Tập trung nguồn lực thế nào để “săn” học bổng cao học Mỹ?

(Dân trí) - Theo anh Nguyễn Tiến Cương, một trong những lợi thế của ứng viên Việt Nam là trải qua chương trình Toán cấp 3 quá khó và do đó, chúng ta có thể tận dụng điểm mạnh này để đạt điểm cao ở bài thi Định lượng (Quantitative) trong kỳ thi chuẩn hóa GRE (Graduate Record Examinations).

Cố gắng đạt điểm Toán cao trong bài thi GRE

Anh Nguyễn Tiến Cương - Điều phối viên dự án của Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF, người trực tiếp đánh giá hồ sơ và phỏng vấn hàng trăm thí sinh để chọn ra những ứng viên cuối cùng được nhận học bổng danh giá đến Hoa Kỳ có những chia sẻ tỉ mỉ về cách xây dựng bộ hồ sơ mạnh để apply học bổng cao học tại Mỹ trong hội thảo tư vấn du học sau đại học mang tên “You can do it” do USGuide tổ chức vừa qua.

Không thể nào được quyền lựa chọn nếu profile (bộ hồ sơ) quá yếu. Hồ sơ xin học bổng cao học nhìn chung không khác quá nhiều so với bậc đại học, chỉ có điều ứng viên sẽ phải hoàn thành một kỳ thi chuẩn hóa mang tên GRE.

GRE là từ viết tắt của Graduate Record Examinations, là một trong những kỳ thi nổi tiếng nhất được thiết kế để giúp các chương trình cao học (Thạc sỹ và Tiến sỹ) và học bổng của các trường đại học Hoa Kỳ đánh giá chất lượng thí sinh. Cũng như các kỳ thi GMAT, TOEFL, TOEIC,... kỳ thi GRE do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service – ETS) thiết kế và tổ chức.

Các bài thi GRE bao gồm bài thi GRE – General Test, được gọi là GRE tổng quát, và 8 bài thi GRE – Subject Tests, được gọi là GRE chuyên ngành. Trong số các bài thi này, bài thi GRE tổng quát là phổ biến nhất.

Bài thi GRE tổng quát (General Test) đánh giá các kỹ năng lập luận bằng Ngôn ngữ (Verbal), Định lượng (Quantitative) và Viết phân tích (Analytical Writing) mà thí sinh đã có được sau một quá trình công tác và học tập lâu dài và không nhất thiết liên quan đến một chuyên ngành cụ thể nào. Thí sinh dự thi GRE sẽ nhận một bảng điểm đánh giá mỗi kỹ năng đó.


Anh Nguyễn Tiến Cương – Điều phối viên dự án Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm chinh phục học bổng bậc cao học tại Mỹ tại hội thảo “You can do it” tại Hà Nội.

Anh Nguyễn Tiến Cương – Điều phối viên dự án Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF chia sẻ chi tiết về kinh nghiệm chinh phục học bổng bậc cao học tại Mỹ tại hội thảo “You can do it” tại Hà Nội.

Bằng kinh nghiệm của mình, anh Nguyễn Tiến Cương khuyên các ứng viên Việt nên tập trung đầu tư vào bài thi Toán – Định lượng (Quantitative), bởi thế mạnh của chúng ta là có chương trình Toán cấp 3 khó. Mặc dù bài thi Toán trong kỳ thi GRE của Mỹ được thiết kế cho trình độ sau đại học nhưng mức độ khó chỉ tương đương Toán trình độ cấp 3 tại Việt Nam. Vì thế, các bạn có thể tập trung nguồn lực để đạt điểm Toán cao và thực tế, nhà tuyển sinh Mỹ đánh giá rất cao các ứng viên có tư duy Toán học tốt. Nhiều giáo sư thường nhìn vào điểm Toán đầu tiên trong 3 điểm số của bài thi GRE. Đối với bài thi Ngôn ngữ (Verbal), anh Cương cho rằng chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian nhưng cũng không nên để điểm quá thấp.

Một bộ hồ sơ yếu, mà trước tiên là yếu về mặt điểm số sẽ khiến bạn mất đi quyền lựa chọn của bản thân. Do đó, anh Cương nhấn mạnh, đối với bộ hồ sơ sau đại học, ứng viên phải đảm bảo điểm GPA ít nhất từ 7/10 hoặc 3/4,0, các điểm GMAT, TOEFL, TOEIC cũng phải đạt ở mức “an toàn”.

Chuẩn bị càng sớm càng tốt

Bộ hồ sơ mạnh không thể được xây dựng trong “ngày một, ngày hai”, với nguyên tắc này, sinh viên nên tìm hiểu và chuẩn bị từ năm nhất, năm hai đại học. Chuẩn bị càng sớm, bạn càng có nhiều thời gian để đầu tư các nguồn lực. Không ít trường hợp các bạn trẻ năm 3, năm 4 mới biết thông tin về học bổng và phải “vắt chân lên cổ” để làm hồ sơ cho kịp và nhiều khi điểm số của năm thứ nhất, thứ hai không đủ cao như mong muốn.

“Việc bắt đầu sớm giúp bạn chuẩn bị điểm số tốt. Nếu không chú ý từ đầu, điểm số bị kéo tụt xuống quá và thời gian còn lại quá gấp, không đủ để kéo trung bình trung lên thì rất khó. Cố tập trung vào các môn chuyên ngành của mình để đạt điểm cao và không để những môn khó nhằn kéo điểm trung bình xuống quá thấp vì nhìn vào tổng thể sẽ không tốt”, anh Nguyễn Tiến Cương lưu ý.

Ngoài ra, ứng viên cũng nên chuẩn bị tinh thần để giải thích (nếu có cơ hội) với hội đồng tuyển sinh nếu bạn có điểm trung bình trung khá tồi nhưng điểm chuyên ngành rất tốt. Chẳng hạn: “Trông điểm trung bình của tôi là 7.5 thôi nhưng tổng điểm các môn chuyên ngành của tôi đạt ở mức hơn 9 phẩy đấy”…

Chuẩn bị sớm không chỉ giúp bạn có một bảng điểm đủ tốt mà còn có thời gian tập trung xây dựng cá tính và hình ảnh con người (ngoài học tập).

Lưu giữ thật kỹ và thật đầy đủ tất cả hoạt động mà chúng ta tham gia. Nếu bạn làm tình nguyện, có bằng khen, giải thưởng nào thì phải lưu giữ chúng; có vài hình ảnh, tư liệu thì càng tuyệt... Những bài báo, hình ảnh, bức tranh về bạn sẽ là tư liệu hỗ trợ bạn xây dựng toàn cảnh chân dung mình bên cạnh yếu tố học tập.

Về lịch sử làm việc, ứng viên cần liệt kê các đầu việc đã làm theo thứ tự gần nhất cho đến xa nhất. Các công việc tốt nhất, những gì đã làm, tác động và tiềm năng của công việc đó. Anh Cương nhấn mạnh, ở phần này ứng viên không nên nêu chung chung mà phải chú ý đến “impact” (sức ảnh hưởng) của công việc bản thân làm một cách chi tiết. Chẳng hạn, bằng việc đưa ra một thuật toán mới, bạn đã giúp lượng người sử dụng mạng của công ty tăng lên 50% trong vòng 6 tháng…

Thư giới thiệu từ ai sẽ mang hiệu quả cao nhất?

Ai có thể viết thư giới thiệu hiệu quả nhất? Đó là một giáo viên bình thường hay một thầy trưởng khoa, một giáo sư nổi tiếng trong ngành?

Bằng kinh nghiệm cá nhân, anh Cương khẳng định, những người có danh tiếng sẽ giúp bạn gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Tuy nhiên, điều đó rất có thể trở nên vô nghĩa nếu giáo sư nổi tiếng kia không phải là người hiểu về bạn, đã làm việc với bạn trong thời gian đủ dài.

“Các trường bên Mỹ quan tâm nhất ai là người theo sát tiến trình học của các bạn, nắm rõ nhất sự chuyển biến của bạn từ năm thứ nhất đến năm thứ 4 chứ không phải ai là người có chức danh cao nhất. Ông hiệu trưởng nhiều khi không biết bạn là ai, ông có thể viết thư theo nhờ vả nào đó nhưng lá thư này nhiều khi không giá trị bằng người trực tiếp làm việc với bạn trong thời gian dài”, anh Cương chia sẻ.

Một điểm hết sức lưu ý là các thầy cô ở Việt Nam có thói quen khá xấu khi yêu cầu sinh viết luôn thư giới thiệu sau đó đọc lại rồi “kí roẹt”. Điều này cần tránh vì hội đồng tuyển sinh tinh tường sẽ dễ dàng phát hiện.

Có sự khác biệt và mũi nhọn

Bài luận cá nhân là điểm khác biệt giữa hồ sơ của bạn với hàng nghìn hồ sơ khác. Nó phải thể hiện được cái gì ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp, lựa chọn con đường của bạn, mối quan tâm, ước mơ nguyện vọng và dự định của bạn trong tương lai.

Các thông tin khác về giải thưởng hay sự công nhận với hoạt động của bạn sẽ giúp hồ sơ thuyết phục và trở nên ấn tượng. Các trường ở Mỹ khi tìm kiếm ứng viên luôn nhấn mạnh 2 yếu tố: sự đa dạng (khắp nơi thế giới), sự toàn diện (không chỉ biết học, có thành tích mà còn ở các yếu tố khác, sự đóng góp cho cộng đồng)… Do đó, lời khuyên của điều phố viên dự án Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF là tập trung xây dựng mũi nhọn (điểm gây ấn tượng) cho con người mình. Bởi nhiều khả năng trong cuộc phỏng vấn trực tiếp, giám khảo sẽ hỏi một câu dạng: Điều gì bạn mạnh nhất, khiến bạn tin là gây ấn tượng nhất với chúng tôi?

Và quan trọng xuyên suốt quá trình chinh phục học bổng cao học, ứng viên cần giữ cho mình tinh thần đam mê, nhiệt huyết ở mức cao nhất. Tránh tình trạng “khi đến nghe các hội thảo truyền lửa du học thì khí thế lên cao ngất nhưng chỉ sau đó một tuần, một tháng thì mức năng lượng cứ giảm dần cùng các khó khăn thực tế… Kinh nghiệm của anh Cương là bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, định hướng từ alumni (những người đi trước) cũng như những cộng đồng nhỏ cùng chí hướng với mình để cảm thấy bản thân không lạc lõng, cô đơn.

Lệ Thu