“Chuột chạy cùng sào cũng không vào Sư phạm!”

(Dân trí) - Giáo dục luôn được xác định là quốc sách hàng đầu. Nghề dạy học luôn được ngợi ca là nghề cao quí. Nhưng hiện nay liệu cánh cổng trường sư phạm có thật sự là một lựa chọn lí tưởng của các sĩ tử trước ngã rẽ lựa chọn nghề nghiệp?

Tôi có cô cháu gái vừa hoàn thành việc đăng kí xét tuyển vào các trường đại học. Cháu có sức học khá tốt, tính tình đằm thắm, bố mẹ đều là nhà giáo muốn con theo nghiệp “gõ đầu trẻ”. Tuy nhiên, mái trường sư phạm chưa bao giờ là mục tiêu mà cô bé hướng đến. Lập luận cho sự phủ định trường sư phạm của cô bé thì nhiều, nhưng tôi nhớ mãi câu nói quả quyết của cháu và bạn bè cháu: “Chuột chạy cùng sào cũng không vào sư phạm”.

Câu nói ấy làm tôi nhớ lại một thời mình cùng bạn bè loay hoay tìm hướng đi khi sắp rời xa mái trường trung học. Cách đây đã hơn 15 năm, thời đó câu nói của miệng của các bạn luôn là “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Quả thật, trong tổng số một nửa lớp có sức học khá đăng kí thi đại học, chỉ mình tôi theo đuổi ước mơ nghề giáo. Ưu đãi miễn học phí khi học Sư phạm không đủ sức lôi kéo các bạn. Thời ấy chúng tôi chưa hề biết nhiều đến chuyện cử nhân Sư phạm thất nghiệp với những con số “khủng” như hiện nay. Chúng tôi chỉ biết chuyện lương giáo viên của các thầy cô dạy mình ngày ấy bèo bọt đến mức rất nhiều người bỏ nghề. Chừng ấy thôi đủ để các bạn cùng trang lứa không chọn Sư phạm.

Và đến thời điểm hiện tại, con số dự báo thừa 70.000 cử nhân Sư phạm vào năm 2020 quả là khủng khiếp. Nó sẽ là “tấm lá chắn” ngăn bước chân các sĩ tử đến với nghề giáo nhiều hơn. Thử hỏi phụ huynh có muốn định hướng con cái đăng kí thi và học một nghề mà chưa tốt nghiệp đã nắm chắc thất nghiệp? Thử hỏi học sinh khá giỏi có chọn nghề giáo theo ước mơ như trước hay hàng loạt ngành nghề “hot”, triển vọng khác đầy cám dỗ? Và đến bao giờ mới giải quyết hết số cử nhân tồn đọng mỗi năm để để đem lại nguồn sinh khí mới cho trường Sư phạm?

Vì đâu mà lượng cử nhân Sư phạm thừa mỗi năm đều tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại? Điều này xuất phát từ thực tế đào tạo của nước ta. Theo thống kê trên cả nước hầu như các tỉnh thành đều có cơ sở đào tạo sinh viên Sư phạm (đại học và cao đẳng). Số lượng sinh viên ra trường mỗi năm ở các trường sư phạm này đều từ vài trăm cử nhân trở lên, trong khi nhu cầu tuyển dụng thực tế lại “nhỏ giọt”. “Cung” vượt quá xa “cầu” như thế nhưng chỉ tiêu tuyển dụng của các trường vẫn đều đều, kể cả bộ môn đang thiếu hay thừa giáo viên.

Thêm vào đó là việc sinh viên các trường đại học không thuộc chuyên ngành Sư phạm vẫn có thể tham gia xét tuyển viên chức giáo dục và trở thành giáo viên nếu có bằng nghiệp vụ sư phạm. Các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được mở đại trà theo kiểu “phổ cập” đã làm gia tăng đáng kể tỉ lệ chọi khi xét tuyển và thi tuyển viên chức giáo dục trong thời gian qua. Không thể nào đánh giá một cách chính xác sinh viên chuyên ngành sư phạm hay sinh viên không chuyên ngành có bằng nghiệp vụ sư phạm thực hiện công tác giảng dạy tốt hơn. Nhưng việc “mở cửa” cho mọi đối tượng cử nhân đến với giáo dục là một nguyên nhân đẩy tỉ lệ thất nghiệp của cử nhân Sư phạm lên cao.

Thực tế cử nhân Sư phạm thất nghiệp và những con số thống kê liên tục trong thời gian qua đã làm cho mọi người càng “né” vào Sư phạm hơn. Trong khi chúng ta đang kêu gọi thu hút học sinh khá giỏi đăng kí nguyện vọng vào các trường Sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra thì trước thực tế đó, học sinh khá giỏi có muốn “chui vào bụi rậm” để làm khó chính mình không? Và những “người thầy” được đào tạo vốn không có “chất” liệu có đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục sự nghiệp trồng người cho thế hệ trẻ?

Bài toán giải quyết tình trạng thất nghiệp cho cử nhân Sư phạm cũng như thu hút nhân tài cho sự nghiệp giáo dục cần được các ban ngành tính toán cẩn trọng. Còn bản thân tôi thì vẫn đang bị ám ảnh bởi phát ngôn của lớp trẻ bây giờ: “Chuột chạy cùng sào cũng không vào sư phạm!”

Thanh Ny

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm