Tâm sự buồn của giáo viên dạy môn xã hội

(Dân trí)-Sau khi <i>Dân trí</i> đăng bài Vì sao học sinh “quay lưng” với môn xã hội?" đã nhận được nhiều ý kiến tán đồng của độc giả. Thầy giáo Vũ Quốc Lịch đã tiếp tục gửi bài tới báo bộc bạch về nỗi buồn của giáo viên dạy môn xã hội khi bị học sinh “quay lưng”.

Dân trí đăng tải ý kiến của thầy giáo Vũ Quốc Lịch, giáo viên môn Địa lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Ngày càng ít học sinh chọn học môn Lịch sử
Ngày càng ít học sinh chọn học môn Lịch sử.

Đi dạy do “yêu nghề”, do cái “nghiệp” đã bám vào thân

Một giáo viên (GV) nêu ý kiến cần duy trì thi môn của mình, rất có thể gây hiểu lầm rằng có lợi ích gì trong đó kiểu như “Hay để dạy thêm thiếc gì đây”. Với các môn xã hội xin khẳng định không có vấn đề này, duy trì thi không phải để trục lợi.

Cũng xin mở ngoặc thêm rằng dư luận cũng đừng nên phê phán việc dạy thêm nếu đó là thực chất. Dạy thêm nhằm đào sâu củng cố kiến thức, khái quát, tổng kết vấn đề thì rất tốt và người thày rất tốn công phu, phải có kinh nghiệm mới làm được. Còn dạy thêm giúp học sinh giải bài thôi thì sinh viên (gia sư) cũng làm được; đặc biệt dạy thêm theo kiểu dạy trước chương trình (rất nhiều phụ huynh do chưa hiểu nên chấp nhận thế) thì quá đơn giản mà có khi lại phản tác dụng, làm cho HS vào năm học lười suy nghĩ, thụ động, chủ quan.

Phàm là người có lòng tự trọng đã không chấp nhận được sự đãi ngộ thì bỏ, còn đã làm thì làm đến nơi đến chốn, làm hết tâm sức của mình. Việc đi dạy do “yêu nghề”, do cái “nghiệp” đã bám vào thân, hay bởi một lí do gì khác có lẽ mỗi người trong cuộc mới hiểu và lí giải được, có điều chắc chắn rằng nếu chỉ trông chờ vào lương dạy học, GV xã hội không thể lo cuộc sống tốt cho gia đình.

Có phải vậy chăng mà qua hơn 30 năm dạy học, biết hàng trăm nhà giáo và dù sư phạm không được ưu ái trong hướng lựa chọn nghề của giới trẻ hiện nay song tôi vẫn được thấy không ít bố mẹ là GV phổ thông cho con tiếp bước theo nghề dạy học của mình, nhưng tuyệt đại đa số lại chỉ cho con thi vào các môn khoa học tự nhiên hoặc ngoại ngữ. Số cho con thi vào các ngành xã hội rất hiếm, kiểm lại chưa đủ số ngón tay trên một bàn tay, vài trường hợp ấy bố mẹ lại đã về hưu. Phải chăng các cụ giáo cao tuổi ấy khi hướng nghiệp cho con đã không thức thời trước thời cuộc?

Đấy là câu hỏi đớn đau, một sự thật đắng lòng!

Thực tế các GV xã hội đều không muốn môn mình phải thi tốt nghiệp một cách liên tục. Bởi như vậy đồng nghĩa với việc bị tăng tiết ôn tập, phải vất vả bám trường nhiều hơn mà tiền lương vẫn thế; rồi phải đi chấm thi dù có được bồi dưỡng theo chế độ nhưng cũng chẳng đáng là bao.

Vì khả năng môn mình bị thi tốt nghiệp nên khi ra đề kiểm tra trong năm học GV cũng phải thận trọng hơn, chấm kĩ hơn theo biểu điểm rõ ràng bởi điểm số là thước đo chất lượng bài và khả năng học, có tác dụng khuyến khích hoặc cảnh báo sức học cho HS. Khi môn thi tốt nghiệp được công bố, GV phụ trách bộ môn thi cũng không dám quá nới lỏng điểm số môn mình phụ trách bởi e HS chủ quan khi đi thi, hoặc giả dụ cho HS được điểm giỏi mà đi thi lại được điểm thấp thì không ổn…

Chấm thoáng hơn để học sinh, phụ huynh, giáo viên thích?

Với phương án HS được chọn môn thi tốt nghiệp, số HS đăng kí thi các môn xã hội ít cũng làm một số GV thấy đỡ bị áp lực, bớt vất vả hơn. Bởi chẳng còn công cụ đo đếm gì nữa, chẳng phải lo “dọa” rằng các em cố học nhé, không đến khi thi tốt nghiệp lại trượt mất.

Một bộ môn không phải thi tốt nghiệp thì điểm tổng kết lại có thể sẽ cao. Nếu không thi lịch sử nữa, nhưng điểm tổng kết lịch sử của các trường năm sau chưa chắc thấp hơn mà có thể còn cao hơn năm nay. Đơn giản là không phải thi nữa, dù HS ít chú ý học nhưng GV ra đề dễ hơn, đặc biệt chấm “thoáng” hơn, nhanh hơn, điểm tổng kết HS cao hơn, GV đỡ vất vả mà HS, phụ huynh rồi GV chủ nhiệm đều thích.

Tình trạng này cần phải sớm được ngăn chặn.

Tuy nhiên nhiều GV xã hội lại cảm thấy chạnh lòng. Đặc biệt là các GV lịch sử.
 
Xã hội giờ có quá nhiều áp lực, mà có khi lại là các áp lực không đáng có. Tôi chợt nhớ vụ clip học sinh xé đề cương ôn tập lịch sử ở trường THPT Nguyễn Hiền (TP Hồ Chí Minh) tháng 3/2013. Đơn giản đó chỉ là hành động bột phát giải tỏa stress của học trò với một môn học khó ăn điểm khi thi. Vậy mà nhiều người nhân đó coi người viết sách lịch sử như tội đồ, và HS thể hiện như vậy thì hẳn GV dạy Sử phải rất yếu kém (?) Dư luận, truyền thông như thế thật quá vô cảm, tàn nhẫn với ngành giáo dục, với các nhà giáo. Thực hiện việc đăng kí môn thi thì cầm chắc rằng sẽ rất ít học sinh đăng kí thi lịch sử. Thậm chí sẽ có trường không có học sinh nào đăng kí thi tốt nghiệp môn sử như ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) năm nay. Với kinh nghiệm ứng phó với truyền thông và trên hết là sự hiểu thấu bản chất vấn đề, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - PGS. Văn Như Cương đã khẳng định luôn rằng “Không phải HS Trường THPT Lương Thế Vinh dốt môn Sử. Mấy năm trước khi môn sử thi bắt buộc, hầu hết HS của trường đều đạt điểm trên trung bình”. Nếu chỉ nêu con số thống kê tỉ lệ đăng kí tốt nghiệp môn thi chắc chắn các giáo viên dạy Sử Trường THPT Lương Thế Vinh cũng sẽ chịu chung số phận bị “ném đá” như ở Trường THPT Nguyễn Hiền.
 
Lịch sử là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: "Môn Sử không chỉ trang bị một vốn kiến thức cần thiết về lịch sử dân tộc và thế giới, mà còn góp phần quan trọng trong bồi dưỡng lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị lịch sử văn hóa nhân loại, trong hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Các em lớn lên, quay lưng lại với lịch sử chính là quay lưng lại với quá khứ của mình thì hệ lụy sẽ là khôn lường".

Sinh thời, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cho rằng: Môn lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…

Và ngay từ thời trứng nước của cách mạng Việt Nam, năm 1941 tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết tập “Việt Nam Quốc sử diễn ca” để làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các lớp huấn luyện ở chiến khu thời đó.Ngay câu mở đầu Bác đã viết: Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Với tầm quan trọng như vậy, thiết nghĩ xã hội ta và trước hết là ngành giáo dục cần có những động thái để nâng cao vị trí môn lịch sử trong nhà trường.

Quan trọng hàng đầu là cần mở rộng hơn cánh cửa đại học cho thí sinh khối C: không chỉ vào các ngành xã hội ở ĐH Sư phạm, Khoa học xã hội và nhân văn, Luật, Báo chí, mà còn các ngành khác như quản lí đất - môi trường, kinh tế, ngoại thương, ngoại giao, công an, quân đội … (xin nhớ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là một giáo viên lịch sử).
 

Nên xây dựng cuốn Átlát trong môn Lịch sử

 

Đa số học sinh (HS) đều kêu sách sử có quá nhiều sự kiện, con số phải học thuộc lòng. Khi chưa viết được sách mới phù hợp nên chăng ngay trong kì thi tốt nghiệp năm học này có thể công bố “giới hạn” nội dung thi môn sử, hoặc có thể khuyến khích trong việc xếp loại tốt nghiệp. Ví dụ yêu cầu để đạt tốt nghiệp loại giỏi thì xếp loại cả năm lớp 12 hạnh kiểm loại tốt, học lực loại giỏi; ĐXL từ 8,0 điểm trở lên; Không có bài thi nào dưới 7,0 nhưng nếu em đăng kí thi lịch sử mà chỉ đạt 6 điểm vẫn đạt loại giỏi …

 

Cũng được xếp là môn xã hội song tại sao HS thích thi Địa hơn? Đơn giản vì môn Địa lí kiến thức logic hơn lại có átlat Địa lí hỗ trợ… Vậy tại sao lại không thể tạo ra bộ átlat Lịch sử giúp HS học và thi? Các con số khô khan như diễn biến ngày tháng, số lượng quân và vũ khí của ta và địch trong cuộc chiến đều có thể sơ đồ hóa bằng hệ thống các kí hiệu, các đường mũi tên trong các bản đồ lịch sử… Trong átlat Lịch sử có thể cho in cả một số dạng sơ đồ tư duy hay sơ đồ về các nhân vật chính trong các triều đại liên quan đến các giai đoạn, sự kiện lịch sử giúp HS dễ tra cứu.

 

Có átlat Lịch sử, HS sẽ có công cụ để học, có thể tái hiện lại các trận chiến, và nếu biết kết hợp với bản đồ tự nhiên, giao thông vận tải… Trong átlat Địa lí, tôi nghĩ các HS ưa khám phá sẽ thăng hoa trong môn học lịch sử, bởi tự các em có thể cắt nghĩa tại sao hướng tấn công lại là như vậy, người chỉ huy đã lợi dụng địa hình, địa vật ra sao. Átlát Lịch sử sẽ là công cụ để các HS không còn sợ các con số khô cứng trong sách giáo khoa và người GV sẽ chỉ còn đóng vai trò là người dẫn dắt để HS hiểu ý nghĩa, vai trò của các nhân vật, các sự kiện, các mốc son trong lịch sử dân tộc.

 
Vũ Quốc Lịch