Một tài năng trẻ về Đông phương học
(Dân trí) - Tuy chặng đường phía trước còn dài và lắm chông gai, thành công hôm nay của Hoàng Thị Anh Đào vẫn rất đáng khen: 22 tuổi, bảo vệ xuất sắc luận văn cử nhân, được chuyển tiếp viết luận án tiến sĩ, bỏ qua bậc thạc sĩ.
“Một tài năng trẻ”! Đó không phải là nhận xét thiên vị của tác giả bài báo này, mà là từ ngữ được thầy hiệu trưởng Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Tận, viết trong thư giới thiệu Hoàng Thị Anh Đào, sinh năm 1989, dự tuyển nghiên cứu sinh tiến sĩ hồi tháng 9-2011. Ông là người trực tiếp hướng dẫn cô viết luận văn tốt nghiệp cử nhân Hoạt động thương mại Việt Nam với các nước phương Tây (thế kỷ XVI - XVIII) gồm chín vạn chữ (chưa kể phụ lục).
Ông nhận định: “Trong luận văn ấy, Hoàng Thị Anh Đào đã đưa ra một cách nhìn nhận mới mẻ về quan hệ thương mại Việt Nam với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, đồng thời, nhận định những tác động của nó đối với Việt Nam trong sự đối sánh giữa các nước. Với văn phong khoa học, lập luận chặt chẽ, cùng nguồn tư liệu mới, phong phú, luận văn ấy có thể phát triển hơn nữa để có được học vị cao hơn.”
PGS, TS Nguyễn Văn Tận viết tiếp: “Tôi đánh giá cao năng lực tư duy, nghiên cứu độc lập của thí sinh Hoàng Thị Anh Đào. Đây là một sinh viên xuất sắc mà tôi từng hướng dẫn, có khả năng phản ứng nhanh, sáng tạo. Tôi nhận thấy Hoàng Thị Anh Đào sẽ tiến xa trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, và sẽ có nhiều đóng góp cho chuyên ngành lịch sử thế giới, Đông phương học (…). Đây là một tài năng trẻ, việc được tiếp tục chuyển tiếp nghiên cứu sinh có thể giúp Anh Đào phát huy hơn nữa năng lực của mình.”
Thầy hiệu trưởng cho biết: Anh Đào “sử dụng tốt tiếng Anh, khá tiếng Pháp và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc”.
Thầy phó hiệu trưởng Hoàng Văn Hiển, phó giáo sư, tiến sĩ, cũng viết thư giới thiệu Anh Đào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, và cho biết thêm: Cô “còn tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các hoạt động xã hội khác.”
Riêng tôi, người viết bài báo này, gặp Anh Đào lần đầu tiên tại Thủy Xuân, ngoại thành Huế, vào ngày khai trường năm 2007, khi em vừa tròn 18, vừa đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào ngành Đông phương học.
Không mang vẻ đẹp phấn son nhung lụa, nhưng em cuốn hút tôi ngay từ buổi chiều thu hôm ấy - một chiều cố đô dịu nắng - qua đôi mắt long lanh, lấp lánh ánh sáng nội tâm. Bằng trực giác, tôi dự cảm rằng Anh Đào sẽ còn tiến xa, bởi vì em là một cô gái đầy lòng tự tin, dám nuôi hoài bão lớn.
Trong cuộc đời làm báo trải dài nhiều thập niên, rất ít khi tôi bắt gặp một ánh mắt tự tin mãnh liệt như thế. Đấy là khi tôi trò chuyện với những bạn trẻ - mới ngày nào cũng ở độ tuổi 15-18 như Anh Đào chiều hôm ấy - vừa đoạt huy chương vàng Olympiad Toán quốc tế trở về Hà Nội, như Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Tiến Dũng, Ngô Bảo Châu, Ngô Đắc Tuấn… Và rồi, hàng chục năm sau, tôi đã không thất vọng, bởi vì niềm dự cảm của tôi ngày trước, nay đã thành sự thật…
Tại sao Anh Đào lại dám “liều lĩnh” chọn ngành Đông phương học, dù biết rằng sau khi ra trường, khó tìm việc lắm! Bạn bè cùng trang lứa “thức thời” hơn, đổ xô thi vào tài chính - ngân hàng, quản trị - kinh doanh. Những người đứng tuổi cũng “tư vấn” cho Anh Đào theo hướng dễ xin việc, lương cao, dễ lấy chồng. Sự lựa chọn của Anh Đào bị coi là “ngược đời”, “trái khoáy”, “mơ mộng viển vông”! Nhưng Anh Đào vẫn cứ nộp đơn thi vào ngành Đông phương học. Và em đỗ thủ khoa!
Hẳn em là người con gái không dễ chuyển lay? Và sự lựa chọn của em hẳn phải bắt nguồn từ những suy tư sâu thẳm nào đó mà người khác chưa thấu hiểu, do cứ dai dẳng tưởng lầm em vẫn còn… “trẻ con”!
Có năng khiếu vượt trội, 15 tuổi, Anh Đào thi đỗ vào lớp THPT chuyên văn của Đại học Khoa học - Đại học Huế. Không chỉ học theo sách giáo khoa, em còn đọc thêm nhiều sách chuyên khảo.
Anh Đào nghĩ nhiều về cuộc đời những học giả lớn như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Văn Tấn… Tại sao một bộ óc thông tuệ nhường ấy, từng thi đỗ vào hai “trường lớn” danh tiếng nhất nước Pháp là Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Paris, rất giỏi toán - lý như Hoàng Xuân Hãn, về sau, lại dành phần lớn đời mình để quay sang nghiên cứu văn - sử Việt, viết nhiều công trình lớn về Việt Nam học, Đông phương học như Lý Thường Kiệt, Kiều tầm nguyên?
Và, tại sao một trí tuệ sắc bén như Nguyễn Tài Cẩn, dù đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ở Nga, lấy vợ Nga, lại vẫn dành gần như toàn bộ tâm trí cho Việt Nam học, Đông phương học, cho việc nghiên cứu lịch sử cách đọc Hán-Việt, chữ Nôm, ngữ âm tiếng Việt, văn bản Truyện Kiều?
Phải có một kiến văn sâu rộng như thế nào Hà Văn Tấn mới viết nổi những công trình chuyên khảo thâm thúy như Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Theo dấu các văn hóa cổ…?
Ai sẽ kế tục sự nghiệp của những học giả lừng danh ấy trong lĩnh vực Việt Nam học, Đông phương học, nếu không phải là lớp trẻ hôm nay? Lẽ nào giờ đây ta chỉ có thể tìm thấy những bạn trẻ giỏi khoa học tự nhiên như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, chứ hoàn toàn thiếu vắng những tài năng khoa học xã hội? Lẽ nào trong tương lai gần, các trường đại học nước ta phải mời chuyên gia nước ngoài sang dạy Việt Nam học?
Cô nghiên cứu sinh 22 tuổi tâm sự: “Tôi không săn lùng hạnh phúc trong sự giàu có hay địa vị cao sang, mà chỉ mong sống cuộc đời bình lặng của một người trí thức, một “kẻ sĩ” thời nay, không cần lắm tiền nhiều của, nhưng cũng không đến nỗi quá nghèo túng, để có thể dành hết tâm trí cho học tập, nghiên cứu. Tôi kiếm tìm niềm vui và sự an ủi trong khoa học và tình yêu - một tình yêu sạch trong, sâu lắng, vị tha nếu như Tạo hóa rộng lòng ban thưởng cho tôi.”
Không chỉ thầy hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, mà cả các thầy cô trong khoa, trong bộ môn đều yêu mến Anh Đào vì tính tình và năng lực. Anh Đào biết ơn thầy cô, thường nhắc tới thầy Hà Văn Thịnh, thầy Đặng Văn Chương, cô Trịnh Thị Định và các thầy cô khác trong khoa lịch sử, cũng như cô Ngô Thu Hồng ở Thủy Xuân.
Hòa mình giữa bạn bè, Anh Đào cùng các bạn trong lớp đứng ra lập hai câu lạc bộ sinh viên về tiếng Anh và du lịch. Cô là thành viên ban chủ nhiệm hai câu lạc bộ ấy.
Mặc dù sống và làm việc trên đất Pháp xa xôi, GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc và GS Odon Vallet vẫn theo dõi sát từng bước tiến của Anh Đào và luôn khích lệ, giúp đỡ cô.
Lớn lên trong gia đình nông dân bình dị, Anh Đào quen sống chan hòa với mọi người, từ bác lao công đến vị giáo sư. Khiêm nhường, cầu tiến là suối nguồn sức mạnh nằm ngay trong bản thể của cô.
Hàm Châu