“Tài năng trẻ về Đông phương học” chia sẻ kỷ niệm về ĐH Huế

Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Anh Đào đang bắt đầu viết luận án tiến sĩ Đông phương học là trường hợp đặc cách được lãnh đạo Trường ĐH Huế mời tham gia viết “hồi ức” cho tập kỷ yếu nói trên mặc dù năm nay cô mới 23 tuổi, chưa trải nghiệm nhiều để viết thể văn này.

Ngày 19/4/2012, Đại học Huế kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập. Xin giới thiệu một bài viết tươi trẻ, chân thành được chọn in trong tập kỷ yếu của trường.

MẤY DÒNG GIỚI THIỆU 

Đại học Huế là một đại học lớn ở miền trung, gồm bảy trường thành viên: Trường đại học Sư phạm, Trường đại học Khoa học, Trường đại học Y - Dược, Trường đại học Ngoại ngữ, Trường đại học Nông - Lâm, Trường đại học Nghệ thuật, và Trường đại học Kinh tế.

Một tập kỷ yếu dày dặn vừa được ấn hành vào dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Đại học Huế. Hầu hết số trang dành để in bài và ảnh về lịch sử Đại học Huế, hồi ức của các vị“chức sắc”, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ lãnh đạo Đại học Huế cũng như lãnh đạo các trường đại học thành viên và các khoa, bộ môn quan trọng trong trường.

Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Anh Đào, sinh năm 1989, đang bắt đầu viết luận án tiến sĩ Đông phương học, là trường hợp đặc cách được lãnh đạo nhà trường mời tham gia viết “hồi ức” cho tập kỷ yếu nói trên mặc dù năm nay cô mới 23 tuổi. chưa trải nghiệm nhiều để viết thể văn này. 

Qua một giọt sương, có thể thấy cả ảnh thái dương. Đọc một bài viết ngắn, có thể hình dung ra một ngôi trường lớn. 

Bạn đọc có thể tìm thấy trong bài viết của Anh Đào một văn phong trong trẻo, trẻ trung, giàu chất thơ, chất suy tưởng và triết luân, đầy cá tính sáng tạo. Anh Đào không chỉ quen viết văn nghiên cứu, nghị luận, mà còn là tác giả một số bài thơ đã được in sách. 

Không phải là quá đáng khi PGS, TS Nguyễn Văn Tân, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, gọi Anh Đào là “một tài năng trẻ” chốn cố đô…

Hàm Châu

"Nhiều người thường nói chữ “duyên” gắn với tình nghĩa vợ chồng. “Duyên” ban tạo cho hai con người xa lạ nghìn trùng dịp may gặp được nhau để rồi thương yêu nhau đằm thắm. 

Riêng tôi, chữ “duyên” mang tôi đến với ngôi trường tôi đã và đang gắn bó suốt tám năm qua, mà mỗi nấc thang khôn lớn, là một lần cái “duyên” lại lặng lẽ dẫn dắt tôi đi, như những gì “tiền định”! 

May mắn tới mức tưởng như “do trời đặt”, khiến tôi chợt nhớ tới câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều tả cảm xúc của chàng Kim “si tình” khi  thuê được ngôi nhà vắng chủ của một tay cự  phú  “Ngô Việt thương gia” “có hiên Lãm Thuý nét vàng chưa phai”, ngay sát cạnh nhà nàng Kiều “quốc sắc thiên hương”: 

Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây?

Cái “duyên trời”, cái “duyên tiền định” diệu huyền kia đâu phải xảy ra một lần trong mỗi kiếp người, mà, lắm khi phải chờ tới ba kiếp - “ba sinh” - may ra mới có được!

“Tài năng trẻ về Đông phương học” chia sẻ kỷ niệm về ĐH Huế
Đại học Huế gồm bảy trường đại học thành viên.

Ngôi trường cổ kính với trùng điệp cây xanh, mà trước kia, khi còn là cô bé học sinh trung học cơ sở, ngôi trường ấy đã là một cái gì đó diệu kỳ, bí ẩn chẳng bao giờ tôi dám nghĩ mình được chạm vào nó, thấu hiểu nó! Được chạm vào Điều Diệu Kỳ, ngay bây giờ đây nhớ lại, tôi vẫn còn cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, bởi lẽ Điều Diệu Kỳ chính là tác nhân đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành, qua những bước ngoặt quan trọng của đời tôi! Đến bây giờ, nghiệm lại, sao chữ “duyên” lại diệu huyền đến thế! 

Với tôi, một người không mang sẵn trong mình năng khiếu bẩm sinh ưu việt về văn chương từ phú, thì việc rời làng quê Hương Văn, huyện Hương Trà vào nội thành Huế chẳng khác nào thời xưa… “sĩ tử lai kinh”! Được vào học Lớp Chuyên văn của Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, đối với tôi, như là do cái  “duyên” từ kiếp trước! Hồi còn học trung học cơ sở, tôi khó khăn lắm mới thuộc nổi một bài thơ. Thế nhưng, thật may, đề thi tuyển sinh vào trường năm ấy lại là bài thơ mà ngày nào bố tôi cũng đọc, cũng ngâm nga, cũng phân tích: Tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Đó là bài thơ tôi thuộc nằm lòng, như một kỷ niệm không phai mờ của tôi với bố tôi. Đọc xong đề thi, tôi viết luôn một mạch, chữ nghĩa tuôn trào như suối chảy. Thế là tôi trúng tuyển vào Lớp Chuyên văn của ngôi trường đại học mà, đối với tôi, diệu kỳ như một giấc mơ!

Bước vào trường, bao bỡ ngỡ! Một cô bé tuổi "trăng tròn lẻ" non nớt được vào học cùng trường với bao anh chị sinh viên đã ở tuổi "hăm",  “già giặn”, “thông thái”, có cái gì đó thật ngại ngần. Thế rồi, với sự chăm sóc của cô chủ nhiệm Lớp Chuyên văn - cô Cao Đăng Ngọc Phượng, và thầy tổng phụ trách Phan Văn Trí, tôi cũng như các bạn cùng lớp dần thích nghi với môi trường mới. 

Nhớ những ngày dãy nhà E còn thấp nhỏ, được sửa chữa từ căn phòng ký túc xá sinh viên. Mỗi sáng, các bạn đến lớp trực nhật, hái hoa cúc tiểu muội đem vào cắm trên bàn thầy, cô. Cô dạy văn lớp tôi rất thích hoa. Cô càng yêu những đóa hoa do chính tay các em học trò của cô hái tặng. Những ngày mưa lớn, nước sông Hương chảy tràn cả vào lớp, rồi lũ to nữa chứ, thế mà chúng tôi vẫn nhớ, vẫn thương ngôi nhà E đó, nơi hoa bằng lăng nở tím trong sân, nơi chúng tôi tụ tập đá cầu hay ngồi ôn bài dưới những vòm cây trăm tuổi trầm tư. 

Thỉnh thoảng tôi lại “bí mật” núp vào một góc trong phòng thí nghiệm nấm của trường để theo dõi cây nấm vừa được ươm lên. Lúc đó, tôi chỉ mới biết thích nhìn nấm, biết yêu những nụ mầm mới nhú từ túi rơm; chứ không như giờ đây, tôi đã biết thêm đó chính là thứ nấm quý linh chi có thể chữa “bách bệnh”; lại biết trường tôi là một trung tâm nuôi cấy linh chi hàng đầu cả nước, và một phần nhờ việc đó mà bè bạn gần xa nghe vọng tiếng ngôi trường thân yêu của tôi bên sông Hương, núi Ngự.

Chẳng bao giờ tôi có thể quên bài thơ của thầy tôi Hàng cây bàng và ô cửa sổ mộng mơ bên dãy nhà E, nơi mà những cô, cậu học trò lớp toán nhìn sang lớp văn qua tán lá bàng xanh, ô cửa sổ “vô tư” để đặt câu hỏi bằng mắt: “Lớp ấy đang học môn gì?”. Thân thương thế đấy, vì các các cô gái, chàng trai mới lớn, lòng đầy mộng ước ở các "lớp chuyên" trường tôi, dù toán hay văn, có xa cách nhau bao giờ? 

Năm tháng trôi qua, tôi dần học xong những năm lớp chuyên. Chiếc áo dài thiếu nữ bỏ lại phía sau. Tôi chuyển lên dãy nhà H, dãy nhà cao rộng hơn, dành cho các anh chị đại học, cảm thấy thân thương khi ngoái nhìn lại các em khóa sau, với tấm áo dài thiếu nữ tung bay và những gian phòng thấp nhỏ mà chỉ ba tháng trước đấy, tôi còn là một “chủ nhân”. 

Được học lên bậc đại học của trường này, cũng là nhờ “duyên trời” lại đến với tôi. Năm cuối cấp, tôi theo bạn bè đi học thêm, may sao gặp được thầy PGS, TS Hoàng Văn Hiển. Thầy cho biết ngành mới mở của Trường Đại học Khoa học năm ấy là ngành Đông phương học. Một chút gì đó muốn khám phá, một chút ngờ vực và một chút ham học hỏi, dường như, ngay từ phút gặp mặt đầu tiên ấy, thầy đã nhận ra tâm trạng đó ở tôi, nên thầy mới định hướng cho tôi thi vào ngành Đông phương học. Về sau, tôi mới biết, thầy là một người tiên phong cùng với các thầy, cô khác trong Khoa Lịch sử - Trường đại học Khoa học lập ra ngành mới mà tôi theo học. 

“Tài năng trẻ về Đông phương học” chia sẻ kỷ niệm về ĐH Huế
Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Anh Đào năm 22 tuổi, 2011.

Với những bỡ ngỡ của ngành học mới, chương trình học chưa ổn định, đang được xây dựng thêm, thầy Hiển thương chúng tôi, thầy thường nói khóa đầu tiên luôn là khóa chịu nhiều thiệt thòi, nhưng cũng là khoá của những người đi tiên phong mở đường. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi như thế, và luôn gửi gắm niềm kỳ vọng vào những cô, cậu sinh viên khoá đầu. Tôi luôn nhớ lời thầy nói, với đôi mắt trìu mến thân thương, và lớp chúng tôi luôn cố gắng học tập cũng như tham gia hoạt động Đoàn, lập ra hai câu lạc bộ Du lịch và Anh văn dành cho sinh viên, giải thưởng nghiên cứu khoa học Kova (mang tên một công ty), và đạt một số thành tích khác. 

Thầy Hà Văn Thịnh, thầy chủ nhiệm lớp, lo cho chúng tôi từ những điều nhỏ nhất. Tôi thấy, qua năm tháng, đôi mắt thầy sâu hơn, mái tóc thầy thêm nhiều sợi bạc. Thỉnh thoảng tôi lại lặng lẽ “nhìn trộm” thầy, như muốn “khám phá” một con người công tâm luôn trăn trở vì bao thế hệ học trò. 

Mỗi năm lại có một “Ngày hội Đông phương”. Tất cả các bạn sinh viên trong ngành cùng nhau gặp gỡ, chia sẻ những khó khăn, cảm nhận những thành công của ngành mình, và cũng là dịp để bao bạn cũ, mới ngồi lại quây quần, thắt chặt thêm tình thân ái. Là sinh viên của một ngành học mới, chúng tôi tuy ở các khóa khác nhau, nhưng thương yêu nhau như anh chị em một nhà. Thầy, cô thường khen “Đông phương học có tinh thần đoàn kết”. Qua những khoảnh khắc vui vầy như thế, tôi càng yêu hơn nơi tôi được nuôi dưỡng nên người.

Nhiều bạn hôm ra trường khóc nức nở. Ngày mai, sẽ phải rời xa mái ấm! Đây là nơi các bạn tỉnh xa coi như quê hương, như ngôi nhà mình. Thật may mắn, tôi được tiếp tục học lên tại trường. Xúc động, bồi hồi cùng với niềm hạnh phúc vô biên không sao tả xiết! Tôi vẫn được ngôi trường cũ thân yêu tiếp tục chở che, chăm sóc. 

Thầy hướng dẫn tôi viết khoá luận tốt nghiệp đại học cũng là thầy giới thiệu tôi làm nghiên cứu sinh, người mà suốt đời tôi ghi nhớ công ơn trời biển - PGS, TS Nguyễn Văn Tận, hiệu trưởng của trường! Nhớ lại khi được biết thầy Tận là thầy hướng dẫn, tôi run run không biết mình có viết nổi khoá luận hay không, sợ thầy phải phiền lòng thất vọng! Rất may, thầy tận tình sửa cho tôi từng chữ, từng câu, giúp tôi trau chuốt văn phong sao cho chuẩn mực, sáng trong, không khô cằn, sáo rỗng…. 

Khóa luận tốt nghiệp cũng chính là công trình nghiên cứu khoa học đầu tay của tôi. Tôi yêu nó lắm. Nó giống như bước chân đầu tiên trên con đường xa nghìn dặm của nghiên cứu khoa học, con đường mà tôi đã chọn và quyết chí đi theo trọn đời. Việc trúng tuyển làm nghiên cứu sinh, làm một người con khôn lớn của ngôi trường thân thương này, một lần nữa, hình như cũng do cái “duyên tiền kiếp” vẫn hiện diện trong tôi mà tôi không hề hay biết!

Nhìn lại bao năm tháng trưởng thành, tôi dường như không lý giải nổi những gì đã đến với tôi trong ngôi trường mà tôi gắn bó suốt cả tuổi thanh xuân tươi thắm. “Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây?” Đã bao lần tôi âm thầm tự hỏi.

Đã bao mùa cây phong phương bắc được di thực về trồng trong sân trường thay màu lá đỏ? Đã bao lớp người được nuôi lớn trong ngôi trường này, để rồi giờ đây trở thành những anh hùng, công dân ưu tú của thời kỳ đổi mới. Ngôi trường cổ kính với kiến trúc Pháp thanh tao, đường bệ giờ đây được xây dựng khang trang hơn, đã 55 tuổi rồi đấy!

Và những “vang bóng” buồn vui của tuổi hoa niên phơi phới thế hệ chúng tôi như vẫn còn ẩn hiện đâu đây? Những ai đã từng đến, từng đi, từng về bên rặng cây xưa, hàng ghế cũ, chắc hẳn sẽ vui lòng chia sẻ cảm xúc cùng tôi qua mấy dòng lưu bút chân thành, yêu dấu, kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập trường.

Hoàng Thị Anh Đào
Nghiên cứu sinh Đông phương học