SPELL không phải là chương trình “qua đò”!

(Dân trí) - Sớm đi học con ăn gì? Về nhà con học vào buổi nào, được mấy tiếng? Có mệt không?... Mới nghe tưởng đó là những câu hỏi thân tình của những người thân, hóa ra là của thành viên Chương trình SPELL trong chuyến đi thăm hộ và thẩm định tại gia đình các đối tượng được nhận học bổng.

Cô giáo Trần Thị Lộc - Hiệu trưởng Trường tiểu học 1 Hoà Liên (Xã Hoà Liên-Hoà Vang - Đà Nẵng) cho biết, trường cô có 24 học sinh được nhận học bổng của SPELL. Chương trình thực sự đã hỗ trợ một phần về kinh tế cho nhà trường và phụ huynh các em, giảm tỉ lệ các em bỏ học, khích lệ các em học tập tốt hơn. Đây là chương trình có “trách nhiệm”, luôn mong muốn mục đích, ý nghĩa của chương trình được thực hiện...

 

Bà Đỗ Thị Bách, 78 tuổi ở thôn Quan Năm Bốn xã Hoà Liên - bà nội em Bùi Văn Hà học sinh lớp 4 (Trường tiểu học Hoà Liên) nước mắt ngắn dài kể lể với những thành viên SPELL khi họ đến thăm gia đình: “Bố Hà bỏ đi khi Hà mới 5 tuổi, mẹ thì đi làm thuê ở xa để lại cho bà lão gần đất xa trời 3 đứa cháu còn thơ dại. Lo cho cháu miếng ăn đã khó huống chi cho nó học hành”.

 

Hàng ngày bà Bách đành chắt bóp số tiền ít ỏi 350 ngàn đồng hàng tháng nhận được từ tiền chế độ liệt sỹ để chăm bẵm các cháu. Hai anh của Hà vì khó khăn nên đã nghỉ học. Còn Hà nhờ có sự hỗ trợ của SPELL nên mới tiếp tục được cùng chúng bạn cắp sách tới trường... Chia tay đoàn, bà Bách ôm chầm lấy một chuyên viên SPELL mà đôi mắt ứa lệ không muốn chia xa...

 

Được biết thăm hộ, thẩm định là một trong 5 công đoạn mà SPELL sẽ thực hiện nhưng khó khăn và có nhiều bất ngờ nhất. Một chuyên viên SPELL tâm sự: Thực sự chứng kiến gia cảnh của nhiều em học sinh mà chúng tôi thấy thật xót xa. Đấy là điều mà khi địa phương gửi danh sách các đối tượng nằm trong diện được hưởng học bổng chúng tôi không thể hình dung hết được.

 

Đến Thừa Thiên - Huế chúng tôi đã được chứng kiến một hoàn cảnh tưởng như chỉ xảy ra trong câu chuỵện “cổ tích”. Hai vợ chồng bị dị tật bẩm sinh lại nuôi dạy hai đứa con ba bốn năm liền đạt học sinh giỏi.

 

Chị Nguyễn Thị Mến ở thôn An Thượng (Xã Hương Long-TP Huế) không giấu vẻ tự hào khi nhắc đến hai đứa con của mình. Năm 36 tuổi chị kết hôn cùng anh Lê Xuân Thanh-bị câm điếc bẩm sinh. Vượt qua bệnh tật, yêu thương nhau hai anh chị may mắn sinh đựoc hai cháu trai. Mặc dù bố mẹ có “vấn đề” nhưng  Lê Xuân Phi, học sinh lớp 5 và Lê Xuân Cơ, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hương Long đều học rất giỏi, 3-4 năm liền đều đạt học sinh giỏi của trường. Nhưng vì bố câm điếc, kinh tế khó khăn nên khả năng phải “gác bút” là chuyện sớm tối đối với Phi, Cơ.

 

Vậy nhưng trong đợt thăm hộ, thẩm định vừa qua chuyên viên SPELL đã kịp thời động viên gia đình hai em và hứa sẽ  giúp đỡ cho các theo học đến khi tốt nghiệp THPT.

 

Ông Hà Văn Thê - Uỷ viên thường trực Hội khuyến học tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định: Hỗ trợ cho hai cháu Phi và Cơ theo học là việc làm hết sức ý nghĩa mà SPELL có được. Đây thực sự là chương trình “dài hơi”, không phải “qua đò” mà có trách nhiệm. Góp phần kịp thời động viên toàn dân làm khuyến học.

 

Đặng Nguyên Nghĩa