Tác động mạnh của AI có làm mất đi cơ hội việc làm của ngành IT?

Yến Nhi

(Dân trí) - Một chuyên gia công nghệ tiên đoán rằng chỉ 2-3 năm nữa, mọi người sẽ cảm nhận được tác động rất trực tiếp của AI (trí thông minh nhân tạo) tới ngành công nghệ thông tin (IT).

Sự bùng nổ của các công cụ AI, đặc biệt là Chat GPT 3.5 tạo ra một loạt những thách thức mới, làm một loạt công việc biến mất. Thậm chí, lập trình là một trong những công việc mà cách đây khoảng một năm, không ai nghĩ rằng có thể thay thế được cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi lớn đối với các ngành nghề trong tương lai, chưa có bất kỳ định hướng, chia sẻ nào giúp cho Gen Z được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thoát khỏi làn sóng thay thế của AI.

Mặt khác, sự bùng nổ của truyền thông (Facebook, Tiktok...) khiến giới trẻ bị cuốn theo sự hào nhoáng, "bề nổi" của các Influencers, KOLs giàu có, từ đó sinh ra tư tưởng tìm kiếm "việc nhẹ lương cao".

Các bạn trẻ quên mất một điều quan trọng rằng để thành công thực sự, việc đầu tiên cần làm đó là tạo ra giá trị cho cộng đồng. Bởi con người sẽ trở nên hạnh phúc và thành công nhất khi được cống hiến, khi đó, sự sung túc và thịnh vượng sẽ đến với bản thân.

Tác động mạnh của AI có làm mất đi cơ hội việc làm của ngành IT? - 1

Chuyên gia quản lý lĩnh vực công nghệ thông tin Nguyễn Huy Dũng tiên đoán về sức ảnh hưởng của AI tới ngành này (Ảnh: Nguyễn Trang).

Tại sự kiện giao lưu công nghệ "Hóng cùng chuyên gia với chủ đề: Thao túng AI" cùng với hàng trăm sinh viên ngành công nghệ thông tin, anh Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Sản xuất Tập đoàn Gameloft, chuyên gia hàng đầu với hơn 15 năm kinh nghiệm quản lý trong ngành này chia sẻ nhiều thông tin bổ ích, giúp GenZ làm chủ AI trong thời đại mới, bên cạnh đó xác định tư tưởng chuẩn mực, từ đó làm giàu chính đáng.

Anh Nguyễn Huy Dũng nhắc đến một câu nói vui: "IT (công nghệ thông tin) là vua của mọi nghề".

Anh Dũng lý giải: "Điều này dựa trên cả số liệu về nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin, đang thiếu và còn tiếp tục thiếu trong nhiều năm nữa dựa vào thực tế quan sát. Theo đó, những đầu việc liên quan đến IT khi đăng tuyển thì thường sẽ tuyển được ngay hoặc nếu không tuyển được là do thiếu ứng viên chứ không phải do không tuyển được ai. Đó là bối cảnh mà từ trước đến nay chúng ta vẫn nghĩ như vậy".

Tuy nhiên chuyên gia này chỉ ra, khi sử dụng thử Chat GPT, nhiều bạn sẽ thấy được rằng: Chat bot này còn khá kém, không thể thay thế được công việc của chúng ta. Vì vậy, liệu có phải rất lâu nữa AI mới có thể thay thế con người?

Đây là quan điểm của rất nhiều người và cũng giống với quan điểm của Elbert Hubbard: "Một cỗ máy có thể làm thay việc của 50 người bình thường, nhưng không cỗ máy nào có thể làm thay việc của một người phi thường".

Anh Dũng hài hước nói: "Hầu hết mọi người đều nghĩ là mình giỏi, không ai nhận mình là người dốt. Cho nên là, AI không thể thay thế chúng ta.

Tuy nhiên câu nói trên của Elbert là từ 100 năm trước, nên các bạn không cẩn thận thì 10 năm sau các bạn sẽ ở vào vị trí của những người 10 năm trước còn ngồi chế giễu AI và 10 năm sau thì đã phải... đứng đường".

Tác động mạnh của AI có làm mất đi cơ hội việc làm của ngành IT? - 2

Anh Dũng tiên đoán rằng chỉ 2-3 năm nữa, mọi người sẽ cảm nhận được tác động rất trực tiếp của AI tới ngành công nghệ thông tin.(Ảnh: Nguyễn Trang).

Anh Dũng nêu, cách đây 10 năm, nhiều người nghĩ rằng AI có thể thay thế những nghề đơn giản trước và những công việc  mang tính trí tuệ như là đồ họa, sáng tạo, nhiếp ảnh hay lập trình gần như không bao giờ thay thế được.

Nhưng với những bước tiến phát triển mới thì chính những công việc kể trên lại là công việc đang bị đe dọa nhiều hơn, dù chưa cần nói đến việc AI có giỏi hơn được không. "Chỉ cần trên thế giới có người dùng AI giỏi hơn mình là mình thua", diễn giả nói.

Vị giám đốc tiên đoán rằng chỉ 2-3 năm nữa, mọi người sẽ cảm nhận được tác động rất trực tiếp của AI tới ngành công nghệ thông tin.

Anh Dũng trích dẫn thông số của một báo cáo cách đây một năm, trước thời điểm Chat GPT ra đời, với công cụ Github Copilot (một công cụ AI hỗ trợ lập trình viên bằng cách tự động hoàn thành mã code) đã giúp người dùng gõ code nhanh hơn, trực tiếp ở trong Visual Studio Code (là một ứng dụng soạn thảo các loại code, để hỗ trợ người dùng trong quá trình áp dụng thiết kế website, hay biên tập code).

Từ đó, có thể khiến cho các lập trình viên có thể hoàn thành công việc của mình chỉ trong một nửa thời gian so với trước kia.

"Vậy bạn có thể hình dung rằng những công việc trước kia cần đến 10 lập trình viên thì bây giờ chỉ cần có 5 người, nếu là người giỏi thì thậm chí chỉ cần có 2. Vậy 8 người còn lại đi đâu?

Tám người còn lại có thể bị tụt xuống những vị trí nhàm chán hơn và bị trả lương thấp hơn so với giá trị hoặc ba đến bốn năm nữa thì họ có thể bị thay thế. Đây chính là mối nguy của Chat GPT có thật chứ không phải không".

Tác động mạnh của AI có làm mất đi cơ hội việc làm của ngành IT? - 3

Anh Hoàng Hoa Trung nhắn nhủ bạn trẻ tìm câu trả lời cho câu hỏi "Mình tồn tại vì lý do gì? Mình giúp ích gì cho mọi người?" (Ảnh: Nguyễn Trang).

Cũng tại buổi giao lưu với sinh viên diễn ra trong khuôn khổ của Lễ tốt nghiệp - khai giảng 2023 của Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, anh Hoàng Hoa Trung, người sáng lập và điều hành dự án "Nuôi em" - dự án giúp hơn 80.000 em nhỏ trên khắp mọi miền Tổ quốc được nhận nuôi, trao đổi kinh nghiệm của anh trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Anh Trung tập trung nói về lý tưởng của người trẻ. Anh nêu: "Khi bắt đầu học chương trình gì đó, rất nhiều người có cho mình một mục tiêu nhất định để định hướng cho tương lai. Tuy nhiên bản thân mình không bắt nguồn từ ai cả, mà bắt nguồn từ suy nghĩ: Mình tồn tại vì lý do gì? Mình giúp ích gì cho mọi người?".

Anh Trung cho rằng, để có thể làm được những điều đột phá, lớn lao, giới trẻ nên bỏ đi từ "nhưng" để phát triển tư duy phát triển thay vì tư duy sợ hãi rủi ro. 

"Người thành công đã vượt qua những thử thách gì? Chúng ta cần vượt qua 3 cánh cửa: Đầu tiên cần vượt qua cánh cửa của chính các bạn, biết mình muốn gì, biết mình cần gì, biết mục tiêu của mình là gì. Cánh cửa thứ hai chính là gia đình, bố mẹ. Cánh cửa thứ ba chính là cộng đồng, xã hội", anh Hoàng Hoa Trung nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm