Sóc Trăng: Tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao
(Dân trí) - Ngày 12/8, Sở GD-ĐT Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2014- 2015.
Báo cáo tổng kết năm học 2013-2014 cho thấy, quy mô giáo dục các cấp học, bậc học trong tỉnh tiếp tục được củng cố và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân; việc nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì sĩ số các cấp học được tập trung đầu tư chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể và có hiệu quả. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư và bước đầu mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý giáo dục và phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học có sự chuyển biến đáng kể, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học ở các cấp học cũng có nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Năm học 2013 - 2014, tỉnh đã huy động 2.562 cháu nhà trẻ (tăng 332 cháu so với năm qua), so với chỉ tiêu tỉnh giao đạt 85,4%; số trẻ mẫu giáo ra lớp là 45.944, chiếm tỷ lệ 74,8% trẻ trong độ tuổi (tăng 1,4% so với năm trước) và đạt 105,6% theo chỉ tiêu của tỉnh giao. Đồng thời, ngành tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đều thực hiện khám sức khỏe cho trẻ 2 lần/năm và cân đo theo dõi thể lực 3 lần/năm.
Đối với giáo dục tiểu học, đã huy động được 123.596 học sinh tiểu học ra lớp. Có 187 trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, tăng hơn 36 trường so với năm học trước. Số học sinh được học 2 buổi/ngày và 30 tiết/tuần là 65.806 học sinh, đạt tỷ lệ 53,24%.
Cấp THCS có 113 trường với 69.705 học sinh; Cấp THPT có 34 trường với 26.275 học sinh. Kết quả tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 99,60% đối với giáo dục phổ thông và 87,73% đối với giáo dục thường xuyên. Công tác giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên và giáo dục dân tộc cũng được quan tâm, góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục của tỉnh nhà.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục Sóc Trăng vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: Công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi thực hiện còn chậm; chất lượng giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh chưa đồng đều giữa các trường trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn với các trường thuộc địa bàn khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc Khmer.
Chất lượng giáo dục phổ thông so với khu vực và cả nước tuy có cải thiện nhưng còn ở vị trí thấp trong khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh yếu, kém và bỏ học so với các năm học trước đã giảm nhưng vẫn còn cao, số học sinh học 2 buổi/ngày có tăng nhưng còn ít. Đến cuối năm học 2013-2014, tỷ lệ học sinh bỏ học ở tiểu học là 522 em (0,42%), THCS là 1.712 em (2,46%), THPT là 1.235 em (4,70%).
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập các cấp học đạt kết quả chưa cao và còn nhiều hạn chế; một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực và trách nhiệm, nhưng ngành chưa có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu; cơ sở vật chất của ngành tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thiếu thốn, khó khăn.