Tâm sự giáo viên: Bỏ lại muộn phiền sau cánh cửa lớp

(Dân trí) - Đọc bài viết “Mẹ ơi, nghề giáo vất vả lắm phải không ạ?” trên báo Dân trí với những tâm sự của cô giáo Loát Trần, tôi ngậm ngùi nhận ra hình ảnh của mình trong đó: những lần gắt um với con vì công việc bộn bề, những lần cáu gắt với trò bởi áp lực nghề giáo…

Nghề nào cũng đủ đầy áp lực nhưng dường như nghề giáo đang ngày càng oằn gánh nặng áp lực lên vai người thầy. Bởi những đổi thay liên tục từ chương trình giảng dạy, những kỳ vọng to lớn từ gia đình và xã hội cũng như sự biến chuyển của các nền tảng đạo đức trước những thách thức của thời đại.  

Hẳn là người thầy nào cũng đã trải qua cái cảm giác quay vòng theo những đổi thay liên tục của chương trình giảng dạy theo yêu cầu của ngành. Giáo án phải tích hợp nội dung này chưa bao lâu lại đổi sang tích hợp nội dung khác. Phương pháp giảng dạy phải đổi mới với “bàn tay nặn bột”, 6 bước 5 hoạt động… Đề kiểm tra chuộng hình thức trắc nghiệm một vài năm rồi chuyển sang tự luận giờ quay lại trắc nghiệm…

Người thầy một khi không chuẩn bị sẵn sàng một tâm thế “nhập cuộc”, chuyển động liên tục để đón nhận cái mới thì vô hình trung sẽ tụt lùi, lạc hậu và áp lực sẽ nảy sinh từ trong nội tại người thầy khiến mỗi người bức rứt, khó chịu cũng như đẩy nguồn năng lượng tiêu cực ấy sang học trò, con cái.

Hẳn là người thầy nào cũng trăn trở lo toan khi gánh nặng từ kỳ vọng của xã hội đặt lên vai quá lớn. Người thầy phải thực hiện nhiệm vụ dạy chữ gắn với dạy người, phải đào tạo lớp người trẻ vừa giỏi năng lực vừa giàu phẩm chất. Đó là còn chưa kể giáo viên phải định hướng nghề nghiệp, trau dồi lý tưởng sống, giáo dục kỹ năng sống, uốn nắn giá trị sống cho học sinh.

Trong khi đó, việc dạy học 45 phút mỗi tiết trên lớp chủ yếu vẫn xoay quanh những mục tiêu cần đạt về kiến thức, tập trung vào việc học sinh hiểu bài, làm được bài và đạt điểm cao để đạt chỉ tiêu. Vậy thì nhiệm vụ ‘dạy người” sẽ chen chân vào đâu trong những giờ lên lớp nặng về kiến thức hàn lâm như thế?

Hẳn là người thầy nào cũng bắt đầu mường tượng về sự đổi thay của những giá trị đạo đức mang tính nền tảng trong quan hệ ứng xử giữa người và người. Mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên đâu đơn thuần là sự tôn kính “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” như xưa?! Cái nhìn của học sinh đối với thầy cô cũng đã nhạt nhòa phần nào cái lễ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Thời cuộc thay đổi buộc người thầy cũng phải thay đổi theo chiều hướng tích cực để mỗi người phải luôn là “tấm gương sáng” trước phụ huynh và học sinh. Buông dần cây roi được mặc định “gõ đầu trẻ” để hướng đến các phương pháp kỷ luật mang tính tích cực. Chấp nhận áp lực công việc để dần điều chỉnh tư duy, nhận thức, cảm xúc của chính bản thân người thầy là một trong những điều căn bản, cốt yếu để tồn tại với nghề.

Tiếc rằng, nhiều giáo viên vẫn đang bó mình trong áp lực công việc để rồi chính họ “mang cay đắng lên bục giảng” và hệ lụy là học sinh phải chịu cảnh “giận cá chém thớt”. Học sinh đến lớp nhưng ngày nào cũng đối diện với vẻ mặt cau có, thái độ giận dữ cùng ánh nhìn thiếu thân thiện của giáo viên đứng lớp, thử hỏi các con có thể nào tìm được cảm giác vui vẻ, hạnh phúc trong chính việc học?

Không ai muốn con mình ngày ngày lên lớp đối diện với cơn giận dữ của cô giáo! Vậy nên, lời kêu gọi người thầy “bỏ lại muộn phiền sau cánh cửa lớp” có quá khó thực hiện không? Mong lắm thay…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm