Sữa học đường: Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định không có chuyện ép tự nguyện
(Dân trí) - “Tôi khẳng định, hoàn toàn không có việc ép thi đua trong việc vận động chương trình sữa học đường, không biết đưa xét vào mục nào bởi đến cả môn học, hiện giờ còn không đưa vào chỉ tiêu thi đua thì việc uống sữa nên đưa vào mục nào? Do đó, giáo viên không ép, không “xui” phụ huynh đừng tham gia mà giải thích để phụ huynh rõ”.
Trên đây là ý kiến của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội chiều 25/9 về Đề án Sữa học đường đang gây xôn xao dư luận.
Có thể mang vỏ hộp về kiểm tra hạn sử dụng
Đề án "Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020" đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...
Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml, có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.
Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%. Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.
Ông Tiến cho biết, hiện đang đấu thầu theo quy định. Có 7 đơn vị tham gia đấu thầu nhưng chắc chắn phải là các hãng sữa lớn tham gia đề án sữa học đường bởi nếu mỗi cháu một hộp thì mỗi ngày đã sử dụng hàng triệu hộp sữa nên các hãng sữa lớn mới đáp ứng được.
“Bất kỳ hãng sữa nào trúng thầu cũng phải đầy đủ các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, về mặt dinh dưỡng mà Bộ Y tế đưa ra, ngày đóng thầu sẽ là ngày 1/10 sắp tới.
Tôi tin, chỉ những hãng sữa lớn mới đảm nhiệm được việc cung cấp. Nếu chất lượng sữa không đảm bảo, một bộ phận nhỏ học sinh uống sữa bị vấn đề thì thương hiệu đó có thể bị phá sản, thất thu.
Về tiêu chuẩn sữa, ngành giáo dục sẽ làm việc với Bộ Y tế và Viện dinh dưỡng quốc gia. Trong đó, Viện Dinh dưỡng quyết định sẽ có thành phần nào. Có thể khẳng định, sữa này khác cơ bản so với các loại sữa đang bán ngoài thị trường bởi trong đó, bổ sung nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao. Còn Sở Y tế chịu trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở GD&ĐT quản lý việc thực hiện của các trường thông qua hệ thống”, ông Tiến nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc phụ huynh lo lắng sữa sắp hết hạn sử dụng là không có vì lượng tiêu thụ mỗi ngày trên toàn thành phố rất lớn.
Ông Tiến cho biết: "Khi sữa được chở đến trường sẽ nhập kho, giáo viên là người đến kho để nhận, quản lý việc uống sữa, hướng dẫn học sinh cách bóc hộp sữa, ép vỏ sữa, sau đó đóng trong hộp lớn cho nhà cung cấp vận chuyển để tái chế. Một trường có đông học sinh đến 4.000 em thì khi xả lượng vỏ sữa ra nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Một số phụ huynh băn khoăn, các con có thể mang sữa về nhà được không, tôi muốn sữa học đường phải được thụ hưởng và quản lý tại trường và chúng tôi sẽ có cơ chế để quản lý.
Đặc biệt, học sinh hoàn toàn có thể mang vỏ hộp về cho phụ huynh xem thành phần, hạn sử dụng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một ngày tiêu thụ từ 1 triệu đến 1,1 triệu hộp sữa, làm gì có hàng tồn."
"Không có chuyện ép buộc"
Về câu hỏi của PV Dân trí, hiện có tình trạng nhà trường “ép” tự nguyện vì thành tích ở các trường, ông Tiến cho hay: “Chúng tôi nghĩ, việc các phụ huynh chưa hiểu rõ về đề án, một phần do “tam sao thất bản”.
Thứ nhất, khẳng định việc triển khai hoàn toàn tự nguyện nhưng về tới trường học, hiệu trưởng và giáo viên lại nghĩ là thi đua nên đâm ra truyền đạt chưa đúng.
Do vậy, tôi nghĩ nên truyền thông để phụ huynh hiểu được vấn đề, tự nguyện và vui vẻ tham gia mới đúng”, ông Tiến nói.
Thứ hai, theo ông Tiến, có chuyện rất tế nhị, con người khác uống, con mình không uống thì trẻ sẽ thế nào? Hoặc có gia đình cho con uống sữa Mỹ, sữa Úc còn sữa Việt Nam có đáp ứng được không: “Chúng tôi nghĩ, có thể nhiều gia đình cho con uống sữa ngoại nhưng chưa chắc sữa ngoại đã có các thành phần mà sữa học đường có”.
Về tiêu chuẩn sữa, theo ông Tiến, hiện đơn vị này đã làm việc với Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nên bổ sung như thế nào để tốt nhất cho trẻ.
Ông Tiến chia sẻ, tinh thần của chương trình sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện. Nếu phụ huynh đã đăng ký có thể hủy, chưa đăng ký có thể bổ sung, hoàn toàn không có chuyện ép đăng ký để xét thi đua. Tránh để xảy ra tình trạng học sinh không uống được sữa nhưng vẫn bị ép.
“Tôi khẳng định, hoàn toàn không có việc ép thi đua trong việc vận động chương trình sữa học đường, thậm chí còn không biết đưa xét vào mục nào bởi đến cả môn học, hiện giờ còn không đưa vào chỉ tiêu thi đua thì việc uống sữa nên đưa vào mục nào?
Do đó, không ép, không “xui” phụ huynh đừng tham gia mà nên giải thích để phụ huynh hiểu”, ông Tiến khẳng định.
Sữa học đường hoàn toàn khác sữa trên thị trường
Tại buổi giao ban Thành ủy chiều 25/9, ông Tiến cho hay, có thể khẳng định sữa này khác cơ bản so với các loại sữa đang bán ngoài thị trường bởi trong đó, bổ sung nhiều vi lượng, khoáng chất để tăng chiều cao.
PGS.TS Bùi Thị Nhung - trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, sữa là một trong tám nhóm thực phẩm được khuyến cáo nên sử dụng hàng ngày, có mặt trên tất cả các tháp dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi. Sữa quan trọng và dễ tiếp thu của giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.
Theo bà Nhung, Viện Dinh dưỡng khuyến nghị trẻ mầm non nên sử dụng 3-4 đơn vị sữa một ngày, trẻ 6-7 tuổi sử dụng 5 đơn vị sữa, trẻ 9-11 tuổi sử dụng 9 đơn vị sữa một ngày. Với trường nào có sẵn sữa sẽ chuyển đổi sữa đang có thành sữa chua hoặc phomai. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng để bị béo phì.
“Trẻ Hà Nội béo phì vì được ăn nhiều, nhiều phụ huynh có suy nghĩ đầu tiên là cắt sữa cho con. Tuy nhiên không phải như vậy, các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi đều có lượng calo nhiều hơn sữa. Vì vậy trẻ béo phì không phải do sữa mà do nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn một chiếc bánh bích quy, lon coca hay bánh giò, bánh rán”, bà Nhung cho biết.
Mỹ Hà