Tăng quyền tự chủ, mức học phí có tăng?
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, mức thu học phí đại học sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ đào tạo do các đơn vị quyết định, thay vì do Chính phủ quy định khung học phí như hiện tại.
Quy định này nhằm tăng quyền tự chủ của cơ sở đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, song cũng đang khiến người dân không khỏi lo lắng bởi nguy cơ tăng học phí.
Tăng quyền tự chủ
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là dự thảo luật), có 36/73 điều của Luật Giáo dục đại học đang được lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của việc tự chủ, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo. Một trong những nội dung được quan tâm là việc đẩy mạnh quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có các quy định về tài chính.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được quyền chủ động quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, bảo đảm tương xứng với chất lượng đào tạo. Dự thảo luật cũng nêu rõ: Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.
Trong khi đó, theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Các cơ sở này được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nhưng mức thu này phải nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý, giám sát mức thu bảo đảm tương xứng với chất lượng đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết thêm, dự thảo luật cho phép cơ sở giáo dục đại học được quyền quyết định mức học phí nhưng các đơn vị không thể tùy ý đưa ra mức học phí vô lý được. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành cơ chế giám sát, quy định cách tính mức học phí, quy trình xây dựng và xác định mức học phí phù hợp để các đơn vị có căn cứ thực hiện. Khi đưa ra mức học phí, từng đơn vị phải xây dựng đề án và giải trình thuyết phục về căn cứ đưa ra mức học phí đó...
Cân đối mức tăng học phí
Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến đóng góp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện dự thảo luật và trình Chính phủ vào tháng 1-2018. Theo lộ trình này, nếu được thông qua, việc các cơ sở giáo dục đại học được tự quyết mức học phí có thể sẽ được áp dụng từ năm học 2018-2019. Điều này khiến phụ huynh và sinh viên, học sinh đang học lớp 12 lo ngại bởi mức học phí đại học có thể tăng mạnh.
Mối lo ấy không phải không có cơ sở, nhất là với những sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, mức học phí bậc đại học được quy định với các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ ở thời điểm năm học 2017-2018 là 7,4 triệu đến 10 triệu đồng/năm học, tùy nhóm ngành đào tạo.
Tuy nhiên, hiện tại, cũng là mô hình công lập nhưng mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ đều cao hơn mức thu trung bình của các cơ sở giáo dục công lập đại trà từ 2 đến 6 lần.
Lê Quang Thái, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Mức học phí của em hiện tại là 14 triệu đồng/năm học, cao hơn so với nhiều bạn ở các trường khác. Nếu mức đóng này tăng mạnh vào các năm tiếp theo, gia đình em sẽ rất khó khăn".
Dù mong muốn được giao quyền tự chủ, trong đó có quyền tự chủ về tài chính nhưng chính các cơ sở giáo dục cũng không khỏi lo lắng. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường tập trung vào việc phát triển kỹ năng làm việc cho sinh viên và nội dung này trở thành môn học bắt buộc.
Vài năm gần đây, nhà trường đã thực hiện việc gắn kết với doanh nghiệp để giảm chi phí đào tạo, tăng cơ hội cho sinh viên có nhiều hoạt động trải nghiệm, song, để đạt hiệu quả như mong muốn, sinh viên cần có thêm thời gian thực tập, thực hành và các trang thiết bị thực hành, thí nghiệm. Điều này kéo theo chi phí bổ sung, có thể cần sự chung sức từ phía gia đình người học. Việc tính toán mức tăng học phí ra sao để cân đối mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và phù hợp khả năng của gia đình người học là bài toán không dễ giải đối với nhà trường.
Cùng nhận định này, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) bày tỏ băn khoăn: Các cơ sở đào tạo đang đứng trước thách thức không nhỏ về việc tính toán đưa ra mức thu học phí và quản lý nguồn tài chính sao cho phù hợp. Nếu cơ sở đào tạo đặt ra mức học phí cao quá thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh, nhưng nếu quá ưu tiên mở rộng quy mô "đầu vào" mà không chú trọng tới việc huy động kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất thì việc được giao quyền tự chủ không đạt hiệu quả như mong muốn, chất lượng đào tạo khó có chuyển biến.
Theo Thống Nhất
Hà Nội Mới