Sở hữu 2 bằng thạc sĩ quốc tế, 9X làm quản trị chiến lược tại H&M Thụy Điển

(Dân trí) - Tốt nghiệp xuất sắc 2 bằng thạc sĩ tại Hà Lan và Pháp, Trần Đình Đức trở thành người quản trị chiến lược thương mại điện tử khu vực Đông Bắc Á (NEA, làm việc tại tập đoàn H&M ở Stockholm, Thụy Điển.

Thạc sĩ Trần Đình Đức (sinh năm 1993) tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Khi còn ở Việt Nam, Đức là gương mặt thủ lĩnh sinh viên năng động, giữ vị trí Phó Chủ Tịch kiêm Trưởng ban Đối ngoại của CLB Tiếng Anh trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội (EC FTU); Trưởng nhóm trong dự án “Adopt A Tree” của 350 Việt Nam; tình nguyện viên hỗ trợ các dự án của United Nations Volunteers (UNV).

Chàng trai Đà Nẵng là 1 trong 21 đại diện trẻ Việt Nam tham gia buổi tọa đàm với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Jim Yong Kim nhân dịp ông sang thăm Việt Nam tháng 7/2014.

Sở hữu 2 bằng thạc sĩ quốc tế, 9X làm quản trị chiến lược tại HM Thụy Điển - 1
Trần Đình Đức (giữa) nhận học bổng HEC Paris.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Đức xuất sắc nhận được học bổng toàn phần thạc sĩ Erasmus Mundus (Glocal) trị giá hơn 50.000 Euro, học bổng trường kinh doanh HEC Paris (Pháp), học bổng trường Đại học Amsterdam cùng Holland Scholarship (Hà Lan), học bổng trường kinh doanh Bocconi (Italy), và học bổng Đại học Melbourne (Australia)…

Chọn Hà Lan và Pháp làm điểm đến, Đức tốt nghiệp xuất sắc hai bằng thạc sĩ trường Đại học Amsterdam (Hà Lan) và trường Kinh doanh HEC Paris (Pháp).

Sở hữu 2 bằng thạc sĩ quốc tế nhưng khi tốt nghiệp anh chàng cũng không tránh khỏi áp lực tìm một công việc ở nước ngoài. Cùng PV Dân trí tìm hiểu về hành trình thích ứng môi trường, khẳng định bản thân và chinh phục vị trí công việc mơ ước ở trời Âu.

Đặt mình vào đôi giày của “người bản xứ”

PV: Động lực nào khiến Đức quyết tâm du học bậc thạc sĩ ở trời Âu?

Thạc sĩ Trần Đình Đức: Mình có ước mơ đi du học từ những năm đầu ở đại học khi làm việc trong United Nations Volunteers và sau này ra ngoài gặp gỡ thêm nhiều anh chị đã được học bổng chính phủ, học bổng toàn phần ở các trường.

Mình thích thú với những câu chuyện và trải nghiệm của của các anh chị đó, và cũng dần dần tìm hiểu hơn ở các blog, diễn đàn.

Nguồn động lực nữa với mình lúc đó là khi những người bạn thân của mình cũng bắt đầu đi du học và chúng mình cùng hẹn ở trời Âu. Các bạn mình lúc đó cũng được học bổng vào trường các bạn mong muốn.

Tuy bây giờ mỗi người chúng mình học và làm việc ở một nước khác nhau trong Châu Âu nhưng nhóm mình vẫn hay gặp nhau trong các dịp nghỉ lễ.

- Bạn hiện thực ước mơ vươn ra thế giới đó như thế nào?

Để mà thật sự chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến hành trình này, đầu tiên mình cũng hay kết nối đến các anh chị đã được học bổng và tìm hiểu tường tận hơn về những kinh nghiệm của họ khi ứng tuyển về hồ sơ, kĩ năng cần thiết và những mẹo nhỏ khác.

Sau đó mình bắt đầu tìm những trường mà dự định sẽ nộp hồ sơ, lên thời gian biểu để chuẩn bị hồ sơ và ôn tập các kì thi chuẩn hóa như IELTS, GMAT. Mình và nhóm bạn mình đã tự mua, xem thêm trên mạng tài liệu và tự ôn tập với nhau, chuẩn bị hồ sơ trong thời gian vỏn vẹn 2 tháng rưỡi.

Thời gian đó đối với chúng mình cũng khá gấp nhưng nếu được khuyên thì mình khuyên các bạn nên chuẩn bị cho nó từ sớm hơn. Một lợi điểm của việc học nhóm là bạn sẽ có động lực hơn rất nhiều vì bọn mình cùng chung một mục tiêu và chí hướng – được học bổng du học.

Song song với đó, mình cũng dành ra thời gian để nghĩ về câu chuyện viết trong bức thư xin học bổng. Nó quan trọng bởi vì đó là một trong những yếu tố quyết định hồ sơ của mình có nổi bật hơn người khác hay không, và làm sao để làm bức tranh toàn cảnh của bản thân phù hợp với trường đó, ngành đó, và hợp với dự định tương lai mình hướng tới.

Và mình cũng luyện tập phỏng vấn để có thể làm sao có thể gây ấn tượng với ban đại diện trường và các giáo sư.

- Tại sao bạn chọn Hà Lan và Pháp để theo đuổi tới 2 bằng thạc sĩ? Điểm gì bạn thích nhất về nền giáo dục Hà Lan và Pháp?

Mình chọn Hà Lan và Pháp vì đó là những đất nước tiên tiến về nền giáo dục và đều có những trường đại học, trường kinh doanh hàng đầu ở Châu Âu. Cả hai đều là những quốc gia xinh đẹp, yên bình, có nhiều thành tựu về kinh tế, sáng tạo và đổi mới nên mình muốn có được sự trải nghiệm ở đây.

Những chương trình mình chọn để nộp hồ sơ cũng là những chương trình thạc sĩ chỉ 1 năm như ở Anh. Vì vậy mặc dù lượng kiến thức sẽ dồn nén lại nhiều hơn, nhưng mình sẽ hoàn thành bằng thạc sĩ sớm hơn mặt bằng chung.

Sở hữu 2 bằng thạc sĩ quốc tế, 9X làm quản trị chiến lược tại HM Thụy Điển - 2
Đức khi du học thạc sĩ tại Hà Lan.

Thực ra mỗi nước đều có cái hay riêng về nền giáo dục. Vì bằng thạc sĩ đầu tiên của mình ở Hà Lan là học thiên nhiều về nghiên cứu và viết luận, mình cảm nhận được ở đây họ giảng dạy rất bài bản và kĩ càng về những lý thuyết về kinh tế, kinh doanh.

Những môn học ở trường đòi hỏi phải đọc rất nhiều sách vở, các bài nghiên cứu trước ở nhà để có thể hiểu cặn kẽ được vấn đề, lý thuyết mà các thầy cô sẽ giảng trong tiết học tới. Khối lượng kiến thức rất lớn như thế sẽ là một áp lực không nhỏ trước mỗi kì thi.

Nhưng sau cùng, cái mình học được là cách triển khai vấn đề nghiên cứu, cách vận dụng những lý thuyết để giải thích cho các vấn đề kinh tế.

Còn bằng thạc sĩ thứ hai của mình ở Pháp là học ở trường kinh doanh (Business School) nên cách giảng dạy hoàn toàn khác. Hầu hết thời gian mình không phải học lý thuyết qua sách vở mà là học giải những case studies (tình huống thực tế) theo nguồn tình huống của Harvard, các trường hợp tư vấn, và những trường hợp thật từ những vấn đề nhức nhối trong công ty, doanh nghiệp.

Ở HEC Paris, mình hầu như không phải trải qua kì thi nào mà phần lớn sẽ là những buổi thuyết trình hoặc làm nhóm xây dựng những chiến lược dựa theo yêu cầu của từng tình huống.

Trong khóa học có một học phần bắt buộc để tốt nghiệp là mình sẽ làm dự án thật như một nhân viên tư vấn chiến lược (external consultant) cho các công ty ở Pháp.

Khi được nhận, các công ty đó sẽ ký với mình hợp đồng làm việc và trả thù lao như một tư vấn viên thực thụ. Mục tiêu là giúp công ty giải quyết được những vấn đề trong quản trị và thuyết trình với ban lãnh đạo công ty đó.

- Trong quá trình học tập ở xứ người, Đức gặp khó khăn trở ngại nào lớn nhất?

Mình nghĩ cả mình và những ai đã và đang là du học sinh đều có gặp những trở ngại chung ở xứ người sau đây. Thứ nhất phải kể đến đó là sự khác biệt về văn hóa. Mình có may mắn trải nghiệm cả môi trường học tập và thực tập 6 tháng tại Hà Lan nên mình cũng nhận ra những sự khác biệt đó rất rõ nét.

Ví dụ ở Hà Lan, họ rất thẳng thắn và minh bạch trong mọi chuyện nên thời gian đầu mình cảm thấy không quen với điều đó. Vì với cách giao tiếp thường ngày mình thường tránh những vấn đề hay lời góp ý có thể làm phật lòng người khác, hoặc khiến họ bị tổn thương.

Nhưng đối với người Hà Lan, sự trung thực và thẳng thắn luôn được đề cao trên hết. Họ sẵn sàng nói huỵch toẹt ra vấn đề, ít khi có sự nói giảm nói tránh hay vòng vo.

Dần dần, suy nghĩ mình cũng khác đi, mình cũng cảm thấy thoải mái hơn nếu nhận được những lời góp ý thẳng thắn như vậy và mình cũng học được nhiều thứ từ nó.

Mình học cách cởi mở hơn, chủ động đưa ra những lời góp ý chân thành hơn đối với bạn bè, đồng nghiệp với mục đích xây dựng.

Sở hữu 2 bằng thạc sĩ quốc tế, 9X làm quản trị chiến lược tại HM Thụy Điển - 3
Thạc sĩ Trần Đình Đức trong ngày tốt nghiệp tại Pháp với bố mẹ.

Trở ngại tiếp theo đối với mình là cách giảng dạy và học tập. Ở đây mọi thứ yêu cầu cao hơn về sự chủ động thảo luận, tương tác giữa thầy và trò.

Vì vậy, bản thân mình và các bạn phải đọc trước nhiều tài liệu, bài nghiên cứu hay những thông tin trong “case studies” (nghiên cứu trường hợp điển hình) để có thể chia sẻ, phản biện về những ý kiến trái chiều.

Ngoài những tài liệu cho sẵn, mình và các bạn ở đây cũng phải chủ động tìm thêm những bài nghiên cứu liên quan để hiểu sâu hơn về vấn đề.

- Kinh nghiệm để bạn nhanh chóng hoà nhập, khẳng định mình trong học tập là gì?

Nếu có cơ hội học tập và làm việc ở môi trường quốc tế, từ kinh nghiệm của bản thân, lời khuyên của mình là nên chịu khó học hỏi và trau dồi nhiều hơn từ những điều nhỏ nhất.

Tất nhiên mọi thứ ban đầu sẽ khá lạ lẫm nhưng nếu các bạn chịu khó mở lòng, kết nối với mọi người, và không ngại chia sẻ, đặt câu hỏi thì các bạn sẽ học được rất nhanh từ những người xung quanh.

Dần dà, các bạn sẽ có thể đặt mình vào "đôi giày" của chính người bản xứ và hiểu được suy nghĩ và hành động của những người bạn quốc tế để có thể hợp tác được dễ dàng hơn.

Xin việc không dễ khi bản thân là một người ngoài EU…

- Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Đức xin việc có dễ dàng hay không?

Mình bắt đầu quá trình tìm việc khi bước vào học kì cuối trước khi tốt nghiệp. Quá trình tìm việc mình phải nói thật là cũng không dễ dàng, nhất là đối với sinh viên ngoài Liên minh châu Âu (EU) như mình.

Để xin việc được ở đây, công ty họ thường đặt ưu tiên cho những người bản xứ hoặc trong EU vì lý do thứ nhất là họ sẽ không có trở ngại về ngôn ngữ bản địa, thứ hai là nếu cùng chung một văn hóa thì cũng sẽ dễ dàng hợp tác làm việc hơn, và điều quan trọng nhất là chi phí để tuyển dụng một người ngoài EU luôn lớn hơn, thủ tục cũng phức tạp hơn.

Họ phải chứng minh là họ không tìm được thí sinh trong EU nào phù hợp cho vị trí đó, và sẵn sàng đài thọ những chi phí liên quan tới visa, giấy phép lao động, thậm chí là đi lại, chỗ ở cho ứng viên đó…

Bên cạnh đó, việc bạn bè cùng lớp của mình cũng đã có thư mời làm việc rất sớm trước khi tốt nghiệp (có bạn thậm chí đã có trước khi chưa kết thúc học kì đầu), vô hình trung cũng là áp lực đối mình. Vì vậy, nhận thức được những khó khăn đó, mình cũng tìm hiểu, trau dồi, và chuẩn bị từ sớm.

Thường thường các công ty mà mình ứng tuyển có 4-5 vòng tuyển dụng bắt đầu bằng nộp hồ sơ, làm bài kiểm tra đầu vào, vài vòng phỏng vấn, và cuối cùng là AC (Assessment Center) – giải tình huống và thuyết trình nhóm. Nếu nói về thất bại thời điểm đó, mình cũng nhận được nhiều thư từ chối lắm chứ, có khi đến vòng cuối rồi vẫn trượt.

Điều quan trọng nhất là luôn phải biết mình đang ở đâu và nên cải thiện những gì để làm tốt hơn những lần sau. Cuối cùng mọi nỗ lực cũng được đền đáp, mình có được thư mời làm việc của nhiều công ty 3-4 tháng trước khi tốt nghiệp.

- Cơ duyên nào đưa bạn làm việc ở tập đoàn H&M?

Mình tìm được cơ hội làm việc ở đây cũng do tình cờ xem các cơ hội sau khi tốt nghiệp ở kênh thông tin của trường. H&M đúng lúc đó cũng đăng thông tin tuyển dụng ở trụ sở toàn cầu ở Thụy Điển.

Cá nhân mình nghĩ nếu được làm ở trụ sở toàn cầu của một tập đoàn thời trang thứ 2 thế giới chắc chắn mình sẽ có nhiều điều để mình học hỏi và trải nghiệm vì mình được làm chiến lược từ trên xuống. Đây cũng là một trong những công ty mình thích vì những sản phẩm, hoạt động và chiến lược mà nó đã và đang làm.

Hơn nữa, Stockholm còn là thủ đô của vùng Scandinavia và là cái nôi của nhiều startup, trụ sở toàn cầu của các công ty lớn ngoài H&M như Spotify, Electrolux, Ericsson, Daniel Wellington… Mình cũng đã có ấn tượng rất tốt với thành phố này từ lâu nên với mình hành trình này tiềm năng sẽ rất thú vị.

Trong thời điểm đó, mình cũng có ứng tuyển các công ty khác ở Singapore, Hà Lan, Thụy Sĩ và may mắn trúng tuyển vào Facebook ở Singapore, Unilever ở Hà Lan, Booking.com ở Hà Lan – nơi mình đã từng thực tập, và một số công ty khác.

Và cuối cùng, sau khi cân nhắc mình quyết định chọn H&M là nơi đến vì nó phù hợp hơn với định hướng nghề nghiệp của mình.

- Đức có thể chia sẻ về công việc cụ thể của bạn tại đây?

Công việc của mình hiện tại đang làm về quản trị chiến lược thương mại điện tử cho H&M ở khu vực Đông Bắc Á (NEA). Cụ thể hơn mình làm về 2 mảng: Tài chính và Chiến lược thương mại.

Về tài chính, mình sẽ là người trực tiếp quản lý và đưa ra dự báo tình hình tài chính, đưa ra giải pháp để tăng doanh thu, cắt giảm chi phí, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (P&L) của NEA cho giám đốc tài chính (CFO) của khu vực.

Về mảng thương mại, mình chịu trách nhiệm lên chỉ tiêu về kinh doanh, kế hoạch phát triển khách hàng và quản lý hàng tồn kho. Mình phân tích và giám sát hiệu quả các chiến dịch thương mại, marketing để tăng trưởng kinh doanh cho từng thị trường trong khu vực.

Trong nhóm của mình sẽ có các bạn Merchandise Managers (người quản lý phân khúc hàng hoá) phụ trách về chiến lược kinh doanh cho từng phân khúc nhỏ hơn trong thị trường như Ladies, Kids, Mens…

Mình có trách nhiệm dẫn dắt và hỗ trợ các bạn đó trong nhóm bằng việc đưa ra những định hướng, lời khuyên, chiến lược thương mại cho các bạn để phát triển những phân khúc đó nhằm mục đích cuối cùng là gia tăng lợi nhuận cho thị trường và khu vực.

“Tại sao trường đó, công ty đó nên chọn mình?”

- Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ cũng muốn du học và tìm kiếm việc làm quốc tế, bạn nhắn nhủ gì? Bạn trẻ cần trau dồi các tố chất, kỹ năng, kiến thức chuyên môn gì?

Thứ nhất, để chuẩn bị những hành trang cần thiết, theo mình điều đầu tiên bản thân phải luôn hiểu rõ được mình muốn gì, cần gì, và thiếu sót những gì.

Bên cạnh câu hỏi tự vấn bản thân rằng “Tại sao trường đó, công ty đó nên chọn mình?”, thì cũng nên hỏi ngược lại là “Nếu họ không chọn mình thì đó sẽ là do những nguyên nhân tiềm ẩn nào?”.

Từ đó, nếu bạn đã có những mục tiêu cho ngôi trường mơ ước hay chỗ làm mơ ước, bạn sẽ xây dựng được kế hoạch rõ ràng cho bản thân nên làm những gì để cải thiện và vươn tới nó.

Dù có thất bại hay đổ vỡ thì đó cũng sẽ là kinh nghiệm. Nếu là đã là kinh nghiệm thì không cần xét nó xấu hay tốt nữa mà nên xét nó là bài học gì. Quan trọng là mình học được gì sau mỗi lần vấp ngã đó mà thôi.

Thứ hai, nếu các bạn sắp xếp được thời gian, đừng nên bỏ lỡ những cơ hội tự trau dồi kiến thức cho bản thân thông qua những khóa học online như Coursera, Udemy, Datacamp…

Tất nhiên nó sẽ tùy thuộc vào tính chất công việc và ngành mà bạn muốn theo đuổi, nhưng nếu thành thục được những kĩ năng về các phần mềm như Power BI, Excel, SQL…thì cũng sẽ là điểm cộng và giúp ích cho bạn sau này trong công việc.

Ví dụ trong trường hợp của mình, mặc dù mình hiện tại không trực tiếp làm từ A-Z với những phần mềm này mà sẽ có một nhóm riêng về Data Analytics hỗ trợ xây dựng những báo cáo. Nhưng đôi khi nếu mình phát hiện ra lỗi và tự code sửa lại thì cũng giúp mình tiết kiệm được nhiều thời gian hơn rất nhiều.

Sở hữu 2 bằng thạc sĩ quốc tế, 9X làm quản trị chiến lược tại HM Thụy Điển - 4
Đức trong chuyến công tác tại London, Anh Quốc.

Thứ ba, các bạn cũng nên chủ động tìm kiếm cho mình những hoạt động ngoại khóa khi còn đang ở giảng đường đại học. Đó có thể là đi tình nguyện, vào những câu lạc bộ, tham gia những cuộc thi trong trường, hoặc có thể là đi thực tập làm từ những công việc nhỏ nhất. Tất cả đều sẽ là những trải nghiệm giúp bạn trưởng thành hơn.

Song song với hoạt động trong câu lạc bộ ở trường, mình may mắn có cơ hội thực tập từ khi còn học đại học năm 2.

Thật ra lúc đó mình cũng chưa có định hướng nghề nghiệp là phải làm gì sau này nhưng mình vẫn muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể đưa ra những sự lựa chọn chính xác hơn.

Và lúc đó mặc dù đồng lương không là bao nhưng quan trọng nhất với mình vẫn là kinh nghiệm làm việc trong môi trường doanh nghiệp cũng như học được cách ứng xử giao tiếp đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Từ đó, mình có nhiều cơ hội thực tập hơn vào những năm sau.

Mình nhớ có lần mình trúng tuyển chương trình SEO-Vietnam và được thực tập ở bộ phận Advisory ở EY TP.HCM. Mình đã quyết định bảo lưu kết quả học ở trường vào kì 2 năm 3 đại học và vào trong đó thực tập 3 tháng.

Với mình đó là một cơ hội đáng quý không dễ gì có được. May sao lúc mình về lại, mình vẫn theo kịp được các bạn và tốt nghiệp đúng hạn. Quả thật, kinh nghiệm ở EY đã giúp mình cho mình rất nhiều trên con đường sau này.

Cuối cùng, theo mình tư duy luôn thay đổi và cải tiến phương pháp học tập, làm việc của bản thân cũng là một điều quan trọng. Ví dụ làm sao để có thể có cách học hiệu quả hơn vẫn bảo đảm mình tiếp nhận được kiến thức như yêu cầu mà không phải khiến mình tốn quá nhiều thời gian.

Làm sao để tối ưu hóa năng suất và hiệu quả làm việc mà mình vẫn tạo ra được giá trị như ban đầu, và để thời gian còn lại để làm những cái sâu hơn, nâng cao hơn.

Ví dụ đối với người Thụy Điển, thời gian sau giờ làm của họ là dành cho gia đình, cho sở thích, cho kế hoạch học tập khác của cá nhân nên họ phải luôn cải tiến cách làm việc để luôn đạt năng suất và hiệu quả cao nhất mà không phải mất quá nhiều thời gian không đáng có.

Vì vậy, rất hiếm khi họ làm việc muộn sau 5-6 giờ chiều nhưng họ vẫn sắp xếp và hoàn thành được công việc một cách chỉn chu và hiệu quả.

- Đức có thể chia sẻ những dự án, hoạt động mình đang làm ở thời điểm hiện tại?

Mình đã và đang cùng các bạn mình làm những buổi hỏi đáp và chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng các bạn đang muốn đi du học, và xin việc làm ở quốc tế.

Chúng mình đều những người đã tìm được cho mình những bài học trong quá trình du học, xin học bổng hay ứng tuyển vào các công ty ở đây.

Và chúng mình cũng tình nguyện chia sẻ với mong muốn làm nguồn cảm hứng, động lực cho các bạn trẻ hơn để các bạn không phải bỡ ngỡ, và để các bạn có thể tìm được con đường ngắn hơn đến với mục tiêu từ những kinh nghiệm này.

Trong tương lai, có thể chúng mình sẽ dự định tổ chức thêm những buổi về định hướng nghề nghiệp và mời các anh chị nhiều ngành nghề khác nhau để tư vấn thêm vì đa phần chúng mình chỉ làm ở mảng kinh tế và thương mại.

Cảm ơn Thạc sĩ Trần Đình Đức, chúc bạn thành công hơn nữa!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm