Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa:

"Tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non"

(Dân trí)- “Xóa trắng” ở vùng “trũng”, thiếu giáo viên và khó khăn huy động trẻ ra lớp là những thách thức của các địa phương trong việc thực hiện đề án phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi. Vậy ngành GD sẽ có những giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu đã đề ra?

Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, lãnh đạo Bộ trực tiếp phụ trách lĩnh vực giáo dục mầm non (GDMN).

Thưa Thứ trưởng, con số thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tính đến 2015, Việt Nam còn thiếu trên 37.000 phòng học cho trẻ mầm non. Hiện tại, cả nước có 130.000 phòng học cho mầm non nhưng phòng học kiên cố chỉ chiếm 37%, bán kiên cố chiếm 42% và tranh tre nứa lá chiếm 21%. Với những khó khăn như vậy thì việc thực hiện đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi sẽ không dễ dàng một chút nào. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2008-2012 với mục tiêu xây dựng 34.504 phòng học cho cấp học mầm non. Kinh phí được trích từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến thời điểm hiện tại đã và đang hoàn thành khoảng 22.700 phòng học cấp mầm non để đưa vào sử dụng.

Thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 thì 11.600 phòng học mới sẽ được xây dựng, đáp ứng đủ phòng học cho các lớp mầm non 5 tuổi, 1.570.000 m2 khối phòng chức năng sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quy định tại Điều lệ trường mầm non; xây dựng 86 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ I cho 86 huyện khó khăn làm mô hình mẫu và là nơi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ về GDMN.

Hiện nay Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành trung ương triển khai xây dựng Dự án hỗ trợ cho GDMN vùng khó khăn từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).
 
"Tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non" - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: "Tôi tin rằng bài toán xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non sẽ dần được giải quyết".

Chính phủ cũng đã ký quyết định ban hành Danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo với một trong những mục tiêu trọng tâm là thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Trên cơ sở các chương trình, đề án, dự án đã được Chính phủ phê duyệt, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các dự án, kế hoạch thực hiện trên địa bàn, nhằm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp học phục vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Với sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành trung ương, sự quyết tâm của các địa phương, tôi tin rằng bài toán xây dựng cơ sở vật chất cho GDMN sẽ dần được giải quyết.

Ở các vùng sâu, vùng xa việc huy động trẻ đến lớp lại là một thử thách đối với ngành giáo dục. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2015, nâng tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi (độ tuổi nhà trẻ) đến nhà trẻ đạt 30%, trẻ 3-5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 75%. Vậy thời gian tới, Bộ GD-ĐT có kế hoạch như thế nào để giải quyết bài toán này?

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền học tập của trẻ em, hàng năm, Bộ GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến trường, lớp. Mục tiêu của Đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 là 95% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 25%, trẻ 3-4 tuổi đến mẫu giáo đạt 70% vào năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ huy động cụ thể giữa các vùng, miền có khác nhau, khu vực thành phố, thị xã, các vùng thuận lợi, tỉ lệ huy động cao hơn; vùng sâu, vùng xa thường thấp hơn.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, đến cuối năm học 2009-2010, tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 21,2%, mẫu giáo 3-5 tuổi đạt 80,9%. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ huy động trẻ vào nhà trẻ đạt 51,1%, mẫu giáo 3-5 tuổi đạt 97,2%. Tỉ lệ này ở các tỉnh miền núi phía Bắc là 20,5% và 87,9%; vùng đồng bằng sông Cửu Long là 6% và 63,2%. Số liệu trên cho thấy, chỉ tiêu huy động trẻ vào nhà trẻ và trẻ mẫu giáo đến trường, lớp vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi.
 
"Tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non" - 2

Việc huy động trẻ đến lớp không phải là bài toán quá khó đối với ngành giáo dục.

Để đạt được mục tiêu của Đề án, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp tích cực như: Trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2015, trong đó có riêng một Dự án hỗ trợ cho GDMN, ưu tiên mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi thực hiện Chương trình GDMN, phục vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; Hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ trẻ em tại các vùng khó khăn như: hỗ trợ bữa ăn trưa, miễn học phí, hỗ trợ chi phí cho trẻ…; Huy động, lồng ghép các nguồn vốn (CTMT, KKH, ODA…) để xây dựng đủ phòng học, trường, lớp công lập ở vùng sâu vùng xa, tạo điều kiện cho các cháu được đến trường, lớp.

Hiện nay chúng ta thiếu rất nhiều giáo viên mầm non trong khi đó số người đầu đơn theo học ngành này ngày càng giảm do lương thấp nhưng chịu nhiều sức ép. Do đó, để giải quyết vấn đề nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế, chúng ta cần phải có những chính sách thu hút. Thứ trưởng có thể chia sẻ về những chủ trương của Bộ GD-ĐT về vấn đề này trong thời gian tới?

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng các bộ, ngành nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, sửa đổi, bổ sung về một số chính sách phát triển GDMN, phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009, tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển GDMN.
 
"Tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non" - 3

Sẽ đảm bảo chế độ lương cho giáo viên cơ sở mầm non tư tục không thấp hơn ở các cơ sở mầm non dân lập, công lập.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định: “Nhà nước hỗ trợ ngân sách để thực hiện trả lương cho giáo viên và cán bộ quản lý ở các cơ sở GDMN dân lập theo bảng lương và nâng lương theo định kỳ. Các cơ sở GDMN tư thục bảo đảm chế độ lương cho giáo viên không thấp hơn ở các cơ sở mầm non dân lập, công lập và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho giáo viên theo quy định hiện hành. Khuyến khích các địa phương thực hiện cơ chế học phí mới, tăng nguồn thu hợp pháp ở những nơi thuận lợi, cha mẹ trẻ có khả năng chi trả để thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non dạy trẻ dưới 5 tuổi”.

Theo lộ trình thì vào năm 2012 sẽ có 10 địa phương hoàn thành kế hoạch phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, trong đó thậm chí có một số tỉnh điều kiện cơ sở vật chất hiện tại còn gặp rất nhiều khó khăn. Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải các địa phương đang chạy theo "bệnh thành tích”. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này ra sao? Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra đánh giá như thế nào để tránh hiện tượng này?

Từ nay đến năm 2012 có 10 tỉnh đăng ký phấn đấu hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Các địa phương đã căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế, đặc biệt là các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp; về đội ngũ giáo viên, các nguồn lực để quyết định thời điểm hoàn thành phổ cập. Đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 10/63 tỉnh, thành phố (15,8%) đăng ký hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Điều đó cho thấy các địa phương rất thận trọng. Tôi nghĩ, đó là năng lực thực tế và quyết tâm của các địa phương.
 
Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực tế tại một số tỉnh, cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp thích hợp, hỗ trợ các địa phương thực hiện được mục tiêu đề ra.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Hùng (thực hiện)