Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Thảo luận về danh xưng hay về chất lượng thực tế
(Dân trí) - “Việc có trường đại học trong đại học không quan trọng bằng việc đánh giá xem sự kết nối giữa các trường thành viên của các đại học đó có hiệu quả hay không, có đem lại lợi ích cho người học hay không, có tạo ra sản phẩm tri thức phục vụ cho cộng đồng tốt hay không”.
TS Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu giáo dục nêu quan điểm về mô hình hệ thống giáo đại học, đại học, trường đại học mà các chuyên gia giáo dục đang bàn thảo góp ý cho sửa đổi Luật Giáo dục đại học.
Phóng viên: Trong các thảo luận gần đây về dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), có một số ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống giáo đại học, đại học, trường đại học, là người nghiên cứu về GDĐH ông có nhận xét gì về việc này?
TS. Phạm Hiệp: Theo tôi hiểu, mục tiêu của lần sửa đổi này là để giải quyết những vướng mắc nhằm tạo khung pháp lý rộng nhất cho các cơ sở GDĐH phát huy hết tiềm năng của mình. Đây là cơ hội tốt để đưa ra một hành lang pháp lý mới cho cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và qua đó giúp các cơ sở giáo dục đại học thực sự trở thành trung tâm của nền kinh tế xã hội và văn hóa của đất nước.
Trong các nội dung được sửa đổi, trọng tâm được đặt ra là làm sao tạo ra một cơ chế mới phát huy tốt hơn quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH – điều đã được giới chuyên môn chỉ ra là yếu tố bản lề giúp nâng cao chất lượng GDĐH.
Trong quá trình thảo luận, tôi cũng nhận thấy có những ý kiến về mô hình hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Bởi vì, chúng ta có các Đại học Quốc gia, các Đại học Vùng, Trường Đại học, Học viện. Có ý kiến cho rằng mô hình hệ thống GDĐH của chúng ta chưa được “mạch lạc”, cho nên cần có những thay đổi.
Tôi nghĩ chúng ta muốn đánh giá về hiệu quả của một mô hình, cần có những dữ liệu và bằng chứng về nó chứ không thể nói dựa trên quan sát cảm tính. Thí dụ: kết quả nghiên cứu khoa học thế nào, uy tín học thuật ra sao, sinh viên ra trường không có việc làm hay không, nhà tuyển dụng họ đánh giá thế nào… Nếu mô hình cơ sở GDĐH nào không đáp ứng những chỉ số này thì đúng là cần thay đổi một cách căn bản về mô hình với những cơ sở giáo dục đại học như vậy.
Còn những thực thể đại học đã định hình, đã khẳng định được thương hiệu và vị trí thì không nên thay đổi quá nhiều gây rối loạn hệ thống chung và bên trong các cơ sở này. Thí dụ, gần đây chúng ta đều biết, trong bảng xếp hạng đại học quốc tế của tổ chức QS lần đầu tiên có tên hai ĐHQG của Việt Nam trong top 1000 đại học tốt nhất của thế giới. Theo QS Châu Á, 2 Đại học quốc gia đều nằm trong top 15 châu Á.
Các ĐHQG và ĐH vùng cũng là các đơn vị năng động trong việc đón đầu các xu thế mới trong GDĐH như kiểm định chất lượng, đổi mới thi tuyển sinh, bằng kép, đào tạo liên ngành, gắn kết đào tạo với NCKH, NCKH theo chuẩn mực quốc tế ….
Điều này có được một phần nhờ việc các ĐH này có quyền tự chủ cao, lợi thế liên ngành, khả năng khai thác các nguồn lực chung.
Tất nhiên, ĐHQG và ĐH vùng cũng có những vấn đề nội tại, đôi khi xuất phát từ do sự thiếu nhất quán và không đồng bộ về chủ trương, quan điểm và khung pháp lý. Ví dụ, có vẻ như Thông tư 08 về các Đại học Vùng lại tạo ra khoảng cách cho các trường đại học thành viên thay vì thúc đẩy họ hỗ trợ gần nhau như nỗ lực và mục tiêu ban đầu.
Theo tôi, để điều chính việc này cần tăng cường hỗ trợ, xóa bỏ các rào cản chính sách hơn là tạo ra sự phân tâm bằng những chính sách quá mới mà chưa được nghiên cứu, phân tích tác động một cách thấu đáo.
Nhóm nghiên cứu của GS.TSKH Lưu Văn Bôi (Khoa Hóa học - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN) với sản phẩm nghiên cứu là diesel sinh học (ảnh: Bùi Tuấn)
Phóng viên: Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mô hình trường đại học trong đại học (University trong University) là không giống ai? Ông có nhận xét gì về điều này?
TS. Phạm Hiệp: Cơ cấu một cơ sở giáo dục đại học trên thế giới rất đa dạng, chứ không có khuôn mẫu chung. Một số nơi đơn vị trực thuộc trong cơ cấu trường đại học (university) là college (hay được dịch là Trường), faculty (hay được dich là Khoa), school (hay được dịch là Trường), department (Khoa hoặc Bộ môn), institute (Viện).
Nhưng, với sự hiểu biết của tôi, có thể nói không hề có một công thức chung nào cho cơ cấu nội bộ của một trường đại học. Có nơi áp dụng mô hình university – college - department; có nơi lại áp dụng mô hình university - school – faculty - department và hầu như rất ít nơi, người ta quy định cứng nhắc đơn vị con thuộc university là phải như thế nào như quy định hiện hành ở Việt Nam.
Trường nơi tôi học tiến sĩ ở Đài Loan thì cấp institute lại là cấp thấp nhất, thấp hơn college và dưới university. Mặc dù rõ ràng khi dịch ra tiếng Việt, institute là Viện làm chúng ta tưởng là rất to.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều nơi áp dụng mô hình giống mô hình ĐHQG hay ĐH vùng như ở Việt Nam, tức là university trong university. Ví dụ, ĐHQG Ireland, ĐH Phillipines là những đại học có các trường đại học thành viên, các university nằm trong university.
Từ những năm 1970, Mỹ cũng có mô hình ĐH California cũng là trường đại học trong đại học, sau đó được nhiều Bang khác học tập. Hay gần đây nhất, ở Pháp có một loạt các trường sáp nhập với nhau, như ĐH Paris 11, đã nhập với các trường khác tạo thành một ĐH mới là University of Paris-Saclay – ĐH bao trùm lên các trường thành viên. Các university mẹ kể trên đều là các thực thể, được điều hành bởi một bộ máy vận hành chung, có thực quyền.
Xu hướng sáp nhập này diễn ra là do sự cạnh tranh trong giới học thuật đỉnh cao ngày càng khốc liệt. Do vậy, “những con sói cô đơn” nhìn chung không hiệu quả trong sự cạnh tranh này, mà cần có sức mạnh tổng hợp với nguồn lực dồi dào.
Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học, hoặc là tự phát (khối tư nhân) hoặc được hoạch định (vai trò của nhà nước) đến với nhau, sáp nhập trong một thực thể mới để tạo thành sức mạnh tổng hợp chung, để kết nối nguồn lực của các trường thành viên. Cần lưu ý, các hệ thống mới này không đi theo hướng “hòa tan” các trường đại học thành viên, mà khai thác các nguồn lực chung, thương hiệu chung, có sự gắn kết hữu cơ, nhưng vẫn giữ một sự độc lập, tự chủ nhất định của các trường thành viên với nhau và với hệ thống chung.
Cho nên tôi nghĩ rằng việc có trường đại học trong đại học không quan trọng bằng việc đánh giá xem sự kết nối giữa các trường thành viên của các đại học đó có hiệu quả hay không, có đem lại lợi ích cho người học hay không, có tạo ra sản phẩm tri thức phục vụ cho cộng đồng tốt hay không.
Nếu chúng ta nhìn rộng ra trong toàn nền kinh tế xã hội thì tôi thấy các lĩnh vực khác họ không quan trọng lắm câu chuyện này. Thí dụ, phía doanh nghiệp, mô hình rất đa dạng. Hình thức công ty trong công ty không phải là hiếm và là thực tiễn bình thường. Quan trong chất lượng hoạt động ra sao.
Việc chỉ cho rằng university là đại học tổng hợp hay ngược lại cũng không hoàn toàn chính xác. Nếu điều này là đúng, thì chắc các cơ sở giáo dục như Massachusset Institute of Technology (Mỹ), Boston College (Mỹ) London School of Economics (Anh) sẽ không phải là đại học tổng hợp chăng, khi họ có cơ cấu đào tạo giống như các trường đại học đa ngành khác, nhưng trong tên cũng chẳng có thuật ngữ university. Hoặc, khi đó phải chăng lại gọi Havard University là Trường Đại học Tổng hợp Havard, thay cho cách gọi đã định hình là Đại học Havard?
Tôi nghĩ không nên mất quá nhiều thời gian về việc này, mà nên bàn nhiều về các giải pháp thúc đẩy chất lượng. Tôi không tin là thay đổi cái tên thì chất lượng các cơ sở giáo dục đại học và hệ thống giáo dục đại học sẽ khởi sắc. Dự thảo sửa đổi một số điều Luật GDĐH còn rất nhiều nội dung chúng ta cần phải ưu tiên, quan tâm và xử lý một cách thấu đáo mà dường như chúng ta chưa dành đủ thời gian để thảo luận.
Phóng viên: Vậy theo ông, điều gì là cần ưu tiên xử lý trong lần sửa Luật GDĐH lần này?
TS. Phạm Hiệp: Rất nhiều, có những vấn đề của lịch sử để lại, bên cạnh những vấn đề mà bối cảnh mới buộc chúng ta phải thay đổi. Ví dụ như chúng ta đều biết là Việt Nam theo mô hình Xô Viết trước đây, tách biệt giữa trường đại học và viện nghiên cứu, trường đại học thuần là giảng dạy còn viện nghiên cứu thuần nghiên cứu.
Các nhà hoạch định chính sách đã nhìn nhận ra vấn đề này và đã cố gắng xóa nhòa khoảng cách giữa trường đại học và viện nghiên cứu bằng nhiều cách. Ví dụ như trong Luật Giáo dục Đại học 2012, đã công nhận viện nghiên cứu đào tạo tiến sĩ là cơ sở giáo dục đại học.
Ngược lại, trong Luật Khoa học Công nghệ cũng coi các cơ sở giáo dục đại học là tổ chức khoa học công nghệ. Nhưng mà những biện pháp đưa ra dường như vẫn chưa đạt được những hiệu quả thực sự đáng kể. Khoảng cách giữa viện nghiên cứu và đào tạo vẫn còn quá xa, trong khi thực tiễn thế giới cho thấy rằng là 2 nội dung này cần phải kết nối với nhau và hòa quện với nhau thì mới tạo ra được vừa chất lượng nghiên cứu tốt, vừa vấn đề đào tạo tốt.
Cũng là vấn đề nghiên cứu, rất nhiều nhà khoa học đã kêu về sự tách biệt giữa nguồn chi đầu tư cho phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất với nguồn để làm đề tài nghiên cứu, dẫn đến có những nhóm có phòng thí nghiệm, có cơ sở vật chất thì lại không có tiền để làm đề tài nghiên cứu và ngược lại, có tiền làm đề tài nghiên cứu thì lại không có cơ sở vật chất.
Bởi vì cơ chế cấp ngân sách cho việc này là đi theo 2 kênh khác nhau, kênh cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm thì theo kênh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; kênh của nghiên cứu khoa học theo kênh của Bộ Khoa học Công nghệ. Thì những việc làm sao để xóa nhòa, giải quyết vấn đề này vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo.
Một vấn đề nữa, chúng ta được biết là kiểm định chất lượng hay là minh bạch thông tin là những công cụ rất quan trọng hệ thống giáo dục đại học thì dường như chưa có nhiều thảo luận thấu đáo.
Hay là vấn đề e-learning, theo tôi nên dành nhiều thời gian xem xét vai trò của hệ đào tạo này và làm sao để phát triển được e-learning đáp ứng nhu cầu đào tạo từ xa, nhu cầu đào tạo lại, học tập suốt đời, thì dường như chúng ta bỏ quên.
Có lẽ chúng ta nên tập trung vào những nội dung đó, những vấn đề bản chất hơn là những thảo luận rất không cần thiết về cách gọi tên trường đại học như thế nào.
Xin trân trọng cám ơn TS!
Mai Hương (ảnh: Phan Đăng)