Sơ kết 5 năm Dạy nghề cho LĐNT: Nhu cầu nhiều, kinh phí ít

Đó là phản ánh của nhiều đại biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, vừa được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức tại Hà Nội.

Học viên lớp dạy nghề chăn nuôi tại xã Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.  
Học viên lớp dạy nghề chăn nuôi tại xã Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.  
Dạy theo nhu cầu thực của nông dân

Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo của miền núi phía Bắc với hầu hết đồng bào các dân tộc sinh sống bằng nghề nông nghiệp, trình độ sản xuất còn lạc hậu. Chính vì vậy, các nghề nông lâm nghiệp chiếm tỷ lệ tới 88% trong số 88 lớp dạy nghề sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng trong 5 năm qua của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (TT DN-HTND) tỉnh Lai Châu.

Những ND sau học nghề đều vận dụng khá hiệu quả vào sản xuất, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. Bà Phạm Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Với đồng bào vùng cao, dân tộc ít người công tác dạy nghề khó khăn gấp nhiều lần. Công tác dạy nghề phải trực quan, học lý thuyết vừa phải, chủ yếu là thực hành theo lối cầm tay chỉ việc ngay tại ruộng, chuồng, cơ sở sản xuất theo mùa, vụ…”.

Tại tỉnh An Giang, thời gian đầu thực hiện đề án, dạy nghề cho ND có chiều hướng theo “phong trào”, “dạy ra nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu”.

 “Chúng tôi tổ chức khảo sát nhu cầu thực của hội viên, ND, làm rõ ai muốn học nghề gì… Những xã không đủ số học viên học cùng 1 nghề thì tập hợp học viên 2-3 xã để mở lớp. Cùng với sự hỗ trợ của Hội về vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp, hướng dẫn, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết tổ, nhóm, hợp tác xã nên hầu hết ND đều ứng dụng tốt kỹ năng nghề vào sản xuất, tăng thu nhập…” - ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho hay.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hội NDVN cho biết, từ năm 2012 đến nay, Hội NDVN tổ chức dạy nghề cho ND theo mô hình gắn với phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi.

Trường Trung cấp nghề và 17 TT DN-HTND của các tỉnh đã mở được 352 lớp với hơn 12.300 học viên; xây dựng được 437 mô hình SXKD giỏi. Các ND sau học nghề đều đầu tư, mở rộng phát triển mô hình SXKD…

Hỗ trợ ND sau học nghề

Mặc dù ra đời muộn hơn so với nhiều cơ sở khác, nhưng không ít TTDN-HTND bước đầu đã tạo được uy tín, đào tạo nghề hiệu quả. Trong 5 năm qua, TTDN-HTND Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức 159 lớp dạy nghề cho hơn 5.200 lao động nông thôn, trong đó có hơn 400 người thuộc hộ thu hồi đất, hộ nghèo, các đối tượng chính sách.

Điểm sáng nhất là công tác giới thiệu việc làm, hỗ trợ hội viên, ND sau học nghề. 5 năm qua, TT DN-HTND Hải Dương đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 8.500 lao động, trong đó tư vấn, hỗ trợ cho 456 người đi xuất khẩu lao động…

Không chỉ được đánh giá là cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn hiệu quả nhất hiện nay trên địa bàn, TTDN-HTND tỉnh Hà Tĩnh còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sau dạy nghề. Ông Nguyễn Tiến Anh - quyền Giám đốc TT DN-HTND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Sau đào tạo nghề, các cấp Hội ND đã hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ học viên vay vốn giải quyết việc làm, Quỹ HTND, vốn hỗ trợ lãi suất của tỉnh để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập…”.

Tăng kinh phí, nâng độ tuổi học nghề

ại hội nghị sơ kết, nhiều đại biểu đã kiến nghị các đề xuất, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới. Bà Phạm Thị Hồng Gấm - kiến nghị cấp trước 70% kinh phí/lớp dạy nghề thay vì cấp 30% như hiện nay. Theo bà Gấm, chỉ riêng chi cho tiền ăn mỗi lớp đã mất 30 triệu đồng, trong khi chỉ được cấp trước 21 triệu đồng thì rất khó khăn để mở lớp.

Ông Nguyễn Tiến Anh đề xuất tăng nguồn kinh phí cho công tác dạy nghề lao động nông thôn theo năng lực thực có của cơ sở. Trong những năm vừa qua, TTDN-HTND Hà Tĩnh tuyển sinh nhiều lớp nghề nhưng không đủ kinh phí đào tạo.

Ngoài việc đề nghị nâng mức kinh phí đào tạo/người/khóa học, ông Nguyễn Ngọc Tuyến - Giám đốc TTDN-HTND Hải Dương đề nghị mở rộng độ tuổi được đào tạo nghề miễn phí lên 65 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ. “Thực tế phổ biến hiện nay là nhiều người hết tuổi lao động vẫn phải trực tiếp sản xuất…” - ông Tuyến lý giải.

Hầu hết ý kiến các đại biểu đều đề nghị Nhà nước có chính sách phù hợp đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hệ thống TTDN-HTND nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của ND.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều: "Qua việc tổ chức dạy nghề cho ND đã góp phần phát huy vai trò, vị thế, đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hội ND, thu hút hội viên, ND ngày càng gắn bó với tổ chức Hội..."
 
Theo Báo Nông thôn Ngày nay