Tâm lý học trường học còn thiếu công cụ hỗ trợ

(Dân trí) - 100% cán bộ tâm lý tại 17 cơ sở giáo dục thuộc Hà Nội đều nhận thấy một trong những khía cạnh trợ giúp thực hiện công việc mà họ thiếu nhất hiện nay là hệ thống công cụ hỗ trợ hoạt động chẩn đoán/đánh giá trẻ em & thanh thiếu niên.

Tâm lý học trường học còn thiếu công cụ hỗ trợ - 1

Một tiết Kỹ năng sống dành cho lớp 7 do phòng tâm lý học đường của trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) tổ chức. (Ảnh: T.P)
  

Tổ Tâm lý học ứng dụng, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội vừa thực hiện khảo sát tại 17 cơ sở giáo dục tại 6 quận và 1 huyện thuộc địa bàn Hà Nội về hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường (TLHĐ). Kết quả cho thấy 88,2% hiệu trưởng thống nhất cho rằng hoạt động giáo dục học sinh (HS) không thể thiếu sự tham gia trợ giúp của các nhà TL, 11/17 (64,7%) cơ sở khẳng định sự có mặt của chuyên gia TL không chỉ hỗ trợ cho HS khuyết tật, HS bình thường mà còn cung cấp hoạt động tư vấn hiệu quả cho phu huynh, HS và giáo viên.

 

Kết quả khảo sát thực địa cho thấy ở 100% các cơ sở giáo dục này, cán bộ TL ít nhiều đã và đang tham gia vào công tác đánh giá, chẩn đoán, hỗ trợ TL và giáo dục cho HS cùng với các cán bộ và giáo viên khác. Nhiều hoạt động của họ dù dưới hình thức nào cũng chính là các hoạt động thuộc lĩnh vực Tâm lý học trường học (TLHTH), mặc dù thực tế cho thấy tần suất và chất lượng của các hoạt động này rất khác nhau.

 

Vậy nhưng 100% cán bộ TL (35/35) đều nhận thấy một trong những khía cạnh trợ giúp thực hiện công việc mà họ thiếu nhất hiện nay là hệ thống công cụ  hỗ trợ hoạt động chẩn đoán/đánh giá trẻ em và thanh thiếu niên. 

 

Chị P.H.N làm ở một trường Phổ thông liên cấp tại địa bàn huyện Từ Liêm cho biết: Trường của chị "có rất ít và hầu như không có công cụ hỗ trợ chẩn đoán và đánh giá trong TLHTH". Còn chị N.T.A thuộc cơ sở CTS và GD trẻ Khuyết tật quận Thanh Xuân cho rằng: "Công cụ đo lường trong trường học phổ thông rất cần thiết. Nhà TL học đường thiếu các công cụ đó giống như người đi cày mà không có trâu. Song nếu quá nôn nóng mà sử dụng vội vã những bộ công cụ chưa chuẩn hóa sẽ đưa đến kết quả không mong muốn. Trong trường học dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, các bộ công cụ càng đòi hỏi nhiều hơn về độ chuẩn theo đặc thù của trẻ khuyết tật".

 

Cũng theo khảo sát trên, 27/35 cán bộ TL (77,1%) cho rằng họ thực sự chưa tự tin và thực sự tin tưởng khi sử dụng một số công cụ đánh giá hiện nay cơ sở của họ đang có. Những lý do chính họ đưa ra đó là: bản thân chưa được đào tạo bài bản và sâu về sử dụng công cụ chẩn đoán và đánh giá, các công cụ được tập hợp từ nhiều nguồn và nhiều khi không có cơ sở khoa học rõ ràng (nguồn trích, tên tác giả, thích ứng văn hóa, độ tin cậy, độ hiệu lực, ....). Chị N.L.A thuộc trường THPT thuộc địa bàn quận Ba Đình cho biết: "Chúng tôi chưa được đào tạo chính quy về sử dụng công cụ chẩn đoán và đánh giá, một số công cụ chúng tôi tham khảo và đang dùng thực sự chỉ để bổ sung thêm ít nhiều cho chẩn đoán/đánh giá, vì những công cụ này không cho kết quả đáng tin cậy, không phù hợp với đối tượng; chủ yếu chúng tôi dùng phương pháp phỏng vấn, điều tra, quan sát... thay cho các công cụ còn thiếu và chưa có”.

 

Hầu hết các cơ sở đều đang tiến dần tới hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, có cơ sở khoa học. Tuy nhiên để làm được như thế, 22/35 (62,9%) cán bộ TL đang làm việc tại 12 cơ sở đều nhất trí cho rằng ngoài việc họ phải được đào tạo và hiểu biết nền tảng  lý luận về TL-GD vững chắc, họ còn cần được học sâu về TLHTH- về hoạt động ứng dụng TLGD; đặc biệt là rèn luyện kỹ năng sử dụng các công cụ chẩn đoán/đánh giá học sinh, phụ huynh và các khách thể có liên quan trong quá trình trợ giúp TL.

 

Chị  T.L.T, một cán bộ TL tại hệ thống giáo dục đa cấp thuộc quận Cầu Giấy cho biết: "Tại trường tôi đang tham gia, HS từ cấp 1 tới cấp 3 đều có tỉ lệ nhất định các các em gặp vấn đề về TL, trong quá trình trợ giúp các em, chúng tôi rất thiếu về công cụ chẩn đoán, đánh giá - những công cụ giúp chúng tôi có định hướng tư vấn và can thiệp phù hợp, tránh rủi ro. Chúng tôi thường đùa với nhau rằng chúng ta nhiều khi cứ như bác sĩ - muốn phẫu thuật cứu bệnh nhân nhưng lại không có máy móc, phương tiện trợ giúp - vì thế nhiều trường hợp còn rất băn khoăn và có hỗ trợ TL thì cũng chưa được như mong muốn”.
 
Tâm lý học trường học còn thiếu công cụ hỗ trợ - 2

Chuyên gia Tâm lý-Giáo dục Han van Esch và Marja Hodes (Hà Lan) đang giảng dạy cho các giảng viên ngành Tâm lý học trường học và ngành Giáo dục đặc biệt tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.  
 
Trao đổi về vấn đề này, GS. Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, một trong những cơ sở đào tạo chính quy về TLHTH, cho biết: "Chúng tôi đã ưu tiên đầu tư kinh phí nghiên cứu, xây dựng và phát triển các công cụ đo lường, đánh giá, can thiệp trong TLHTH. Và hiện các chuyên gia TL của trường đang Việt hóa những bộ công cụ đo lường, đánh giá, can thiệp TLHTH hiện đại này".
 
Ngoài ra, các hoạt động thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện các chương trình đào tạo cũng được chú trọng với sự khích lệ từ các chuyên gia nước ngoài: “Học viên Việt Nam có tinh thần cầu thị, ham học hỏi nhằm giải quyết những khó khăn hiện tại và đầu tư trí tuệ để nghiên cứu thích ứng các bộ công cụ chẩn đoán, đánh giá của nước ngoài - những bộ công cụ chưa phù hợp về văn hóa, chưa thực sự có độ tin cậy khi dùng cho người Việt Nam”, chuyên gia TLGD Marja Hodes, giảng viên ĐH Armsterdam, giám đốc chương trình quốc gia hỗ trợ và trị liệu gia đình của Hà Lan cho biết.
 
L.Thu - T.Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm