9X đỗ 11 học bổng thạc sĩ kể chuyện vượt “cửa ải” Ban tuyển sinh ĐH Oxford
(Dân trí) - Trần Mỹ Ngọc, cô gái đất Cảng đỗ 11 học bổng thạc sĩ kể về hành trình vượt các “cửa ải” khó nhằn để chinh phục thành công trái tim Hội đồng tuyển sinh ĐH Oxford – ngôi trường danh tiếng số 1 thế giới.
PV Dân trí có cuộc phỏng vấn sâu, đầy thú vị với Trần Mỹ Ngọc, cô gái Việt vừa ứng tuyển thành công 11 học bổng từ 7 đại học tại Vương Quốc Anh, trong đó có Đại học Oxford về bí quyết, cách thức để cô mở ra nhiều cánh cửa đến các trường đại học danh tiếng nước Anh.
Nhiều lần muốn bỏ cuộc
PV: Tốt nghiệp đại học loại giỏi tại Úc rồi trở về Việt Nam làm việc cùng lúc chuẩn bị ứng tuyển bậc thạc sĩ trong bối cảnh đại dịch Covid-19, em có gặp khó khăn thử thách nào không?
Trần Mỹ Ngọc: Suốt quá trình từ ngày em đặt bút xuống viết từ đầu tiên trong bài luận, thực sự đã có nhiều lúc em đã muốn bỏ cuộc.
Từ khi đặt chân về Việt Nam, đã có những lúc em làm một lúc 5 công việc. Thời gian nghỉ dịch đỡ hơn một chút, em có làm cho trường đại học, một trung tâm tiếng Anh và đồng thời giúp đỡ giáo sư viết bài xuất bản.
Công việc bận rộn như vậy nên việc viết luận học bổng đã khiến một ngày của em đáng ra chỉ là 12 giờ làm việc, nay kéo dài tới 15 tiếng.
Tuy nhiên, em nhận ra được tầm quan trọng của việc sắp xếp công việc hợp lý. Em đã tranh thủ những lúc di chuyển trên đường để nghe về những chia sẻ của cựu học sinh, về thông tin của trường, về nội dung khoá học qua Youtube, từ đó xây dựng cái nhìn khái quát của em về những trường em muốn nộp vào. Xác định được định hướng của mình rồi, em hoàn thành bản nháp bài luận của mình khá nhanh.
Từ tháng 4 tới tháng 5, em vừa xin thư giới thiệu từ thầy cô, chỉnh sửa CV, vừa nhờ người quen, thuê chuyên gia đọc bài luận cho mình, đồng thời đọc thêm tài liệu về khoá học em lựa chọn để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn.
Khoảng thời gian này quả thật rất căng thẳng, nên cuối tuần nào em cũng về thăm gia đình rồi ngồi làm việc trên phòng để bớt cảm giác một mình đối mặt với hàng tá công việc.
Tại sao em chọn nước Anh và ĐH Oxford mà không phải ngôi trường nào đó ở xứ sở chuột túi để du học thạc sĩ?
Đặc thù của ngành em lựa chọn là Giáo dục ngôn ngữ, mà đã liên quan tới giáo dục thì em tin rằng trải nghiệm ở những nước phát triển khác nhau sẽ mang lại cho em cái nhìn toàn cảnh nhất về giáo dục ngôn ngữ thế giới nói chung, và từ đó chắt lọc những điều phù hợp để áp dụng với đất nước mình.
Vì vậy, mục tiêu những năm tới của em là tiếp tục trải nghiệm ở các đất nước nói tiếng Anh khác như Mỹ và Canada.
Đại học Oxford vì cùng với Cambridge, đây là ngôi trường nổi bật về những ngành khoa học xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ngôn ngữ Anh – ngôn ngữ mẹ đẻ của đất nước này.
Một lý do khác để em lựa chọn Oxford đó là đội ngũ giảng viên đều là những người có tiếng trong ngành, nếu được học hỏi và làm quen với thầy cô, được thầy cô hướng dẫn thì những ảnh hưởng sau này em có thể mang lại sẽ gây tiếng vang hơn.
Giấc mơ mạnh mẽ được “quay trở về quê hương”
Từ góc nhìn của mình, em nghĩ bí quyết nào giúp bộ hồ sơ của em ấn tượng và thuyết phục được Ban xét tuyển học bổng thạc sĩ nhiều trường, đặc biệt là ĐH Oxford?
Em cảm thấy tự tin nhất với bài luận của mình. Em đã đưa cho nhiều bạn bè đọc, và phần lớn mọi người đều nói rằng đọc qua bài luận của em, cảm thấy giấc mơ được quay trở về quê hương của em rất mạnh mẽ. Chỉ cần đọc là sẽ nhìn ra được.
Em đã cố gắng là chính mình trong bài luận của mình. Em không phải là người đạt GPA cao nhất, không phải là người có nhiều thành tích hoạt động nhiều nhất, tích cực nhất, nhưng em có thể là một trong những người quyết tâm nhất khi mong muốn được đóng góp cho quê hương, thành phố của chính mình.
Em nghĩ đó là điều đã thuyết phục ban giám khảo về tiềm năng của em trong việc đạt được những giấc mơ của mình trong tương lai.
Trong hồ sơ ứng tuyển du học, bài luận thực sự là “cửa ải khó” với nhiều thí sinh. Cá nhân em thì sao?
Em đã nhờ ba người đọc bài luận và xin nhận xét. Người thứ nhất chỉ góp ý về mặt chuyên môn, từ vựng sao cho mượt mà, lịch sự. Người này cần nắm chắc ngữ pháp, văn phong viết luận. Cố vấn thứ hai đã học Oxford, từng giành học bổng, đóng góp về nội dung, ý tưởng.
Người cuối cùng em chọn là người bạn, chưa từng du học và không cần có chuyên môn hẳn về lĩnh vực gì. Họ đóng vai trò là người trung lập, đọc và cho cảm nhận khách quan nhất.
Sau đó, em tìm đến website Proof Reading để đăng ký sửa luận online. Giám khảo là những học giả, giảng viên, nghiên cứu sinh tại các trường có tiếng trên thế giới. Họ sẽ đọc và giúp em sửa lại bài luận để hoàn thiện nhất, chi phí khoảng 8-12 bảng Anh/lần (khoảng 240.000-360.000 đồng).
Không phải tất cả, nhưng một số đại học top cao sẽ yêu cầu phần này ngay cả khi học thạc sĩ, tức ứng viên chưa chắc chắn đề tài nghiên cứu là gì. Tuy nhiên, ứng viên vẫn nên chọn một đề tài mình quan tâm, yêu thích và viết về nó.
Em có thể “bật mí” nội dung bài luận chính gửi Đại học Oxford?
Trong bài luận của mình, em đã chia ra làm 3 bố cục (đoạn) chính:
Tại sao là ngành Ngôn Ngữ học? Ở đây em đã đề cập tới mong muốn của mình khi muốn được quay trở về quê hương và tạo ra những cải cách hiện đại với các phần mềm học tiếng, chủ đề em muốn nghiên cứu là: Educational Technology (công nghệ giáo dục Ngôn ngữ).
Tại sao em lại chọn ngành này ở trường này? Em đề cập tới thế mạnh của trường và những thành công mà học sinh của trường đã đạt được. Ở đây, em cũng kể cụ thể là em muốn học môn gì, muốn được ai là người hướng dẫn và tại sao?
Dự định của em trong tương lai sau khi tốt nghiệp trường, em đã nhắc tới dự định mở trường học của mình khi quay về quê hương. Em cũng đã ghi ra từng bước để đạt được điều đó.
Em khuyên các bạn khi viết bài luận đi Anh, thường số chữ khá giới hạn (600-1000 chữ), chúng ta không nên tập trung nói quá nhiều vào bản thân.
Đơn giản là thông tin đã có hết trong bản CV (hồ sơ) của mình rồi, và nhà trường không cần chúng ta nhắc đi nhắc lại điều đó. Nhà trường quan tâm hơn tới việc, những cái thành tích mình đã kể, đóng góp thế nào vào dự định tương lai, con người mình hướng tới.
Ai là người đã viết thư giới thiệu cho em?
Em may mắn có được mối quan hệ tốt với giáo sư trong khoa, lý do là vì trong học kỳ, lúc rảnh rỗi em thường hay email cho thầy cô xem có dự án nào em có thể giúp đỡ hoặc tham gia cùng không.
Trong các giáo sư, em thân thiết nhất với cô Neomy – Phó Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Melbourne. Cô là người đã nhìn ra tiềm năng ngôn ngữ của em từ năm nhất, và theo em trong suốt quá trình nộp vào trường Oxford.
Em giúp cô hoàn thành nghiên cứu từ cuối năm nhất, đến năm 3 thì được chính thức nhà trường tuyển làm Research Assistant – người hỗ trợ nghiên cứu cho cô. Cô nói, cô ấn tượng nhất với em vì em làm người rất kiên định, em nói làm gì thì nhất định một ngày sẽ làm.
Lúc em nói với cô về mong muốn vào trường Oxford là 2 năm trước, vậy mà tháng 6 năm nay, em emai cho cô nhờ cô viết thư giới thiệu, cô trả lời email trong 10 phút và nói rằng “Cô biết mà” và đã gửi thư đi cho em ngay trong hôm đó, như thể là cô đã chuẩn bị thư rất lâu rồi và chỉ đợi ngày gửi đi thôi.
Bất ngờ vòng phỏng vấn bằng phương pháp phỏng vấn tội phạm
Em vượt qua vòng phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh Đại học Oxford thế nào? Và kinh nghiệm để hoàn thành tốt vòng này?
Hội đồng tuyển sinh gọi video phỏng vấn trực tuyến nên em chọn trang phục là một chiếc áo sơ mi, đầu tóc gọn gàng và một tâm thế thật tốt.
Giám khảo sẽ thường hỏi bạn tại sao lại chọn trường, nếu trúng tuyển sẽ dùng học bổng như nào, tại sao bạn là người xứng đáng chứ không phải ai khác, dự định tương lai của bạn... Tuy nhiên, với Oxford, em bất ngờ khi thầy cô chỉ hỏi về chuyên ngành xem mình có kiến thức ra sao, hiểu biết thế nào.
Trong hai người, một giám khảo cởi mở, người còn lại thường chỉ trích và tỏ ra hoài nghi mỗi lần mình trả lời. Điều này khiến em mất bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, thậm chí có những câu ấp úng, mình đã nghĩ "thôi xong rồi".
Sau này em mới biết đó là phương pháp thường được áp dụng trong thẩm vấn tội phạm, gọi là "good cop, bad cop", mục đích là để người được hỏi hoảng sợ và thể hiện những gì chân thật nhất. Do đó, các bạn cần bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, không nói dối và tự tin thể hiện những gì mình biết.
Một cuộc phỏng vấn thường kéo dài 30-60 phút. Trong phần này, IELTS bạn bao nhiêu điểm không quan trọng bằng việc bạn hiểu như nào về chuyên ngành mình đăng ký học.
Nếu đạt 7.5 thậm chí 8.0 Speaking nhưng bạn chỉ có thể lưu loát trong các cuộc hội thoại thông thường mà thiếu từ vựng chuyên ngành, điều đó cũng không thể giúp bạn gây ấn tượng và thể hiện bản thân thật tốt trong cuộc phỏng vấn.
Do đó, thay vì chỉ rèn kỹ năng, ứng viên nên trau dồi hiểu biết sâu về chuyên ngành đã chọn.
Nếu có lời khuyên dành cho các bạn trẻ cũng muốn giành học bổng du học thạc sĩ Anh Quốc, em sẽ nói gì từ kinh nghiệm của bản thân?
Từ chính những kinh nghiệm của mình, em muốn nhắn nhủ tới những bạn trẻ hiện nay rằng, các em hãy tập trung định hướng bản thân sớm nhất có thể.
Việc định hướng bản thân nghe thì rất khó, nhưng thực ra lại chính là việc các em hãy nên thử sức với các lĩnh vực khác nhau để tìm ra được ít nhất 3 lĩnh vực quan trọng mà mình có thể cân nhắc sẽ theo đuổi trong tương lai.
Việc đi du học thì không có gì khó, nhưng việc xin học bổng có nghĩa là em đang “thương lượng” với trường về tiềm năng của mình. Tiềm năng một người được thể hiện qua 3 điểm: Tiềm năng trong lĩnh vực em chọn - Tiềm năng về sự đóng góp của em cho trường - Tiềm năng về sự phát triển cá nhân để trở thành người có ích cho xã hội.
Nếu ngay cả việc ngành học gì, sau này ra mình muốn làm gì, làm thế nào để trở thành một cá thể giỏi giang có nhiều đóng góp lớn mà chúng ta cũng không chắc chắn, tại sao người ta phải lựa chọn trao học bổng cho mình?
Sau khi chọn được định hướng của mình, các em hãy toàn tâm toàn sức phát triển bản thân theo định hướng đó. Có nghĩa là mọi việc em làm, đều nên phục vụ định hướng của mình. Kể cả viêc xin việc làm thêm, tham gia ngoại khoá, nếu em thấy nó có ích cho mình thì trường cũng nghĩ vậy.
Một điều chú ý cuối cùng em muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, đó là các bạn hãy xây dựng những mối quan hệ bền vững qua những năm đại học của mình.
Ước mơ lớn nhất của em là gì? Dự định sắp tới?
Ước mơ lớn nhất của em là được trở về Hải Phòng và mở ra một ngôi trường liên cấp, nơi những triết lý giáo dục, những kiến thức và kỹ năng của em trong suốt những năm tháng đi học được truyền đạt lại cho các con em, những người trong tương lai sẽ trở thành những thủ lĩnh của thế hệ mới.
Mong muốn của em là được đào tạo ra những thế hệ học sinh tự tin, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, thất bại cũng không từ bỏ, và quan trọng nhất là phải có hiểu biết và nhận thức tốt về văn hoá.
Đó là dự định lâu dài, còn trước mắt em muốn hoàn thành năm học Thạc sĩ tại Anh với tấm bằng giỏi, công tác tại các đơn vị giáo dục ngôn ngữ ở Anh và Mỹ trước khi trở về Việt Nam.
Cảm ơn Mỹ Ngọc vì cuộc trò chuyện!