Góp ý sửa đổi Luật Giáo dục đại học:

Nên chuyển sang mô hình đại học tổ hợp

(Dân trí) - Đại học Quốc gia, Đại học vùng là các Đại học mang tính tổ hợp, bao gồm các Trường Đại học thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ. Mô hình Đại học như vậy phù hợp với các nước phát triển, phù hợp với Việt Nam vì gọn nhẹ và tường minh.

GS.TSKH. Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã góp ý như vậy về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.


GS Bùi Văn Ga

GS Bùi Văn Ga

Chỉ nên có đại học 2 cấp

Theo GS Bùi Văn Ga, để hệ thống giáo dục đại học nước ta tường minh, phù hợp với hệ thống giáo dục đại học thế giới thì chỉ nên bao gồm: Đại học (University/Université) và Trường Đại học (College/Ecole Supérieure).

Trường đại học do Thủ tướng quyết định thành lập, gồm các khoa (Faculty/Faculté) và viện nghiên cứu (Institute/Institut).

Đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, gồm các trường chuyên ngành (School/Ecole), khoa, các viện nghiên cứu; Đại học Quốc gia, Đại học vùng do Chính phủ quyết định thành lập, gồm các Trường Đại học thành viên.

Trường chuyên ngành do Đại học quyết định thành lập, gồm các Bộ môn và Trung tâm nghiên cứu.

Hệ thống gọn nhẹ, tường minh

Phân tích về ưu điểm của hệ thống giáo dục Đại học trên, GS Ga cho rằng, hệ thống đại học chỉ còn các Đại học và các Trường đại học. Tất cả các viện nghiên cứu có đào tạo sẽ trở thành đơn vị thành viên của Đại học hay Trường Đại học. Chỉ có Đại học và Trường Đại học mới có tư cách pháp nhân cấp bằng trình độ đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Về lâu dài hệ thống giáo dục Đại học nước ta gồm các Đại học lớn là chính. Các trường Đại học còn lại chỉ đào tạo những chuyên ngành chuyên biệt, đặc thù. Trong các Đại học cần có sự phân biệt Đại học mang tính tổng hợp và Đại học mang tính tổ hợp. Các Đại học này khi dịch sang tiếng nước ngoài đều là University/Université nhưng khác nhau về nội hàm sẽ được làm rõ trong các văn bản dưới luật.

Đại học (mang tính tổng hợp) có các Trường chuyên ngành. Các trường chuyên ngành này không có tư cách pháp nhân như trường Đại học. Các Trường Đại học có thể sáp nhập vào Đại học và được cấu trúc lại thành các trường chuyên ngành/khoa/viện của Đại học. Sau khi Luật sửa đổi ra đời chúng ta có thể thành lập được ngay một số Đại học (mang tính tổng hợp). Ví dụ Đại học Cần Thơ có Trường Công nghệ thông tin, Trường Nông nghiệp, Viện Lúa, Viện Môi trường…hoặc Đại học Bách Khoa Hà Nội có Trường Điện, Trường Luyện kim, Trường Cơ khí…

Đại học Quốc gia, Đại học vùng là các Đại học mang tính tổ hợp, bao gồm các Trường Đại học thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ. Hiện nay 2 Đại học quốc gia và 3 Đại học vùng đã theo mô hình này. Sau khi Luật sửa đổi ra đời có thể thành lập thêm các Đại học mới ví dụ như Đại học Vinh là tổ hợp các trường Đại học trên địa bàn Nghệ An hay Đại học Đồng Nai bao gồm các trường Đại học thành viên trên địa bàn khu vực…

Mô hình Đại học như vậy phù hợp với các nước phát triển. Cộng hòa Pháp hiện nay cũng đổi mới hệ thống giáo dục đại học theo mô hình tổ chức các đại học vùng trên cơ sở tổ hợp các trường đại học trên cùng địa bàn.

Tiếp tục phát huy những thành quả 25 năm thực hiện của Đại học Quốc gia, Đại học vùng

Theo GS Ga, trong giai đoạn quản lý giáo dục đại học tập trung, nhờ cơ chế tự chủ cao, các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng đã sử dụng hiệu quả nguồn lực dùng chung để nâng cao chất lượng đào tạo, hội nhập quốc tế.

Bước đầu các Đại học này đã tham gia kiểm định, xếp hạng trong hệ thống giáo dục đại học thế giới và đã đạt được những kết quả nhất định. Những kinh nghiệm của Đại học quốc gia, Đại học vùng đã được đúc kết đưa vào các Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục đại học.

Đồng thời những kinh nghiệm đó cũng góp phần tạo nên cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng các cơ chế, chính sách của Chính phủ về phát triển giáo dục Đại học trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là vấn đề đẩy mạnh tự chủ đại học.

“Trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển hệ thống giáo dục đại học nhỏ lẻ, manh mún không còn mang lại hiệu quả đầu tư, không đủ sức cạnh tranh, xếp hạng. Vì thế việc tổ chức lại hệ thống đại học, hình thành nên những đại học có qui mô lớn, đầu tư tập trung, đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở kinh nghiệm của các Đại học Quốc gia, Đại học vùng là cần thiết”. – GS Ga nhấn mạnh.

Giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc Bộ

GS Ga cho rằng, trên thực tế, các Đại học Quốc gia, Đại học Vùng hiện nay có nhiều trường Đại học thành viên có đầy đủ tư cách pháp nhân. Nếu không có các đại học Quốc gia, Đại học vùng thì số đầu mối trực thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ tăng thêm ít nhất 30 cơ quan so với hiện nay. Khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi ra đời, sự hình thành các Đại học mới sẽ tiếp tục rút giảm các đầu mối cơ sở giáo dục đại học, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Điều này phù hợp với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo GS Ga, nhờ cơ cấu hệ thống tường minh nên các Đại học, các Trường Đại học dễ dàng kết nối với hệ thống giáo dục đại học quốc tế để trao đổi sinh viên, giáo viên, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ lẫn nhau và đồng cấp bằng. Việc dịch sang tiếng nước ngoài cũng thuận lợi, nhất quán, không gây nhầm lẫn như hệ thống giáo dục đại học hiện nay.

Việc tổ chức, sắp xếp lại các Đại học theo mô hình mới một mặt đảm bảo được tính hiệu quả nhưng mặt khác cũng hạn chế được tối đa những xáo trộn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực không mong muốn đến hoạt động chung của hệ thống giáo dục đại học của chúng ta.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm