Tết giáo viên vùng khó: Không màng "chia lớn, thưởng khủng"

Hơn ai hết, đội ngũ giáo viên vùng khó luôn thấu hiểu công việc mình đang làm và quen với những điều bình dị trong cuộc sống.

Với họ, Tết mang "nặng" giá trị tinh thần, cùng động viên nhau vượt qua thử thách… chứ không màng "chia lớn, thưởng khủng". 

Tết giáo viên vùng khó: Không màng chia lớn, thưởng khủng - 1

Liên hoan tất niên của GV, HS Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà - Lào Cai). Ảnh: NTCC

Tết của giá trị tinh thần 

Ở bất kỳ cơ quan, ngành nghề nào, mỗi dịp Tết đến xuân về người lao động luôn có tâm lý hồi hộp ngóng chờ vào những khoản lương thưởng. Còn với nhà giáo, đặc biệt giáo viên vùng khó, Tết của họ luôn vậy: Nhẹ vật chất, nặng tinh thần.

Thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) chia sẻ: Khái niệm thưởng Tết không có trong suy nghĩ của giáo viên vùng cao.

Nhà trường thuộc diện hành chính sự nghiệp. Ngân sách cấp cho giáo dục hàng năm có hạn, khoản chi nào cũng có kế hoạch và được tính toán, cân nhắc kĩ càng. Không có nguồn thu, cũng không dư dôi khoản nào lấy đâu nguồn để chia hay thưởng. 

Thầy Từ Viết Bình - Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) cho biết: Năm nào nhà trường, Công đoàn cũng cố gắng động viên tinh thần mỗi thầy cô 1 gói quà nhỏ khoảng 500.000 đồng. Từ hiệu trưởng đến nhân viên bảo vệ như nhau.

Kinh phí mua quà cũng là tiền anh em đóng góp quỹ Công đoàn trong năm, cuối năm trích ra thưởng. Quà Tết cho giáo viên không có giá trị vật chất nhiều. Khái niệm "thưởng Tết" vẫn xa xỉ với nhà giáo vùng khó. Ai cũng hiểu đặc thù nghề nghiệp nên bằng lòng chấp nhận chứ không lấy đó làm buồn phiền.

Cô Hoàng Thị Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường MN Y Tý, Bát Xát, Lào Cai) cũng chia sẻ: Quà Tết nhà trường lo cho giáo viên hàng năm thường là túi quà nhỏ, trong đó có mứt tết, bánh kẹo… với mức chi không quá 500.000 đồng/suất. Ngoài ra, Công đoàn trường "lì xì" thêm cho giáo viên mỗi người 100.000 đồng gọi là động viên, vui vẻ, lấy may.

Theo bà Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT Bát Xát, gần  100% trường tự chủ về tài chính. Do vậy, lo thưởng cho giáo viên dịp Tết các trường phải tự cân đối từ nguồn tiết kiệm chi trong năm. Trường nào tiết kiệm được nhiều thì chi nhiều, ít thì chi ít, hết không có để chia.

Về phía phòng GD&ĐT vẫn tăng cường vận động các tổ chức, xác hội hỗ trợ thêm cho giáo viên dịp Tết. Tuy nhiên nguồn hỗ trợ này không chắc chắn, tùy thuộc theo sự hảo tâm của các cá nhân, đơn vị. Và không phải năm nào cũng huy động được kinh phí.  

Lãnh đạo của đa số trường vùng khó đều cho rằng chưa tới Tết đã trăn trở, tìm nhiều cách lo sắm quà Tết cho giáo viên, nhân viên dù những món quà đó chỉ mang tính chất động viên tinh thần người lao động. Giá trị quà có thể chỉ là chai nước mắm, túi mì chính, gói bánh, hộp mứt nhỏ… nhưng cũng không phải là "bài toán" dễ dàng. 

"Xây trường lớp, ủng hộ học sinh nghèo tới trường, giúp thầy cô giáo hoàn cảnh đặc biệt… thực hiện xã hội hóa còn khả thi chứ thưởng Tết giáo viên rất khó hô hào.

Chính vì vậy, Ban giám  hiệu, Công đoàn trường chỉ biết cố gắng làm tốt nhất công tác động viên và chia sẻ cùng giáo viên về tinh thần, chút vật chất nhỏ bé trong phạm vi, khả năng có thể…" - thầy Hà Trần Hồng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) tâm tư.

Một điều chung dễ nhận thấy với đội ngũ giáo viên vùng khó là càng gần Tết càng vất vả để duy trì sĩ số học sinh. Chẳng còn mấy giáo viên, hồi hộp hay thắc mắc Tết này được thưởng bao nhiêu, tăng hay kém năm trước?…

Theo chia sẻ của nhiều thầy cô, mấy chục năm gắn bó với nghề, họ chưa từng biết tới thưởng Tết. Nhưng họ quen và coi đó như điều hiển nhiên. Có thì vui, động viên tinh thần nhiều hơn. Không có cũng chẳng ưu phiền hoặc vì thế chán nghề, bỏ nghiệp. Trong khó khăn họ vẫn vững lòng với nghề nghiệp mình đã chọn.  

Tết giáo viên vùng khó: Không màng chia lớn, thưởng khủng - 2

Giáo viên hướng dẫn học sinh trải nghiệm gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Tết của tình đồng nghiệp, thầy trò 

Không có nguồn vật chất dồi dào để chia, thưởng nhưng các trường vùng khó đều cố gắng tận dụng mọi nguồn chi để tổ chức một số hoạt động liên hoan tất niên động viên tinh thần thầy cô, học sinh trước khi về nghỉ Tết. 

Thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) hồ hởi cho biết: Tận dụng nguồn cơm canh thừa hàng ngày của HS bán trú, giáo viên và học sinh cùng nuôi lợn, gà. Mặt khác, giáo viên tự trồng rau xanh quanh năm. 

Đến gần Tết, học sinh hái lá dong rừng về gói bánh chưng, lợn gà trong chuồng có sẵn nhà bếp sẽ chế biến thành các món ăn để thầy trò cùng liên hoan tất niên. Động viên bằng tinh thần khiến thầy cô, học trò đều vui vẻ, phấn khởi, cảm nhận sự quan tâm của nhà trường, tình cảm thầy trò, đồng nghiệp ấm áp. 

Tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), do diện tích mặt bằng không đủ để nuôi trồng nên nhà trường giao lại số cơm canh thừa hàng ngày của học sinh bán trú cho người dân nuôi lợn.

Dịp cuối năm, nhà trường được "lại quả" bằng 1 chú lợn nặng 1 tạ để toàn trường liên hoan. Thực phẩm có sẵn, một phần được các thầy cô chế biến thành món ăn, một phần nhà trường mua thêm gạo, đỗ xanh để học sinh được trải nghiệm gói bánh chưng. Cùng nhau bên mâm cơm cuối năm, đàn hát, văn nghệ… thế là thày- trò có cái Tết vui vẻ, ấm áp.

Có thể thấy, bù đắp cho giáo viên, học sinh để tinh thần thêm phấn khởi vào mỗi dịp Tết đến xuân về luôn là mong muốn của lãnh đạo các nhà trường. Tuy nhiên tất cả đều căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế để tổ chức. Dẫu theo cách thức nào, cũng cốt để giáo viên, học sinh cảm nhận giá trị tinh thần ngày Tết.

Đời sống giáo viên nói chung còn nhiều khó khăn, việc thưởng Tết bằng giá trị vật chất lớn nằm ngoài khả năng, suy nghĩ hành động của các nhà trường.
Do vậy, Tết của giáo viên vùng khó vẫn giản dị, mộc mạc như chính nghề nghiệp, cuộc sống của họ. Họ là những người quanh năm chỉ biết cặm cụi chở đò tri thức đến với học sinh mà không quản ngại gian khó. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm