Sinh viên và nỗi ám ảnh mang tên “chủ nhà”
(Dân trí) - Sống trong điều kiện nhà trọ tồi tàn sinh viên có thể khắc phục, nhưng gặp phải chủ nhà “tác oai tác quái” thì họ phải sống trong nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Đủ kiểu “rút ruột” sinh viên
Giữa tháng ba vừa rồi, qua một trang web rao vặt, Ngân và hai cô bạn, sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội tìm thuê được một phòng trọ ở Láng (quận Đống Đa). Giá thuê ban đầu ba cô được thông báo là 1,4 triệu đồng/tháng, nước 8.000 đồng/m3 và điện 2.000 đồng một số. Vậy nhưng đầu tháng tư, ngay đợt thu tiền đầu tiên, chủ nhà “phang” ngay giá mới: phòng 1,5 triệu, điện 2.500 đồng mà không báo trước một câu.
Ba cô “bấm bụng” cho qua nhưng vẫn chưa được yên, mới đây, đợt thu tiền đầu tháng 5, chủ nhà lạnh lùng tăng tiền nước lên 9.000/m3, điện lên 2.700 đồng. “Kêu chẳng ích chi vì không ở thì chuyển. Chúng em đã chịu bỏ tiền thuê chỗ đắt đỏ nhưng thế này thì chết, chúng em đang chờ tháng sau, nếu họ còn tăng thì tìm chỗ chuyển đi”.
Tại xóm trọ của T.Th, trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy) - người đã gửi phản ánh đến báo Dân trí, mức độ “bóc lột” sinh viên của chủ nhà tàn nhẫn và ti tiện hơn nhiều. Th trọ ở đây hơn ba năm. Thật ra nhà chủ ở quận Hai Bà Trưng nên sinh viên từng có thời gian thoải mái. Nhưng đầu năm nay, chị gái ông chủ về “tiếp quản”, chuyển về ở cạnh thì sinh viên… không thở nổi.
“Bà ấy tham lam khủng khiếp!”, một nam sinh cho biết mà không giấu được vẻ lo lắng: “Từ khi bà ta đến, tiền phòng, điện nước tăng liên tục. Bà ta còn “đánh tiếng”, tiền điện lúc nào tăng lên đến 7.000 đồng/số thì sẽ dừng”.
Nhưng sinh viên choáng nhất là kiểu “ăn bẩn” của bà chủ. Bà bắt sinh viên đóng tiền vệ sinh 3.000 đồng/người, tiền điện nhà tắm 7.000 đồng/người. Trước đây, sinh viên ở đây còn bán nước gạo, nước rác được 40.000 đồng/tháng, họ dùng khoản này để đóng tiền vệ sinh, tiền điện chung của xóm nhưng giờ thì nước gạo của sinh viên bà ta cũng tự bán rồi bỏ túi.
Th bức xúc: “Nhà tắm được hai bóng điện liu riu mà thu 7.000 đồng/người, cả xóm gần 30 sinh viên, bà ta có hơn 200.000 đồng/tháng. Đã thế, bóng ở nhà vệ sinh hỏng bà ta vẫn bắt sinh viên phải bỏ tiền thay”.
Khổ nhất là khoản nước sinh hoạt, mỗi tháng chủ nhà thu của sinh viên 40.000 đồng/người nhưng xóm trọ luôn trong tình trạng thiếu nước. Hóa ra, muốn bơm nước vào bể phải qua nhà chủ, bà ta thường bơm nhỏ giọt vào bể. Th nói: “Thiếu nước, chúng em phải lóng nước dưới đáy bể để sử dụng. Thu tiền mà lại không cho sinh viên dùng. Cả xóm trọ bà thu hơn 1 triệu tiền nước mỗi tháng nhưng mấy lần có người đến thu tiền nước, em biết cả xóm chỉ hết chưa đến 100.000 đồng”.
Và thú vui “khủng bố” sinh viên
Bên cạnh việc bóc lột sinh viên một cách tàn nhẫn, nhiều chủ nhà còn có thú vui “khủng bố” sinh viên. Và một trong những “đỉnh điểm” của thú vui này là bản án đuổi sinh viên khỏi xóm trọ.
“Phòng bọn em ba người ở rất chật, bọn em mua thùng rác để trước hành lang thế mà bị anh ta nói: “Không được để rác ở đây”. Em liều hỏi lại: “Không để đây thì chúng em để đâu?”, hắn ta quát: “Để đâu kệ bọn mày”. Nhưng sợ nhất là ban đêm, 1-2 giờ sáng hắn ta vẫn lượn lờ từ tầng một lên tầng ba”.
Ngoài việc bóc lột sinh viên một cách tàn nhẫn, bà chủ nhà tại xóm trọ của Th cũng có nhiều trò khủng bố tinh thần sinh viên. “Bà ta thường đứng giữa xóm, hét toáng lên rằng “nhà nước lại tăng điện nước rồi các con ơi”. “Thích tăng lúc nào là bà tăng lúc ấy, đâu hỏi ý kiến sinh viên. Nhưng bà ta thích làm cho chúng em bị “hết hồn” kiểu đó, để rồi phải “lụy” bà ta”.
Bà chủ này còn “quái dị” ở chỗ, có một khoảng sân rộng mênh mông từ lâu sinh viên vẫn dùng để phơi quần áo nhưng giờ bà ta không cho. Thế là sinh viên phải phơi đồ ở cây trứng cá đầy sâu róm ở giữa xóm trọ.
Bị đuổi vì... gặp chủ nhà ngoài đường không chào
Ra đóng tiền nhà hai tháng 5 và 6, thì S (ĐH Công đoàn) nghe con trai bà chủ nhà nói: “Em chỉ phải đóng tháng 5 thôi, tháng sau anh không cho thuê nữa”. Sáng hỏi lý do nhưng anh ta không nói thêm một câu.
S cho hay: “Chuyển đi em chẳng tiếc nhưng thấy ức quá. Mình ở đây hơn một năm chỉ tiếc hàng xóm, ai cũng thân thiện và tốt bụng. Còn chủ nhà, người ta sống vô nhân tính quá”.
Có lẽ cô sinh viên này nói không quá, vì những người đến đây ở cũng thường xuyên bị đuổi đi một cách bất ngờ. S cho biết, mới hôm trước đây, hai vợ chồng phòng cuối dãy, đóng tiền nhà thiếu 100.000 đồng đã xin khất vài hôm. Lúc thu tiền họ chẳng nói gì, hôm sau, hai vợ chồng đi làm trở về nhà lúc 11 giờ đêm thì cửa phòng đã bị khóa trái, chốt bên trong.
Hai vợ chồng phải ra tận nhà chủ đề nghị vào mở cửa nhưng chủ nhà không chịu. Cãi cọ một lúc, hai vợ chồng chạy đi vay tiền đóng, bà chủ mới chịu mở cửa và nói: “Cuối tháng thì phắn”.
“Bà chủ nhà hơn 65 tuổi, suốt ngày lên chùa ăn chay niệm Phật. Vậy mà không hiểu sao họ sống tàn nhẫn như thế”, S nói mà chảy cả nước mắt.
Kỳ sau: Những bản hợp đồng “trói gà”
Hoài Nam