Tâm sự cùng thầy giáo tình nguyện lên vùng cao công tác
(Dân trí) - Đang công tác ổn định tại quê nhà, sau mỗi giờ lên lớp lại được về bên gia đình, vợ con nhưng thầy giáo Nguyễn Minh Thảo đã tự nguyện xin lên vùng cao dạy học. Với lòng yêu nghề của mình, thầy Thảo muốn đóng góp sức mình giúp học sinh nghèo nơi đây.
Những ngày đầu đông, chúng tôi có dịp lên công tác tại huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa). Để đến được trung tâm huyện phải trải qua quãng đường hơn 100km, từ đây tiếp tục đi hơn 40km nữa mới đến trường THCS Phú Lệ. Nhìn chung, công tác dạy và học ở đây còn gặp nhiều khó khăn khi có hơn 90% học sinh của trường đều thuộc gia đình hộ nghèo và cận nghèo.
Trong câu chuyện với các thầy cô giáo tại trường, chúng tôi được biết nhà trường mới đón thêm một thầy giáo từ huyện khác lên công tác. Đó là thầy giáo Nguyễn Minh Thảo, mới chuyển từ huyện Thường Xuân lên huyện vùng cao Quan Hóa gần một tháng.
Đã có thâm niên công tác 10 năm trong ngành giáo dục ở huyện Thường Xuân, nhưng vì mong ước được cống hiến một phần công sức của mình để giúp học sinh nghèo vùng cao mà thầy Thảo đã tình nguyện lên đây.
Thầy giáo Nguyễn Minh Thảo sinh năm 1977 trong một gia đình cả bố và mẹ đều là giáo viên (GV). Ngày từ nhỏ, thầy Thảo đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy giáo. Chính vì thế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy Thảo luôn cố gắng và nỗ lực hết mình đạt kết quả cao trong học tập.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp THPT, thầy Thảo đã thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hồng Đức (Thanh Hóa) chuyên ngành Toán - Lý. Sau hơn 3 năm miệt mài đèn sách, đến năm 2001 thầy Thảo ra trường và được nhận về công tác tại trường THCS xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân). Công tác tại đây được 3 năm, đến năm 2003, thầy được chuyển công tác về trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân.
Năm học 2011, thầy Thảo lại được điều đến công tác tại trường Dân tộc bán trú THCS Xuân Lẹ cách nhà gần 30km. Hơn 10 năm công tác trong ngành, dù ở đâu và ở cương vị nào, thầy Thảo cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn là người thầy nhiệt huyết “truyền lửa” cho các em học sinh. Thầy Thảo cũng đã nhiều lần được công nhận là GV dạy giỏi của trường.
Đầu năm học 2013 - 2014, tỉnh Thanh Hóa xét duyệt đề án về lượng GV dôi dư trong toàn tỉnh. Tại hai huyện miền núi Quan Hóa và Mường Lát vẫn thiếu một số GV. Trong khi đó, trường THCS Xuân Lẹ, nơi thầy Thảo đang công tác cũng nằm trong diện dôi dư GV và phải điều chuyển người. Ban giám hiệu nhà trường đã tiến hành nhiều cuộc họp để xem xét thuyên chuyển GV. Tuy nhiên, hầu hết các GV trong trường đều có lý do riêng về những khó khăn, hoàn cảnh gia đình nên xin được miễn điều chuyển.
Xét thấy bản thân và hoàn cảnh gia đình mình còn đỡ khó khăn hơn nhiều so với những GV khác, thầy Thảo đã tình nguyện xin được lên công tác tại huyện miền núi xa xôi. Thầy Thảo chia sẻ: “Tôi không thuộc diện GV phải thuyên chuyển công tác trong đợt này, nhưng xét thấy trong trường hầu hết các thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn, nếu phải chuyển đi dạy xa nhà lại càng khó khăn hơn, nên tôi đã xin tình nguyện lên trên đây công tác”.
Một lý do khác nữa được thầy Thảo bộc bạch: “Khi mới ra trường, bản thân tôi đã được đi công tác tại những vùng xa xôi, đến với những bản làng còn nghèo khó. Tôi được gần gũi với các em học sinh, sự quý mến của các em đã thúc dục tôi một lần nữa lên đường để đến với các em học sinh vùng cao”.
Sau gần một tháng lên công tác tại Trường THCS Phú Lệ (Quan Hóa), đến nay thầy Thảo đã làm quen được với cuộc sống và công việc. Thầy Thảo tâm sự: “Phải xa gia đình, vợ con lên đây những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ. Nhờ được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường, sự quý mến của các em học sinh mà tôi dần quen với công việc của mình. Tôi sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Phải công tác cách nhà hơn 100km, thầy Thảo phải ở trọ lại trường. Mỗi lúc, muốn về thăm gia đình cũng rất khó khăn. “Lên đây giờ công việc cũng đã ổn định. Lòng yêu mến học sinh khiến tôi cố gắng vượt qua để thêm lòng nhiệt huyết truyền đạt lại cho các em những kiến thức mà mình có”, thầy Thảo quyết tâm.
Vợ thầy Thảo cũng là GV, hiện nay, vợ chồng thầy đã có 2 người con trai. Cháu lớn đang học lớp 2, còn cháu nhỏ mới được 2 tuổi. Vợ thầy Thảo một buổi lên lớp, một buổi ở nhà chăm con. Nhiều hôm đến trường, cháu nhỏ ở nhà phải gửi ông bà chăm sóc.
“Mỗi lúc điện về, thấy vợ ở nhà vừa đi dạy, vừa phải chăm con thấy cũng vất vả khó khăn cho vợ. Nhưng tôi đã quyết tâm tình nguyện đi thì phải cố gắng hết mình vì các em học sinh. Vợ con cũng thường xuyên liên lạc để động viên gắng yên tâm công tác, sớm hoàn thành nhiệm vụ trở về làm tôi rất vui mừng”, thầy Thảo nói.
Thầy Phạm Hữu Đức - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lệ cho biết: “Thầy Thảo mới lên đây thời gian ngắn nhưng đã hòa nhập được với cuộc sống cũng như công việc mới. Đời sống GV ở đây còn nhiều khó khăn nên anh em chúng tôi phải luôn cố gắng để cùng nhau vượt qua. Các thầy giáo cô giáo hòa nhập với nhau như một gia đình để hoàn thành nhiệm vụ”.
Thái Bá - Duy Tuyên