Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:
Tăng cường kỹ năng sống cho HS,SV, lan truyền tấm gương tốt trong học đường
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ muốn giáo dục nhân cách cho trẻ em từ nhỏ; tăng cường kỹ năng sống cho HS-SV, lan truyền những tấm gương tốt trong học đường...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu 5 mong muốn thiết thực trong giáo dục thế hệ trẻ
Ngày 18/11/2020, Lễ ký kết “Chương trình phối hợp công tác giữa ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025” được tiến hành tại trụ sở TƯ Đoàn.
Chương trình phối hợp giữa hai đơn vị nhằm mục đích: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục và hệ thống Đoàn các cấp trong công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ; Tăng cường các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn cho học sinh, sinh viên; Thực hiện chế độ, chính sách đối với đoàn viên, học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội.
Phát biểu tại lễ ký kết, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ Nhất TƯ Đoàn TNCS HCM nhận định rằng trong thời gian qua, giữa TƯ Đoàn và Bộ GD&ĐT đã có sự chia sẻ, đồng lòng, cùng hướng tới mục tiêu chung là giáo dục, định hướng tư tưởng cho thanh thiếu niên.
Thay mặt TƯ Đoàn, Bí thư thứ Nhất TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cam kết rằng sẽ thực hiện những nội dung ký kết với Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2020 - 2025 và nỗ lực đạt được những kết quả vượt trên mục tiêu đề ra trong 6 nội dung chính yếu.
Nhân dịp này, TƯ Đoàn cũng tặng hoa, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đồng chúc mừng tất cả các nhà giáo sức khoẻ và thành công.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xúc động khi tổng kết chặng đường 5 năm qua phối hợp với TƯ Đoàn thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ thanh niên, học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện đức, trí, thể mỹ, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan tới TƯ Đoàn, nhất là giáo dục đạo đức”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn Đoàn, Đội, Hội từ Trung ương đến địa phương phối hợp với Bộ GD&ĐT để thực hiện 5 vấn đề.
Thứ nhất là xây dựng những nội dung thiết thực, phù hợp với lứa tuổi nhỏ để giáo dục, hình thành nhân cách cho các em ngay từ nhỏ. Đây là nội dung theo Bộ trưởng là rất thiết thực.
Thứ hai là tăng cường kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Thứ ba là tạo ra môi trường giáo dục tốt, tuyên dương những tấm gương tốt, nhân rộng tính ảnh hưởng, truyền cảm hứng trong học sinh, sinh viên. Nhân đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhắn gửi truyền thông tích cực tuyên truyền sự đa dạng trong hoạt động giáo dục, tích cực lan truyền cái tốt, cái đẹp để tạo ra môi trường lành mạnh về truyền thông đối với giới trẻ.
Thứ tư là vấn đề chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng học sinh, sinh viên là đối tượng cần phải tham gia phong trào chuyển đổi số, để tạo nên sự cộng hưởng trong xã hội và sẵn sàng là thế hệ kế cận trong tương lai.
Thứ năm là giáo dục thể chất, phong trào thể thao trường học, để góp phần nâng cao tầm vóc của học sinh Việt Nam.
Nội dung phối hợp giữa TƯ Đoàn và Bộ GD&ĐT
Với tinh thần này, Bộ trưởng tin vào sự hợp tác của Bộ GD&ĐT và TƯ Đoàn sẽ tạo ra ra những kết quả thiết thực.
Cụ thể, Chương trình phối hợp giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo với Trung ương Đoàn TNCS HCM giai đoạn 2020-2025 tập trung vào 6 nội dung chính:
- Công tác tuyên truyền:
Hai ngành phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước; các hoạt động tạo môi trường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách của ngành Giáo dục về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; ý thức chấp hành pháp luật, ý thức công dân; chú trọng nề nếp, kỷ cương, bảo đảm an toàn trong nhà trường: Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tăng cường công tác chỉ đạo nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận trong học sinh, sinh viên và các du học sinh; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
- Đẩy mạnh hoạt động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học thông qua phong trào, cuộc vận động của Đoàn Thanh niên và ngành Giáo dục; định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Tham mưu với Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ học tập; bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ; tổ chức các diễn đàn trao đổi về phương pháp học tập, nghiên cứu hiện đại, phương pháp tư duy sáng tạo, phương pháp nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên Xây dựng và triển khai các giải pháp trong tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông; Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ; Thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, tổ chức đa dạng các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới hiệu việc làm cho học sinh, sinh viên và du học sinh.
- Triển khai các hoạt động hỗ trợ, phát triển kỹ năng; nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần; tổ chức các hoạt động tình nguyện cho học sinh, sinh viên:
Phối hợp với các đơn vị, tổ chức huy động nguồn lực thành lập và phát triển các quỹ, giải thưởng và học bổng cho học sinh, sinh viên; Tổ chức các hoạt động về tư vấn học đường, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội, các hoạt động văn thể mỹ, các hoạt động tình nguyện, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh; Phối hợp trong việc phát hiện học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong trong học tập, nghiên cứu khoa học, học sinh, sinh viên nghèo vượt khó để đề cử tham dự các chương trình học bổng có sử dụng ngân sách Nhà nước.
- Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên; tập hợp du học sinh và thanh niên Việt Nam ở nước ngoài:
Thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025"; Tích cực tổ chức các hoạt động thăm quan, giao lưu văn hóa, trao đổi tình nguyện viên giảng dạy ngoại ngữ giữa học sinh, sinh viên Việt Nam và quốc tế; kết nối tổ chức trao đổi học thuật, chia sẻ học liệu và các hoạt động thiết thực khác nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát huy cao nhất tiềm năng của đội ngũ trí thức trẻ người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp định hướng hoạt động cho Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên, sinh viên, Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
- Đảm bảo cơ chế hoạt động, chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ tham gia công tác Đoàn - Hội - Đội:
Phối hợp tổ chức định kỳ đối thoại trực tiếp giữa Nhà trường với học sinh, sinh viên; Tiếp tục triển khai và kiểm tra việc thực hiện các thông tư, chỉ thị, quyết định về quyền lợi, chế độ, chính sách cán bộ Đoàn, Hội, Đội trong trường học; Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng, tổ chức tôn vinh, khen thưởng học sinh, sinh viên, cán bộ, giảng viên, giáo viên trẻ; Hai ngành phối hợp để đề xuất các cơ chế, chính sách với Chính phủ, các ngành khác tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động, công tác, học tập của giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.
Chương trình phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2025 sẽ tiếp tục là căn cứ để các Sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở đào tạo và tổ chức Đoàn Thanh niên cùng cấp phối hợp tổ chức, triển khai các hoạt động nhằm góp phần đào tạo, giáo dục, rèn luyện và phát triển toàn diện thế hệ trẻ.
Trong 5 năm qua, ngành Giáo dục và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 và nhiều tác động tích cực cho công tác giáo dục, đào tạo, rèn luyện và phát triển thế hệ trẻ. Một số thành quả nổi bật như:
- Tổ chức gần 50.000 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Đảng, Đoàn các cấp với hơn 10 triệu lượt học sinh, sinh viên tham gia.
- Tổ chức hơn 30.000 chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật thu hút được hơn 5 triệu lượt học sinh, sinh viên tham gia.
- Triển khai các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ, giới thiệu Đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đã có 93.270 học sinh, sinh viên, giáo viên trẻ được kết nạp Đảng.
- Tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút 1.576.087 học sinh, sinh viên tham gia.
- Tổ chức Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác- Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” năm 2015, 2017, 2019 thu hút 1.300.000 lượt thí sinh tham gia đến từ 4.000 trường trên cả nước.
- Tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” năm 2015, 2017, 2019 với gần 1.000.000 lượt thí sinh dự thi.
- Tổ chức Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - thiếu nhi với Bác Hồ” thu hút gần 4,5 triệu bài dự thi từ 63 tỉnh, thành phố tham gia dự thi.
- Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” thu hút 2.079 công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo tham gia dự thi.
- Tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã vinh danh 275 thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
- Tổ chức Chương trình “Tiếp sức mùa thi” hỗ trợ gần 2.000.000 lượt thí sinh, người nhà thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng và kỳ thi THPT Quốc gia hàng năm.