Tâm sự mong “đi dạy lương cao” của nữ sinh Sư phạm

(Dân trí) - Hiện đang học ngành Sư phạm, nữ sinh viên Nguyễn Ngọc Thảo My không muốn sau này phải đi dạy với đồng lương bèo bọt trong môi trường ngột ngạt, đầy áp lực về sổ sách, thành tích. Cô muốn đi dạy bên ngoài bởi khát khao có thu nhập cao xứng đáng với công sức và năng lực của mình...

Thảo My hiện là sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, ngành Sư phạm Anh. Là học sinh giỏi thành phố môn Sử nhưng Thảo My “bẻ hướng” và chọn ngành học ngành tiếng Anh bằng mọi giá để “cứu vãn” ước mơ trở thành người truyền đạt kiến thức của mình. Thảo My yêu thích môn Sử nhưng rồi việc dạy học Sử ở trường làm cô gái thất vọng và càng ngày cô hiểu tại sao học sinh quay lưng với lịch sử. Giáo viên đưa cho một đống tài liệu, còn học sinh có trách nhiệm… trả bài. Học sinh không có cơ hội để tiếp cận, để phản biện các kiến thức lịch sử.


Nữ sinh Sư phạm Nguyễn Ngọc Thảo My mong có một môi trường dạy học không bị áp lực sổ sách, thành tích và đặc biệt, người thầy phải có thu nhập xứng đáng với năng lực, công sức

Nữ sinh Sư phạm Nguyễn Ngọc Thảo My mong có một môi trường dạy học không bị áp lực sổ sách, thành tích và đặc biệt, người thầy phải có thu nhập xứng đáng với năng lực, công sức

Để trở thành một nhà giáo, những người thầy khi còn là sinh viên đã phải nỗ lực rất nhiều về tri thức, đạo đức. Như thế chưa đủ, bây giờ để có thể đứng lớp, Thảo My cho rằng các cô giáo tương lai phải trang bị lòng kiên nhẫn, một tinh thần thép và đặc biệt nhà giáo bây giờ còn phải chuẩn bị tâm lý đứng vững trước dư luận.

Cô đã lường trước những áp lực công việc, sổ sách, giáo án chồng chất, áp lực từ học sinh, phụ huynh và cả những áp lực thành tích phản giáo dục ám ảnh mình từ lúc bé tí. Cô gái nhớ như in năm lớp 1, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh làm bài kiểm tra tập viết chữ đẹp. Hôm ấy, bài My được điểm 10, cô học nhỏ vui mừng khoe kết quả cuả mình với bạn bè và cô giáo nhìn thấy niềm vui đó của em. Sau đó, cô lạnh lùng nói về Thảo My với trước lớp: “Em đừng tưởng điểm 10 đó là thực lực của mình, tôi phải lấy gôm tẩy và sửa lại từng nét chữ cho em đó”.

Bạn bè nhìn My với ánh mắt mà đến bây giờ cô gái vẫn không thể nào quên được. Và cô vẫn tự hỏi vì đâu cô giáo phải tự chỉnh sửa bài của mình và rồi chấm cho mình điểm 10? Khi đó, My chưa hiểu hết thứ gọi là căn bệnh thành tích nó khủng khiếp thế nào. Nó đủ sức giết chết niềm tin của học trò vào thầy cô, vào giáo dục và cả niềm tin vào chính bản thân, con người mình.

Nữ sinh Sư phạm cho rằng, học sinh của chúng ta đang bị dồn ép quá mức trong việc học đến nỗi không có điều kiện để nhận ra đâu là thế mạnh của bản thân.

"Ám ảnh" đầu đời không làm cô quay lưng với ước mơ trở thành nhà giáo nhưng những áp lực, tiêu cực cô nữ sinh đã chủ động “lái” mình theo một hướng đi khác. Cô lập ra những bước đường chinh phục kiến thức của mình. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Tiếng Anh, cô gái đặt ra mục tiêu sẽ qua Mỹ học lên Thạc sĩ để có bằng cấp, chuyên môn cao.

Chỉ có chuyên môn cao thì cô mới có thể đi dạy ở các trung tâm Anh văn, dạy ở các trường quốc tế hoặc mở trung tâm Ngoại ngữ. Thảo My muốn mình có môi trường học tập và giảng dạy không khuôn đúc, không gò ép, không sổ sách; cô muốn việc dạy và học đúng bản chất không phải vì điểm số…

Cô gái trẻ không muốn đi dạy học chỉ để chạy theo việc luyện thi lớp 9, lớp 10 hay lớp 12 để lên ĐH, CĐ; cô không muốn thấy học sinh học từ sáng đến chiều rồi tối vẫn tiếp tục đi học thêm, nhiều em học trò vật vờ như... thây ma; cô cũng không muốn thấy học sinh ngày cuối tuần đáng lẽ có thời gian để vui chơi, để tận hưởng cùng gia đình lại phải lao đầu vào học để luyện thi, luyện cử.

Và một lý do nữa, Thảo My không ngần ngại nói rằng cô muốn đi dạy bên ngoài bởi khát khao có thu nhập cao - nghề giáo cần có thu nhập xứng đáng với công sức và năng lực của mình.

Thảo My dự định là khi ra trường sẽ không dạy ở trường công lập bởi ở môi trường đó theo My là quá nhiều áp lực với người thầy cùng nhiều hạn chế, tiêu cực chưa được tháo gỡ.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)