Cuối tháng 4/2009, Dân trí nhận được những bức ảnh chụp cảnh nhà trọ, bản hợp đồng thuê nhà… của một nữ sinh kèm lời “kêu cứu” về quyền lợi của sinh viên trong vấn đề thuê nhà trọ. Sau khi tiếp cận với nữ sinh này ở ngay xóm trọ của cô, chúng tôi tiếp tục đến nhiều khu trọ sinh viên khác trên địa bàn Hà Nội để hoàn thành loạt bài “trực diện” về xóm trọ sinh viên.
Ít ai biết rằng, hàng ngàn sinh viên, cử nhân… đang phải sống trong điều kiện sống hết sức tối thiểu với giá cắt cổ và còn mang trên mình một nỗi sợ hãi mang tên “chủ nhà”. Và họ đang rất mong muốn có một cơ quan, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình.
Phòng trọ “ngắm nắng, chạy mưa”
Liên lạc qua mail rồi qua điện thoại, cuối cùng tôi cũng hẹn được T.Th, cô sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người đã gửi ảnh, tâm sự về chỗ trọ của mình đến báo Dân trí. Th đón tôi trước cổng xóm trọ, trong ngõ 20 đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội).
Trần nhà một phòng trọ "nhìn thấy bầu trời" (Một trong những bức ảnh sinh viên T.Th gửi đến báo Dân trí)
Cổng sắt vào khu trọ rất khang trang, trái hẳn với những phòng trọ sập sệ, tồi tàn ở phía trong. Phòng trọ của Th, nằm cuối dãy, Th cho biết là đây phòng trọ “tử tế” nhất trong xóm vậy mà, trần nhà vẫn thủng hai lỗ rất to. “Mưa thì phòng em cũng bị dột nhưng không đáng kể lắm, các phòng khác mới kinh”, Th nói.
Th dẫn tôi sang phòng 4, phòng của hai bạn nữ trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Căn phòng nằm đối diện với khu vệ sinh. Cánh cửa phòng vừa mở ra, một ánh nắng chạy dài từ trần nhà chiếu thẳng vào người tôi. Bên trong, một nửa căn phòng cũng bị chiếu nắng. Trần nhà rách nát từng mảng lớn, lộ ra cả những tấm lợp fibrô xi-măng đã cũ lợp phía trên.
Thủy, cô sinh viên sống trong phòng trọ này cho hay, chuyện nắng chiếu vào nhà là bình thường vì những đêm Rằm, nằm trong nhà nhìn lên còn thấy rõ cả trăng. “Nhưng khổ nhất là mưa, mỗi lúc như thế chúng em lại phải “di cư” tạm qua các phòng khác vì trong nhà chỗ nào cũng bị ướt”.
Tuy nhiên nhiều phòng khác cũng rơi vào cảnh tương tự, tường lở, trần nhà hư hỏng. Có phòng còn mua bạt ni lông về căng trên trần, họ phải sống chung với sự cái nóng nực, bí bức của những tấm lợp fibrô xi-măng tràn xuống ni lông rồi phả xuống phòng. “Nếu không căng, mưa xuống thì chạy không kịp” - một bạn sinh viên nói.
Sinh viên dùng bạt ni lông làm trần nhà hứng nước mưa. (Ảnh: Hoài Nam).
Th nói: “Nhiều đêm mưa, sinh viên phải chạy đi tá túc nhưng chỉ được hai phòng là khá lành lặn, chẳng có chỗ ngủ sinh viên phải cùng nhau ngồi, thức trắng đêm”.
Tình cảnh ở xóm này không phải là trường hợp cá biệt, nhiều xóm trọ sinh viên khác cũng rơi cảnh bi đát không kém. Tại một xóm trọ ở trong làng Phú Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm) bốn phòng toang hoác, sinh viên gọi là “khu trọ chuồng lợn” bởi vì tường nhà không xây kín hẳn mà chỉ xây lưng chừng. Nửa phía trên sinh viên phải dùng bạt để che phòng lại. “Nhiều hôm gió to, bạt đổ hết, lộ cả không gian trong phòng ra ngoài. Chúng em lại phải căng lại bạt, không thì thức đêm mà canh trộm” - Minh, ĐH Thương mại thuê trọ ở đây nói.
Đây là khu vực diễn ra mọi mọi sinh hoạt tắm giặt, nấu nướng của hơn 20 sinh viên tại một xóm trọ ở làng Kiều Mai (Phú Diễn, Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam
Minh cho biết, thật ra trước đây khu nhà này là chủ nhà làm lán dùng cho cánh thợ xây ở. Sau đó họ ngăn ra cho sinh viên thuê. Tại đây, những thứ thiết yếu cho sinh hoạt như nước, nhà vệ sinh, nhà tắm đều không có. Sinh viên phải sang nhà chủ cách đó khoảng 20m để xách nước và đi nhờ nhà vệ sinh. Nhà tắm cũng được dùng những tấm bạt quây tạm.
“Căn phòng 10m2 này chúng em phải trả 500 nghìn/tháng mới thuê được, chẳng biết nên gọi là rẻ hay đắt. Bất đắc dĩ không tìm được phòng mới phải sống tạm ở đây. Học hành mà phải ở tạm bợ, thật chán” - Minh lắc đầu.
Bớt tiền ăn “gánh” tiền trọ
Tiền nào của nấy, nhiều người nghĩ rằng sinh viên chấp nhận thuê trọ ở đây lý do… giá rẻ. Vậy nhưng, phòng trọ tồi tàn đến mức đó, những người thuê trọ vẫn không thoát được cảnh giá phòng cao và tăng giá liên tục.
Phòng trọ thế này nhưng giá phòng vẫn cao ngất ngưởng và không ngừng tăng. (Ảnh: Hoài Nam).
Th liệt kê giá phòng tăng trong hơn một năm qua. Cuối năm 2007, mỗi phòng trọ ở đây, diện tích chưa được 9m2 là 350.000 đồng. Trong năm 2008, tăng ba đợt, lên 500.000 đồng. Và “cú nhảy” mới nhất và cao nhất gần đây là vào tháng 1/2009 tăng 150.000 đồng lên 650.000 đồng/phòng.
Giá phòng đã tăng luôn kéo theo giá điện nước. “Em ở đây hơn ba năm, giá điện tăng từ 1.500 đồng/số lên 3.500 đồng/số, nước từ 25.000 đồng lên 40.000 đồng/người/tháng”. Để chứng minh lời mình, Th cho tôi xem cuốn sổ ghi chép tiền điện, nước, tiền nhà từng tháng của mình. Trong năm 2008, tổng hàng tháng phòng Th phải trả trong khoảng 550.000 đồng, nhưng từ năm 2009, tăng lên gần 900.000 đồng. “Giá phòng với giá điện quá cao, phòng em có hai máy tính mà chỉ dám dùng một, một cho mượn”, Th nói.
Sổ ghi chép tiền phòng, điện nước hàng tháng của Th. (Ảnh: Hoài Nam)
Phải gánh những khoản tiền cố định cao và không ngừng tăng nên hầu hết sinh viên sinh hoạt rất tằn tiện. Theo ghi nhận, phần đông sinh viên ở đây nhận tiền trợ cấp từ gia đình là 1 triệu đồng/tháng, để đủ chi tiêu thì khoản chi cho ăn uống rất thấp và thường xuyên bị cắt giảm.
Lượng, sinh viên ĐH Xây dựng cho hay, mỗi tháng cậu nhận được đúng 1 triệu đồng từ bố mẹ. Chi tiền phòng, điện nước hết 450.000, tiền ăn đúng 400.000 đồng. Một thanh niên tuổi 20 đang tuổi ăn tuổi học mà mỗi ngày chỉ ăn uống trong mức tiền 13.000 đồng, Lượng cười: “Biết làm sao được chị, vẫn cứ phải qua ngày thôi. Nhiều bạn còn phải ăn ít hơn thế này nữa”. Bởi vì thế mà cậu sinh viên này rất chăm đi chợ đêm, để mua được đồ ăn rẻ.
Tại “khu trọ chuồng lợn”, tuy điều kiện sinh hoạt thiết yếu nhất cũng không có nhưng phòng trọ cũng tăng từ 400.000 lên 550.000 đồng, điện nước cũng đồng loạt tăng. Minh bộc bạch: “Tất cả những khoản tăng chúng em phải cắt từ tiền ăn. Nói chung là sinh viên lúc nào cũng trong cảnh đói và đói”.
Kỳ sau: Nỗi ám ảnh mang tên “chủ nhà”
Hoài Nam