện gì xảy ra thì hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm bởi thực tế trước đó, bộ thả nổi cho các trường tự dạy, tự hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ. Sau đó lại cấm rồi lại cho phép” - bà Phượng nói.
Tại nhiều quận, huyện khác, việc dạy tiếng Anh lại diễn ra theo hình thức tự phát, các trường tự hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ. Sở GD-ĐT TP HCM chỉ quản lý về giấy phép hoạt động của trung tâm đó, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên tham gia giảng dạy. Chính vì không phải là chương trình chính quy nên mạnh trường nào trường đó thực hiện. Chẳng hạn, tại quận 3, có 20/21 trường MN công lập tổ chức dạy ngoại ngữ nhưng lựa chọn đơn vị nào liên kết thì tùy mỗi trường. Đơn cử, Trường MN Hoa Mai chọn liên kết với Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Sài Gòn Aston với học phí 140.000 đồng/tháng theo nguyên tắc phụ huynh tham gia tự nguyện. Trong khi đó, Trường MN Tuổi Thơ 7 lại chọn liên kết với CEC để giảng dạy cho 2 lớp chồi và lá, học phí 60.000 đồng/tháng. Còn tại quận Tân Bình, Trường MN quận Tân Bình chọn chương trình của Poly.
Hiệu trưởng một trường MN tại quận 7 cho biết trước đây, trường có hợp đồng với trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh cho trẻ. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai rất phức tạp vì giáo viên của trung tâm không thể tự mình tổ chức một lớp học, không có kinh nghiệm quản lý trẻ MN, vì thế lại phải có thêm giáo viên của trường hỗ trợ. Mức thù lao chi trả không biết lấy từ đâu vì chỉ thỏa thuận với phụ huynh trả tiền cho giáo viên tiếng Anh nên triển khai được một năm thì dừng lại.
Giáo viên phải chuẩn Bà Chung Bích Phượng cho rằng lý do chính không thể triển khai được việc dạy tiếng Anh MN vì giáo viên hiện nay vừa thiếu vừa yếu, không có kinh nghiệm. Trong khi đặc thù của MN là giáo viên phải túc trực ở trường cả ngày. Nếu không có sự phân công nhân sự hợp lý thì sẽ bất bình đẳng giữa các giáo viên dạy tiếng Anh với những giáo viên dạy chính khóa. Đó là chưa kể, có những giáo viên giỏi tiếng Anh nhưng chưa chắc có nghiệp vụ sư phạm tốt. “Lứa tuổi MN đang là giai đoạn sơ khai hình thành nhân cách, tâm lý vì thế buộc người dạy phải chuẩn để không gây hại cho trẻ. Mọi sự thả lỏng, phó mặc việc dạy trong trường đều không nên” - bà Phượng đúc kết. |
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động