Sinh viên tình nguyện tiếp lửa tri thức tới làng trẻ em SOS Hà Nội
(Dân trí) - Được thành lập từ năm 2013 với mục đích giúp đỡ các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Hà Nội (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong học tập cũng như cuộc sống, Câu lạc bộ Dạy học tình nguyện Làng trẻ SOS - Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn đồng hành và trở thành một phần không thể thiếu của mái ấm đặc biệt này.
Hành trình đến với ngôi làng đặc biệt
Bắt nguồn từ phong trào “Mùa hè xanh” cách đây hơn 10 năm, vào thời gian hè, các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn đến làng trẻ em SOS để hỗ trợ các em học tập. Đến năm 2013, chị Thái Hà - nguyên phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có ý tưởng thành lập nên một câu lạc bộ giúp đỡ các em không chỉ trong kì nghỉ hè như thế mà là suốt chiều dài năm học. Và câu lạc bộ (CLB) Dạy học tình nguyện Làng trẻ SOS - Đại học Sư phạm Hà Nội đã ra đời. Không chỉ nhằm thúc đẩy các em trong học tập, CLB còn cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, động viên các em vượt lên số phận.
Tính đến nay, CLB đã duy trì được hơn 5 năm. Hiện tại, chủ nhiệm là anh Phạm Thái Cẩm - sinh viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh Cẩm cho biết, con số thành viên của CLB lúc đầu chỉ vỏn vẹn 20 người, giờ đã lên tới con số 150 thành viên và đội ngũ tình nguyện viên dự bị.
CLB vẫn đều đặn dạy học cho các em vào các buổi tối thứ 2, thứ 4 và thứ 5 hàng tuần. Các tình nguyện viên sẽ được chia thành các nhóm 7 - 8 người, mỗi nhóm phụ trách một nhà trong làng và đi dạy theo lịch đã đăng ký trước.
Em Kiên (lớp 6) chia sẻ: “Thường các anh chị giúp em ôn lại bài cũ, giảng lại những chỗ em chưa hiểu, hướng dẫn em làm bài tập về nhà và còn cho em bài nâng cao nữa”.
Em Hòa (một học sinh khối lớp 7) hào hứng: “Các anh chị dạy em lâu rồi, trong quá trình học em cũng đã tiến bộ hơn, điểm số cao hơn trước kia. Đặc biệt với môn Toán, nhờ anh chị em đã không còn cảm thấy sợ môn học này nữa”.
Anh Phạm Thái Cẩm cho biết thêm: “CLB áp dụng phương pháp dạy phát huy tối đa lối tư duy chủ động để tự lĩnh hội kiến thức giải quyết các bài tập. Các thành viên chỉ là người gợi mở cho các em chứ không làm sẵn. Ngoài ra, các anh chị cũng tìm cách mở rộng, liên hệ thực tế ngoài sách vở để các em ghi nhớ kiến thức lâu hơn”.
Bên cạnh việc dạy học, CLB còn tổ chức nhiều hoạt động cho các em vào các ngày lễ lớn như Trung thu, Tết Nguyên đán,... gần đây nhất là chương trình Tết yêu thương. Trong đó, CLB đã huy động nhân lực, biểu diễn văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian cho các em, dựng những gian hàng sách, gian tô tượng, gói bánh chưng và trao các suất quà tới các nhà trong làng...
Trong suốt 5 năm duy trì hoạt động, CLB đã trải qua không ít khó khăn, vất vả. Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Bên cạnh những em chăm chỉ vẫn có những em còn chểnh mảng học tập nên các tình nguyện viên phải cố gắng rất nhiều trong việc đôn đốc các em. Ngoài ra, không chỉ có CLB Sư phạm Hà Nội mà còn nhiều đơn vị, nhóm dạy học khác cũng tới làng hỗ trợ nên nhiều khi phương pháp dạy khác nhau và không thống nhất cho lắm”. Những lúc như thế, các tình nguyện viên phải cố gắng dung hòa và lấy kiến thức làm trọng tâm cũng như vận dụng tối đa nghiệp vụ sư phạm của mình để truyền đạt cho các em.
Không ít những hôm thời tiết khắc nghiệt, các tình nguyện viên vẫn cố gắng đến làng đông đủ, chưa bỏ sót buổi dạy nào. Mẹ Hà - một trong những bà mẹ đầu tiên của làng, người các bạn vẫn thường trìu mến gọi bằng “u”, tâm sự: “Có những ngày mưa lớn, nước ngập cả làng, u cũng dặn, thôi trời mưa rét quá thế này các con đừng đến, thế mà rồi mấy đứa vẫn cứ đến với các em, u nhìn mà thương”.
Vượt qua những khó khăn ấy, CLB vẫn kiên trì, đoàn kết để cùng nhau đề ra những hướng giải quyết cho vấn đề. Chính tình yêu thương mà những người trẻnày cùng dành cho các em nhỏ ở Làng SOS Hà Nội là chất keo đã gắn kết họ lại, giúp duy trì CLB cho tới ngày hôm nay.
“Đây là gia đình thứ 2 của chúng tớ”
Đó là chia sẻ của bạn Đỗ Thị Dung, sinh viên khoa Sinh học, Phó Chủ nhiệm CLB. Không chỉ với Dung mà với tất cả các thành viên, CLB cũng như Làng trẻ em SOS Hà Nội đã trở thành mái nhà thứ hai gắn bó như ruột thịt, lúc nào cũng đong đầy yêu thương. Số lượng đông nhưng các bạn thành viên vẫn rất đoàn kết và thương yêu nhau. Đặc biệt trong các nhóm được chia ra để phụ trách từng nhà, tình cảm ấy khăng khít như anh chị em ruột trong gia đình.
Các mẹ và các bé trong Làng trẻ em SOS cũng dành thật nhiều tình cảm cho các tình nguyện viên. “Mấy đứa nhiệt tình lắm, có hôm hết giờ dạy mà mấy em chưa làm xong bài các anh chị cũng vẫn cứ nán lại mãi đấy. Chúng nó cũng như con của u vậy, lắm lúc không có chúng nó lại thấy nhớ nhớ” - u Hà vừa cười vừa nói.
Ngay cả khi không phải lịch dạy, những hôm rảnh rỗi, các bạn tình nguyện viên vẫn rủ nhau qua làng chơi với các em. Bạn Vân Anh - tình nguyện viên mới của CLB cho biết: “Tuy mới vào nhưng mình đã cảm nhận được tình cảm gắn bó của mọi người trong CLB, sự nồng hậu, chân tình, cởi mở của các mẹ. Với các bé, lúc đầu có những em vẫn còn chút bướng bỉnh nhưng giờ thì cứ quấn quít lấy các anh chị suốt hai tiếng ở làng”.
Nhìn những đôi tay nhỏ xíu níu áo chị Dung, chị Vân Anh, tranh nhau để được các chị bế đi chơi, u Hà rơm rớm nước mắt: “Nhờ mấy đứa mà mái nhà SOS mới càng thêm ấm áp hơn”.
Lan tỏa yêu thương
Hiện nay, CLB đã mở rộng tuyển tình nguyện viên ở cả các trường ĐH khác trên địa bàn Hà Nội, kết hợp với các khoa trong trường để tổ chức các chương trình như Ngày hội trải nghiệm, CLB tổ chức cùng khoa Toán Tin và Khoa Giáo dục Mầm non trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Ngoài việc nhờ sự hỗ trợ của Hội Sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, CLB còn huy động vốn bằng cách tổ chức các gian hàng bán đồ gây quỹ như bán trà thái, trà sữa, bỏng ngô... Điều này không chỉ giúp bổ sung vào quỹ mà còn giúp lan tỏa những thông điệp yêu thương, kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ các em nhỏ tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, bù đắp phần nào đó cho những tuổi thơ chưa thực sự được trọn vẹn, đủ đầy.
Trong tương lai, anh Cẩm mong CLB sẽ mở rộng cả về quy mô lẫn chất lượng tình nguyện viên, nhiều chương trình thiết thực sẽ được tổ chức, sẽ có nhiều người biết và giúp đỡ các em hơn: “Hy vọng thế hệ kế nhiệm của CLB sẽ có thể tiếp nối truyền thống, phát triển CLB để lan tỏa những điều tốt đẹp đến thật nhiều người”.
Khánh Như - Huyền Trang