“Lội ngược dòng” vào ĐH Mỹ khi hồ sơ có nhiều điểm “chết”

(Dân trí) - Nếu bạn thuộc nhóm có hồ sơ toàn diện (điểm chuẩn hóa cao, nhiều thành tích và hoạt động ngoại khóa), giám khảo tuyển sinh ĐH ở Mỹ sẽ đặt câu hỏi “Có ai phản đối ứng viên không?” để tìm phiếu loại bỏ.

“Lội ngược dòng” vào ĐH Mỹ khi hồ sơ có nhiều điểm “chết”

Còn đối với nhóm ứng viên có nhiều điểm “chết” trong hồ sơ (điểm SAT, GPA thấp; ít các hoạt động xã hội; không có nhiều giải thưởng…) thì hội đồng giám khảo sẽ đặt câu hỏi “Có ai ủng hộ ủng viên này không” để tìm ra điểm đặc biệt để tìm phiếu cơ hội cho thí sinh.

Đó là “bật mí” từ Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung – chàng trai 8X từng 12 lần giành học bổng quốc tế danh giá. Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại ĐH Harvard, anh Trung hiện là nghiên cứu sinh và trợ giảng tại trường kinh doanh HEC Paris.

Tại buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện “Đi để lớn” diễn ra tại Hà Nội do tổ chức phi lợi nhuận Edutalk Việt Nam phối hợp tổ chức, những tiêu chí chọn và so sánh ứng viên vào ĐH Mỹ được các diễn giả giàu kinh nghiệm chia sẻ.


Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung chia sẻ nhiều lời khuyên hữu ích về cách biến điểm yếu thành điểm mạnh nhằm chinh phục ĐH top của Mỹ.

Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung chia sẻ nhiều lời khuyên hữu ích về cách biến điểm yếu thành điểm mạnh nhằm chinh phục ĐH top của Mỹ.

Theo thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung, hội đồng tuyển sinh ĐH ở Mỹ thường dành câu hỏi riêng cho 2 nhóm ứng viên: nhóm hồ sơ toàn diện và ứng viên có hồ sơ “yếu”.

Nếu học sinh có các điểm số chuẩn hóa cao thì sẽ được giám khảo đặt vào nhóm top và phải cạnh tranh với những ứng viên có điểm SAT ngang mình. Nhóm toàn diện và “không có lí do để từ chối” này sẽ được hội đồng tuyển sinh đặt câu hỏi “có ai phản đối ứng viên không” để bắt lỗi và tìm phiếu loại.

Ngược lại, nếu hồ sơ của bạn dường như tất cả là điểm chết (SAT thấp, không có giải thưởng, thành tích cao) thì nên là nhấn vào đặc biệt, có khả năng gây bất ngờ, ngạc nhiên để được ban giám khảo tìm phiếu “cứu”.

Ví dụ ứng viên từng đi du lịch vòng quanh khắp châu Á, tham gia hoạt động thiện nguyện đặc biệt hoặc có kinh nghiệm sống rất lạ… Đó một ví dụ về cách “lội ngược dòng” để chinh phục ĐH top nước Mỹ.

Lê Phương Anh – cô gái 18 tuổi đã “lội ngược dòng” và bứt phá về đích với suất học bổng lên tới 4,5 tỷ đồng cho 4 năm học tại Đại học Brandeis- trong top 34 trường Đại học hàng đầu toàn nước Mỹ là một ứng viên có điểm SAT thấp. Kinh nghiệm của Phương Anh chính là bù đắp vào điểm yếu bằng điểm mạnh.

Đồng thời, Phương Anh có một mẹo nhỏ khác là nếu điểm SAT thấp thì chọn trường có chính sách không cần SAT hoặc cho ứng viên tùy chọn nộp hay không nộp điểm SAT. Các trường này sẽ xem xét các yếu tố khác của bộ hồ sơ để đánh giá ứng viên nhiều hơn là điểm số.

Diễn giả Trần Đắc Minh Trung ví điểm cao rất tốt nhưng vẫn chỉ là… điểm chết. “Bởi lẽ, điểm số là tài sản của ứng viên, là điều kiện quan trọng trong hồ sơ du học Mỹ nhưng bạn không có cách nào để viết bài luận xoay quanh chuyện điểm số hay giải thích với hội đồng tuyển sinh rằng “tôi đã có điểm cao như thế nào”, diễn giả này giải thích.

Trái lại, những trải nghiệm cuộc sống, hoạt động ngoại khóa lại giúp ứng viên có nhiều cảm hứng và chất liệu tốt có thể phục vụ cho bài luận.


Nữ sinh Lê Phương Anh (giữa) và Nguyễn Thảo Hương (trái) là hai minh chứng thành công khi biết cách khắc phục điểm yếu, nhấn vào điểm mạnh.

Nữ sinh Lê Phương Anh (giữa) và Nguyễn Thảo Hương (trái) là hai minh chứng thành công khi biết cách khắc phục điểm yếu, nhấn vào điểm mạnh.

Nếu hoạt động ngoại khóa của bạn ít ỏi?

Ở Việt Nam cơ hội hoạt động ngoại khóa dường như hạn chế hơn các nước phương Tây, điều này khiến không ít học sinh lo lắng khi chuẩn bị nộp hồ sơ học bổng Mỹ. Tuy nhiên, thạc sĩ Minh Trung lưu ý, học sinh cần phân biệt hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội.

Theo anh Trung, đối với các trường ĐH Mỹ, các hoạt động ngoài giáo trình đi học đều được ghi nhận khi ứng tuyển vào trường. Do vậy, nếu bạn không phải là người hướng ngoại, không có quá nhiều hoạt động xã hội thể hiện qua việc tham gia các tổ chức cộng đồng thì hãy thể hiện các sở thích riêng của chính bản thân bạn mà bạn dành nhiều thời gian cho nó ngoài giờ lên lớp như: âm nhạc, hội họa, truyện tranh, cắt giấy origami… và lồng ghép nó để kể câu chuyện phù hợp với hồ sơ của mình.

“Nếu không có nhiều hoạt động xã hội thì hãy có sở thích riêng để chứng tỏ thời gian bên ngoài lớp học không uổng phí. Đó không chỉ là thú vui đơn thuần mà còn có ích cho sự phát triển của bản thân bạn”, diễn giả Minh Trung nói.

Nữ sinh Lê Phương Anh cũng nhấn mạnh: “Đừng tham gia hoạt động ngoại khóa quá nhiều mà không tâm huyết, nên tập trung vào hoạt động yêu thích và diễn tả hoạt động đó sâu sắc nhất qua bài luận. Chính các hoạt động này sẽ tạo nên màu sắc riêng biệt của bản thân ứng viên ví như đam mê nghệ thuật hay thể thao, hùng biện, lãnh đạo…”

Nguyễn Thảo Hương (cựu học sinh THPT Chuyên Ngữ Hà Nội) vừa giành học bổng đến- Providence College (Top 2 nhóm các trường Đại học hàng đầu khu vực phía Bắc nước Mỹ) là một ứng viên có ít hoạt động xã hội.

Bí quyết để thành công với giấc mơ du học Mỹ của Hương là chọn chuyên ngành phù hợp với cá tính bản thân. Hương chọn ngành khoa học máy tính để ứng tuyển, đây là ngành không đòi hỏi nhiều hoạt động ngoại khóa mà chỉ cần các hoạt động tập trung vào khoa học máy tính. Trong bài luận, Hương thể hiện con người mình qua suy nghĩ về một lần tập bơi.

Tựu chung, diễn giả Trần Đắc Minh Trung khuyên rằng, các hoạt động ngoại khóa phải kể được một câu chuyện liền mạch và hướng ngoại, mục tiêu tạo sự thay đổi thế giới bên ngoài (tác động tích cực đến cộng đồng). Nếu bạn là người ít tham gia hoạt động ngoại khóa thì nên hướng bài luận thể hiện sự nhìn nhận trong việc thay đổi hoàn thiện bản thân.

Đừng để điểm mạnh hóa điểm yếu!

Một lần nữa, anh Trung lại khiến người tham dự bất ngờ khi đề cập tới luận điểm “mạnh hóa yếu” trong việc tham gia hoạt động ngoại khóa. Theo anh Trung, giám khảo tuyển sinh ở Mỹ thường sẽ không biết đến tổ chức bạn tham gia là gì, hoạt động ra sao.

Chẳng hạn, bạn tham gia một tổ chức nhỏ mô phỏng mô hình Liên Hợp Quốc (MUN) rất nổi tiếng ở trường bạn. Bạn biết, thầy cô giáo của bạn biết, thậm chí người dân trong nước bạn biết đến tổ chức nhưng giám khảo ở Mỹ thì không.

Thạc sĩ Minh Trung nhắn rằng, ứng viên nên giải thích là hoạt động đó cụ thể thế nào, khó khăn ra sao, bao nhiêu người đăng ký, bao người trúng tuyển để tham gia, nó rèn luyện kỹ năng nào, quy mô sự kiện bao nhiêu bạn học sinh để qua đó nhấn mạnh độ khó, sự quan trọng, nghiêm túc của hoạt động.

Còn nếu ứng viên nào từng tham gia vào một tổ chức nổi tiếng đến mức các vị giám khảo tuyển sinh ĐH Mỹ biết thì hồ sơ sẽ rất mạnh. Tuy nhiên, nếu không biết cách khai thác, rất có thể nó sẽ phá hỏng cơ hội trúng tuyển của bạn.

Ví dụ bạn xuất sắc và có cơ hội tham gia diễn đàn rất nổi tiếng do ĐH Harvard tổ chức bàn về tình hình Ấn Độ, Trung Đông… nhưng lại chỉ gạch đầu dòng nó trong phần thành tích và hoạt động không đề cập gì đến nó trong bài luận thì có thể bạn sẽ thất bại vì “điểm mạnh hóa yếu”.

Ứng viên có hoạt động mạnh và nổi bật nhưng không đề cập đến thì không chỉ mất cơ hội thể hiện bản thân mà nhiều khả năng còn trở thành điểm yếu khi hội đồng tuyển sinh bắt lỗi để loại.

“Giáo sư sẽ đưa ra lí lẽ phản biện: Tại sao em có quyền lợi và cơ hội rất tốt nhưng lại không trân trọng cơ hội đó. Vậy nếu cho em cơ hội trúng tuyển vào trường, liệu em có trân trọng và khai thác hết được những “tinh túy” của trường không?...”, anh Minh Trung chia sẻ.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm